Khai thác, đánh bắt làm hủy diệt nguồn lợi thủy sản: Cần được ngăn chặn

Thứ Hai, 18/09/2017 | 15:54

Bạc Liêu có bờ biển dài 56km, đây là điều kiện thuận lợi  để địa phương phát triển mạnh nghề khai thác, đánh bắt thủy sản. Song, điều đáng quan tâm hiện nay là hình thức khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản ngày càng tăng, từ đó làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, tác động xấu đến môi trường và ảnh hưởng đến phát triển bền vững.

Ngư dân huyện Hòa Bình chuẩn bị lồng bẫy để đánh bắt thủy sản. Ảnh: L.D

Khai thác kiểu tận diệt

Một trong những hình thức khai thác phổ biến được ngư dân khu vực ven biển Bạc Liêu phát triển mạnh là nghề lồng bẫy. Lồng bẫy có chiều dài bình quân khoảng 6 - 10m, được thiết kế theo khung hình hộp liên kết với nhau, kích thước mắt lưới từ 6 - 10mm. Với thiết kế liên hoàn và có nhiều cửa hom nên các loại thủy sản chỉ có thể chui vào mà không thể thoát ra; cũng như do kích thước mắt lưới nhỏ nên lồng bẫy có thể bắt cá lớn lẫn cá bé. Đây chính là nguyên nhân mà lồng bẫy còn được ngư dân gọi là “lồng bát quái”.

Lồng bẫy đều đặt ở khu vực ven bờ và bẫy đặt nằm sát đáy. Do vậy sẽ ngăn chặn đường di chuyển của các loài thủy sản và gây khó khăn cho việc tái tạo nguồn lợi. Bởi tập tính của các loại thủy sản bố mẹ là phải vào ven bờ để đẻ trứng, còn con non thì trở ra biển để trưởng thành. Do vậy, việc đặt bẫy khai thác gần bờ làm cho cả cá mẹ và cá con đều chết.

Toàn tỉnh có gần 250 phương tiện khai thác nghề lồng bẫy với sản lượng khai thác trên 1.440 tấn thủy sản/năm. Trong đó, có 68 loài thủy sản cho giá trị kinh tế cao bị bắt bởi lồng bẫy là ghẹ xanh, ghẹ lửa, cá đù, tôm, cá khoai… Đặc biệt, ở khu vực biển Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) có hơn 100 phương tiện khai thác nghề lồng bẫy với hàng trăm lồng/phương tiện. Trong đó, trên 50% là ghe cào nhỏ từ các tỉnh khác vào khai thác.

Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), nghề lồng bẫy không chỉ hủy diệt nguồn lợi thủy sản ven bờ, mà còn gây ra tranh chấp khi các phương tiện khai thác, đánh bắt thủy sản hoặc phương tiện vận chuyển hàng hóa bị vướng phải lồng bẫy đặt gần khu vực ven bờ.

Xử lý không khó

Theo ông Hồng Văn Thưởng, Chi cục phó Chi cục Thủy sản: “Nghề lồng bẫy làm hủy diệt nguồn lợi thủy sản, nhưng vẫn chưa có một văn bản nào quy định về xử lý và cấm khai thác bằng nghề này. Vì vậy, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ kiến nghị Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) ban hành văn bản cấm khai thác nghề lồng bẫy”.

Thiết nghĩ, việc xử lý nghề lồng bẫy hiện không quá khó, vì Luật Thủy sản, Nghị định số 31/2010/NĐ-CP của Chính phủ, và Quyết định số 22/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bạc Liêu về quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh đã nêu cụ thể về các hình thức xử lý việc khai thác thủy sản ven bờ. Đơn cử như quy định của Bộ NN&PTNT về xử lý và tịch thu tang vật đối với hành vi sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn 15mm để khai thác thủy sản; hoặc Quyết định số 22/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh, trong phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng cấm sử dụng các loại ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định…

Song, để hạn chế và cấm khai thác nghề lồng bẫy cũng cần có lộ trình, nhất là việc nghiên cứu các chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân. Qua đó giúp họ có cuộc sống ổn định và tạo được thu nhập từ nghề mới.

Tú Anh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.