Đón xuân - vui tết: Nông dân không quên chăm sóc vụ lúa đông xuân

Thứ Sáu, 02/02/2018 | 17:07

Hiện nay, các trà lúa đông xuân phát triển khá tốt. Song, theo dự báo của ngành chức năng, trong dịp Tết Mậu Tuất 2018, rầy nâu di trú xuất hiện và phá hại các trà lúa đông xuân. Ngành chức năng thông báo đến các huyện, thị, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân vui xuân, đón tết nhưng vẫn theo dõi, phòng trừ rầy nâu và các loại sâu bệnh.

Nông dân xã Long Thạnh (huyện Vĩnh Lợi) kiểm tra rầy nâu trên lúa đông xuân.

Nông dân huyện Vĩnh Lợi phun thuốc BVTV phòng trừ rầy nâu phá hại lúa đông xuân.

Trạm TT&BVTV huyện Vĩnh Lợi tập huấn, hướng dẫn nông dân phòng trừ rầy nâu. Ảnh: M.Đ

Toàn tỉnh hiện có 65.012ha lúa; trong đó, lúa trên đất tôm là 7.659ha, lúa thu đông (chủ yếu lúa Tài nguyên) 9.254ha, lúa đông xuân 48.099ha. Các trà lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng. Một số diện tích lúa đông xuân xuất hiện rầy nâu và các loại sâu bệnh. Vì vậy, ngành chức năng khuyến cáo nông dân phòng trừ triệt để rầy nâu mang mầm bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá (VL-LXL).

Ở huyện Phước Long, nông dân xuống giống gần 9.900ha lúa trên đất tôm. Đến thời điểm này, bà con cơ bản thu hoạch dứt điểm vụ lúa, năng suất đạt từ 4,5 - 5 tấn/ha. Riêng lúa đông xuân xuống giống được 13.677ha, lúa phát triển khá tốt.

Ông Trần Văn Ân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long, cho biết: “Huyện đang phát động nông dân phòng trừ rầy nâu. Cán bộ kỹ thuật Phòng NN&PTNT huyện đã xuống cơ sở hướng dẫn nông dân phòng trừ rầy nâu. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn phát động nông dân không chủ quan để cháy rầy trong dịp tết”.

Huyện Vĩnh Lợi cũng đang phát động nông dân kiểm tra đồng ruộng, nhất là vào những ngày cận tết. Ông Nguyễn Văn Chuối (xã Vĩnh Hưng) bày tỏ: “Gia đình tôi có gần 2ha trồng lúa đông xuân. Thực hiện khuyến cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh, tôi xuống giống đúng theo lịch thời vụ nên lúa phát triển khá tốt. Hàng ngày tôi đều đi thăm đồng, đến nay chưa phát hiện sâu bệnh. Tôi đang theo dõi và khi ngành chức năng phát động phun thuốc phòng trừ, tôi vận động bà con đồng loạt trừ rầy triệt để”.

Theo ông Nguyễn Văn Út, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) huyện Vĩnh Lợi: “Một số diện tích lúa đông xuân của huyện Vĩnh Lợi đã xuất hiện rầy nâu, tập trung ở các xã: Long Thạnh, Châu Thới, Vĩnh Hưng và Vĩnh Hưng A… Mật số rầy rất cao (từ 500 - 1.000 con/m2). Rầy nâu di trú có khả năng mang mầm bệnh VL-LXL. Trạm TT&BVTV huyện hướng dẫn bà con bơm nước vào đồng ruộng nhằm che chắn không cho rầy nâu di trú đeo bám thân và chích hút cây lúa”.

Chi cục TT&BVTV tỉnh dự báo: thời gian tới, trà lúa đông xuân sẽ có các đối tượng phát sinh gây hại lúa như rầy nâu, bệnh cháy bìa lá, bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ… Dự kiến sâu bệnh có khả năng gây hại mạnh vào những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2018.

Ông Trần Văn Na, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh, cho biết: “Chi cục TT&BVTV tỉnh đã chỉ đạo các Trạm TT&BVTV huyện, thị, thành phố hướng dẫn nông dân thường xuyên thăm đồng để phát hiện sâu bệnh và kịp thời phòng trừ, không để cháy rầy và xảy ra bệnh VL-LXL trước, trong và sau Tết Mậu Tuất 2018”.

Minh Đạt

Không để lúa đông xuân bị cháy rầy

Sở NN&PTNT vừa có công văn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở, các địa phương tăng cường thu hoạch lúa trên đất tôm, lúa thu đông; chăm sóc và bảo vệ lúa đông xuân trước, trong và sau Tết Mậu Tuất 2018.

Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tăng cường chỉ đạo, cử cán bộ bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, vận động nông dân thu hoạch dứt điểm diện tích lúa trên đất tôm và lúa Tài nguyên đang chín, hướng dẫn nông dân chăm sóc tốt lúa đông xuân. Thông báo tình hình diễn biến sâu bệnh hại lúa cho nông dân biết. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xác định những nơi lúa bị nhiễm sâu bệnh nặng, vận động nông dân ra quân phun thuốc đồng loạt diệt trừ, phòng ngừa bệnh cho lúa.

Phân công cán bộ trực trong những ngày nghỉ tết, kiểm tra đồng ruộng. Vận động nông dân vui xuân, đón tết nhưng phải thường xuyên thăm đồng để phát hiện sâu bệnh hại lúa, kịp thời phòng trị. Vận động, hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh, không để lúa bị cháy rầy do bệnh trước, trong và sau tết.

Đối với các vùng có khả năng xâm nhập mặn cao, vào thời gian cuối tháng 1, đầu tháng 2/2018, vận động bà con gia cố bờ bao, kiểm tra cống bọng, đập ngăn mặn, phòng chống mặn xâm nhập sâu trong nội đồng, kiểm tra nước trước khi bơm nước ngọt trữ trên đồng ruộng. Tích cực bơm tưới nước cho lúa ở những khu vực bị khô hạn, đảm bảo đủ nước cho lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Xử lý ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ cho lúa trước khi nghỉ tết. Chi cục Thủy lợi, Trung tâm Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi thực hiện tốt công tác điều tiết nước ngọt, kiểm tra tình hình xâm nhập mặn; thường xuyên kiểm tra độ mặn trên ruộng, kênh, mương; thông báo tình hình nước mặn, nước ngọt kịp thời để nông dân chủ động sử dụng nước tưới tiêu cho sản xuất…

M.C (lược trích)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.