Huyện Phước Long: Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất tôm - lúa

Thứ Hai, 14/05/2018 | 17:10

Vụ mùa năm 2018, huyện Phước Long quyết tâm thực hiện đúng lộ trình mở rộng diện tích sản xuất tôm - lúa ở vùng chuyển đổi nhằm làm tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đây còn là mô hình được tỉnh chọn triển khai thí điểm  để làm cơ sở nhân rộng. 

Quang cảnh lễ khởi công xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất tôm - lúa tại xã Phước Long (huyện Phước Long). Ảnh: T.Đ

ĐẦU TƯ 25 TỶ ĐỒNG XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG

Ngày 10/5/2018, một sự kiện quan trọng đã mang đến niềm vui lớn cho người dân xã Phước Long (huyện Phước Long) là lễ khởi công xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất tôm - lúa với tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng do tỉnh đầu tư. Dự án gồm 4 hạng mục công trình: xây dựng 9 cống bê-tông (gồm cống các kênh: 1000, 2000, 3000, 4000, 5000, Tư Danh, Hai Đông, Kênh Lung và cống thủy lợi 6000); nạo vét 3 tuyến kênh với tổng chiều dài gần 8.400m (gồm các kênh: 1000, 4000 và 5000); đắp 16 đập ngăn mặn dọc theo hai tuyến kênh Cô Chín và tuyến kênh Phó Sinh - Cạnh Đền; xây 5 cây cầu bê-tông rộng 3,5m (đi ngang qua các kênh: 1000, 2000, 3000, 4000, 5000).     

Các công trình này sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2019, phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản cho 1.482ha đất sản xuất trên địa bàn 2 ấp: Phước Tân và Phước Ninh của xã Phước Long. Ông Phan Hồng Nhật, đại diện đơn vị trúng thầu cam kết sẽ thi công đảm bảo tiến độ và đạt chất lượng tốt nhất.

Thời gian qua, xây dựng kết cấu hạ tầng luôn được Huyện ủy, UBND huyện Phước Long xác định là khâu mũi nhọn, đột phá, có tác động quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi diện mạo xóm ấp, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn mới. Ý thức được tầm quan trọng đó, Huyện ủy, UBND huyện luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ sản xuất như: hệ thống cầu, cống, đường giao thông, thủy lợi, trạm bơm…

Đối với hệ thống hạ tầng phục vụ vùng sản xuất tôm - lúa, việc khởi công xây dựng các công trình trên nhằm mục tiêu từng bước mở rộng diện tích tôm - lúa, đảm bảo sản xuất hiệu quả, bền vững. Ngoài ra, dự án còn góp phần giữ vững môi trường sinh thái, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển ổn định, bền vững.    

QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THÀNH CÔNG MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM 

Ông Hồ Văn Lên (ấp Phước Ninh, xã Phước Long, huyện Phước Long) phấn khởi nói: “Gia đình tôi sản xuất mô hình tôm - lúa từ khi chưa có chủ trương thí điểm của tỉnh. Kết quả cho thấy, lợi nhuận từ mô hình này tăng gần 50% so với mô hình độc canh 1 vụ lúa trước đây”.

Ông Dương Quốc Trung, Chủ tịch UBND xã Phước Long - nơi được tỉnh chọn làm mô hình thí điểm sản xuất tôm - lúa đã phát biểu hạ quyết tâm vận động bà con nông dân mở rộng diện tích tôm - lúa ở 2 ấp: Phước Tân và Phước Ninh đạt và vượt kế hoạch. Để đáp lại sự quan tâm đầu tư của huyện và tỉnh, ông Trung kêu gọi bà con thường xuyên chăm sóc để mô hình tôm - lúa phát triển bền vững.  

Mô hình tôm - lúa ở huyện Phước Long được sản xuất luân canh 1 vụ lúa - 3 vụ tôm trên cùng đơn vị diện tích. Do đó, khi được đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng sẽ là điều kiện tốt để người dân phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đất đai. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo sản xuất huyện Phước Long, ở mô hình thí điểm, vụ sản xuất tôm - lúa năm 2017 năng suất lúa đạt 5 tấn/ha, năng suất tôm đạt từ 130 - 150kg/ha.

Ông Trương Phước Hiền, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long, cho biết: Năm 2018 huyện phấn đấu có từ 10.000 - 10.500ha sản xuất theo mô hình tôm - lúa. Trong đó, xã Phước Long phấn đấu mở rộng thêm 400ha, nâng tổng diện tích lên gần 1.600ha; xã Phong Thạnh Tây A mở rộng thêm 200ha, nâng tổng số lên 323ha. Trong mô hình này, tôm càng xanh chiếm 75% diện tích, số còn lại là tôm sú và thẻ chân trắng. Để chuẩn bị tốt cho vụ mùa mới, Phòng NN&PTNT huyện đang làm thủ tục đề nghị UBND huyện tiếp tục hỗ trợ 100% lúa giống cho mô hình thí điểm theo Nghị định 35 của Chính phủ về phát triển đất trồng lúa. Phòng NN&PTNT huyện cũng đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật, sẵn sàng sát cánh cùng nông dân trong vụ mùa mới.

Ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch UBND huyện Phước Long, cho biết: Phước Long là một trong những huyện có nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định để phát triển đời sống nhân dân trong huyện. Trong đó, tôm - lúa được xem là mô hình trọng điểm của huyện được nhiều cấp, nhiều ngành quan tâm và được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng. Từ lẽ đó, việc đẩy mạnh xây dựng kết hạ tầng nhằm tiếp tục phát huy, nhân rộng mô hình làm ăn có hiệu quả là hướng đi đúng đắn của huyện.

Những quyết tâm đó chính là cơ sở để huyện Phước Long triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về đẩy mạnh phát triển kinh tế. Mục tiêu đến cuối năm 2020, toàn huyện có 15.000ha sản xuất lúa trên đất nuôi tôm, góp phần nâng cao giá trị sản xuất cho huyện nông thôn mới. 

Tấn Đạt

Để chuẩn bị tốt cho vụ sản xuất năm 2018, Phòng NN&PTNT huyện Phước Long đã đưa ra một số giải pháp chủ yếu, quyết tâm cùng nông dân thực hiện thắng lợi.  

Đó là chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống bất lợi do thiên tai gây ra như: hạn hán, xâm nhập mặn, áp thấp nhiệt đới, bão kép. Làm tốt công tác dự tính, dự báo chính xác tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Đẩy mạnh quan hệ sản xuất và phát triển các tổ chức sản xuất đại diện cho nông dân như: câu lạc bộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã đủ năng lực tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt mô hình liên kết 4 nhà “Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông”. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nông dân thực hiện các mô hình liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nông dân nâng cao ý thức chủ động sản xuất vụ lúa trên đất tôm nhằm hạn chế thiệt hại do thời tiết bất lợi (khô hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước cuối vụ).

Đối với diện tích lúa trên đất tôm, khẩn trương, tích cực trữ nước khi có mưa để rửa mặn, đo độ mặn nếu dưới 1%o thì tiến hành gieo sạ, không xuống giống kéo dài làm trễ thời vụ.

Hướng dẫn nông dân gieo sạ lúa tập trung, đồng loạt theo khung lịch thời vụ, khuyến khích sử dụng lúa cấp xác nhận, chất lượng cao, chống chịu mặn tốt, có thời gian sinh trưởng ngắn ngày như OM 5953, 4900, 5451, 2517 và Một bụi đỏ.

Tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, đo các thông số môi trường, theo dõi công tác điều tiết nước, tận dụng lượng nước ngọt, thay nước nhiều lần để rửa mặn. Trước khi cho nước vào đồng ruộng phải kiểm tra độ mặn trong nước, nếu ngoài sông thấp hơn trong đồng thì tiến hành rửa dần.

Tăng cường công tác tập huấn khuyến nông để hướng dẫn nông dân áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất tôm - lúa, sử dụng các chế phẩm sinh học để rửa mặn làm giảm ô nhiễm môi trường...

T.Đ (lược trích)

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.