Hỗ trợ nguồn vốn giúp nông dân phát triển sản xuất

Thứ Sáu, 25/10/2019 | 14:49

Đối với nông dân, nguồn vốn để phục vụ sản xuất rất quan trọng. Song, hiện nay, nhiều nông dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay từ ngân hàng. Để giải quyết vấn đề này, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ nông dân có điều kiện để mở rộng, phát triển sản xuất.

Lãnh đạo tỉnh và huyện Hòa Bình tham quan mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện. Ảnh: M.Đ

Sau khi tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao, Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh tỉnh làm việc với các ngân hàng thương mại về việc cho nông dân vay vốn. Đối với những hộ nông dân có mô hình sản xuất hiệu quả, khả quan thì ngân hàng nên xem xét, tiếp tục cho vay để bà con mở rộng sản xuất. Có giải pháp tháo gỡ, giúp nông dân vay vốn phát triển sản xuất thì bà con mới có khả năng trả nợ ngân hàng.

KHÓ TIẾP CẬN VỐN VAY NGÂN HÀNG

Dù đang rất cần vốn để phát triển sản xuất, song hầu hết hộ nuôi tôm không được vay vốn ngân hàng do không có tài sản thế chấp. Đơn cử như hộ anh Trần Đình Của (ngụ xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình).

Gia đình anh Của từ Hải Dương vào lập nghiệp ở Bạc Liêu hơn 10 năm, nuôi tôm quảng canh tại xã Vĩnh Hậu. Theo anh Của, mô hình nuôi tôm công nghệ cao đạt hiệu quả kinh tế, mang tính bền vững, nhưng do không có vốn nên anh không thể thực hiện. Đất anh Của nuôi tôm lại là đất thuê nên anh không có tài sản thế chấp, vì thế ngân hàng không cho vay.

Bên cạnh đó, nhiều hộ có mô hình sản xuất hiệu quả nhưng vẫn không thể vay vốn. Cụ thể như gia đình anh Nguyễn Văn Liêm (phường 2, TP. Bạc Liêu). Trước đây, anh Liêm thế chấp sổ đỏ đất nhà để vay ngân hàng 200 triệu đồng nuôi gà. Sau đó, do dịch cúm gia cầm nên toàn bộ đàn gà bị tiêu hủy, chăn nuôi thua lỗ. Từ số tiền Nhà nước hỗ trợ tiêu hủy gà, anh Liêm chuyển sang nuôi hơn 100 con rắn ri tượng, đạt hiệu quả kinh tế cao. Anh Liêm bày tỏ: “Hiện nay, gia đình tôi sống nhờ nguồn thu nhập từ nuôi rắn ri tượng. Tôi rất muốn mở rộng quy mô nuôi rắn nhưng không có vốn. Sổ đỏ của tôi vẫn còn trong ngân hàng nên tôi không có tài sản thế chấp để tiếp tục vay vốn”.

Mô hình trồng rau màu xen canh của nông dân xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu (từ nguồn vốn vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh).

HƯỚNG MỞ TỪ CÁC NGUỒN QUỸ HỖ TRỢ

Thời gian qua, một số tổ chức Hội, đoàn thể đã giúp nông dân vay vốn từ nguồn quỹ hỗ trợ của ngành để phát triển sản xuất. Điển hình là Hội Nông dân tỉnh từ đầu năm 2019 đến nay đã giải ngân 65 dự án (từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân) với số tiền hơn 3,4 tỷ đồng hỗ trợ hội viên, nông dân sản xuất. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả như mô hình nuôi bò thịt (phường Láng Tròn, TX. Giá Rai); nuôi sò huyết (xã Định Thành, huyện Đông Hải); trồng cây ăn trái (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân)… Các mô hình này đang được khuyến khích nhân rộng, góp phần  giảm nghèo bền vững.

Hội Nông dân tỉnh còn thông qua các chương trình phối hợp để tín chấp, giúp hội viên, nông dân tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng. Nhờ đó, đến nay đã có 24.612 nông dân được vay hơn 541 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; hơn 20.500 hội viên, nông dân được vay hơn 431 tỷ đồng từ Ngân hàng NN&PTNT - chi nhánh tỉnh…

Cùng với đó, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh và các địa phương cũng vận động nông dân liên kết thành lập HTX, xây dựng phương án sản xuất. Từ đó tạo điều kiện cho bà con tiếp cận vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX.

Sự quan tâm của các Hội, đoàn thể, các địa phương là giải pháp cần thiết giúp nông dân có vốn để mở rộng, phát triển sản xuất, từng bước vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Minh Châu

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.