Liên kết bao tiêu lúa gạo, thủy sản: Cần cái bắt tay trách nhiệm giữa doanh nghiệp và nông dân

Thứ Hai, 17/08/2020 | 19:43

Với quá trình hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, mạnh mẽ như hiện nay, vấn đề liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp không chỉ trở thành nhu cầu mang tính quy luật để nâng cao khả năng cạnh tranh, mà còn góp phần xây dựng nền tảng cho phát triển bền vững.

Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Bồ Đề Bạc Liêu liên kết với HTX nuôi tôm công nghệ cao Đông Hải sản xuất tôm sạch đạt tiêu chuẩn ASC để xuất khẩu.Ảnh: L.D

GIẢM CHI PHÍ, TĂNG LỢI NHUẬN

Để đẩy mạnh, phát triển các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho liên kết “bốn nhà”, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương và cộng đồng các doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất với nông dân. Qua thực hiện các mô hình liên kết, bước đầu đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận.

Thông qua các mô hình liên kết và hợp tác, đã làm thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân. Đơn cử như nông dân chủ động hơn trong việc sản xuất hàng hóa theo nhu cầu của thị trường hoặc đơn đặt hàng, thay vì sản xuất tự phát, manh mún như trước đây. Đặc biệt là nhiều nông dân đã ý thức được tầm quan trọng của việc tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã (THT, HTX) để sản xuất ra hàng hóa lớn, chất lượng đồng nhất và được bao tiêu.

Không chỉ thế, việc nông dân tích cực tham gia vào các THT, HTX còn tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Nông nghiệp, các địa phương đầu tư và phát huy được hiệu quả từ các công trình, dự án phục vụ cho phát triển sản xuất như: quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa lớn, xuống giống và phòng trừ dịch bệnh được tập trung, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đưa vào sản xuất bộ giống mới đạt tiêu chuẩn xuất khẩu…

Cụ thể, thông qua thực hiện hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị, nhiều địa phương đã áp dụng được đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trên mô hình cánh đồng lớn, sản xuất 1 - 2 giống lúa theo đặt hàng của doanh nghiệp, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất,  chất lượng lúa gạo cũng được nâng lên; nông dân được đầu tư vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định với giá cao hơn giá thị trường từ 50 - 100 đồng/kg lúa và góp phần giảm giá thành sản xuất từ 200 - 300 đồng/kg lúa, đặc biệt lợi nhuận tăng thêm bình quân 2,70 - 3,10 triệu đồng/ha/vụ (tương đương tổng lợi nhuận bình quân 17 - 18 triệu đồng/ha/vụ và cao hơn 20,8% - 21,3% so với ruộng sản xuất không thực hiện hợp tác liên kết). Hay trong liên kết nuôi trồng thủy sản, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đã hỗ trợ 100% con giống sạch bệnh đã qua xét nghiệm cho nông dân và 100% vi sinh xử lý cải tạo môi trường, hỗ trợ chi phí đánh giá, công nhận vùng nuôi; đồng thời bao tiêu sản phẩm với giá thua mua tôm nguyên liệu cao hơn thị trường từ 15.000 - 20.000 đồng/kg.

Với các mô hình hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị, ngoài việc giúp nông dân giảm chi phí đầu tư đầu vào, chủ động về thị trường tiêu thụ, còn hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với nông dân tại thời điểm gặp rủi ro, mất mùa do thiên tai, dịch bệnh như: hỗ trợ lúa giống, con giống và vật tư nông nghiệp.

Nông dân huyện Hòa Bình vận chuyển lúa bán cho thương lái.

LIÊN KẾT CÒN YẾU VÀ THIẾU

Có thể nói, việc liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân tuy được quan tâm, chỉ đạo nhưng mối liên kết này phát triển chưa nhiều, phần lớn nông dân vẫn phải “tự bơi” và vất vả tìm đầu ra cho hàng hóa của mình. Cụ thể trong sản xuất lúa, toàn tỉnh có tổng diện tích canh tác hơn 90.900ha, với sản lượng sản xuất ra hơn 1 triệu tấn lúa hàng hóa/năm. Thế nhưng, đến nay cả tỉnh chỉ có trên 30 cá nhân, THT, HTX, công ty, doanh nghiệp tham gia thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu lúa gạo cho nông dân và hình thức hợp đồng bao tiêu theo chuỗi liên kết khép kín chỉ chiếm khoảng 25.000ha. Trong đó, chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp, HTX lớn như: HTX Nông nghiệp Vĩnh Cường, Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Lộc, Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Bạc Liêu…

Nguyên nhân dẫn đến việc mô hình liên kết hợp tác chưa được đẩy mạnh chính là do giữa doanh nghiệp và nông dân chưa tìm được tiếng nói chung trong việc phân chia trách nhiệm và lợi nhuận. Do vậy, một số nơi sau khi thực hiện liên kết vẫn xảy ra tình trạng phá vỡ hợp đồng, kéo theo hệ lụy là hợp đồng bao tiêu chỉ “ký cho vui” và khi thị trường giá bị biến động thì nông dân sẵn sàng thất hứa, hoặc doanh nghiệp “bỏ của chạy lấy người”. Xuất phát từ thực trạng này, nên trong nhận thức và tâm lý của người nông dân vẫn chưa “mặn mà” với việc liên kết, còn bản thân doanh nghiệp cũng hoài ghi, mất lòng tin vào nông dân.

Thêm vào đó, vai trò của ngành quản lý, các địa phương chưa được phát huy và chưa tham gia tích cực vào chuỗi liên kết, còn xem đó chỉ là trách nhiệm giữa doanh nghiệp và nông dân. Nghĩa là ngành quản lý, các địa phương chỉ tham gia xúc tiến hay chứng kiến các lễ ký kết, còn doanh nghiệp và người nông dân có thực hiện đúng các cam kết đó hay không thì chưa quan tâm giám sát. Vì vậy, khi doanh nghiệp hay nông dân vi phạm các cam kết trong hợp đồng bao tiêu thì gần như không được xử lý đến nơi đến chốn và chưa tạo được tính răn đe. Đây cũng là một trong những lý do làm cho mô hình liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp còn mang tính hình thức, lỏng lẻo, thiếu bền vững và khó nhân rộng, phát huy hiệu quả.

Xuất phát từ việc thiếu vai trò của ngành quản lý nên xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp tham gia đầu tư, liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân chỉ qua thỏa thuận trực tiếp, hoặc thỏa thuận với một nhóm nông dân (chọn người đại diện) mà không có sự tham gia hỗ trợ của ngành chức năng hay địa phương. Và hậu quả của nó là các doanh nghiệp này chỉ lợi dụng nông dân để tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng được núp dưới cái bóng hỗ trợ vật tư đầu vào cho nông dân và khi xảy ra thiệt hại chỉ có người nông dân là chịu thiệt!?

Nông dân huyện Hồng Dân tự tìm đầu ra cho con tôm (thu mua tôm tại xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân).

Với việc Việt Nam đã và đang mở rộng thị trường tiêu thụ hàng nông - thủy sản như hiện nay, nhất là thị trường châu Âu,  thì việc phát triển, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất đóng vai trò quan trọng và quyết định đến phát triển bền vững. Bởi bản thân doanh nghiệp và người nông dân không thể tự xây dựng các tiêu chuẩn như: GlobalGAP, ASC, Organic… nếu như không “bắt tay” và liên kết chặt chẽ với nhau. Qua đó, góp phần sản xuất ra hàng hóa lớn, chất lượng, có thương hiệu và không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập.

LƯ TRUNG

Ông Phạm Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Doanh nghiệp và nông dân phải thực hiện đúng các hợp đồng đã cam kết

Để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hợp tác liên kết bao tiêu, chế biến xuất khẩu lúa gạo và thủy sản giữa doanh nghiệp với nông dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Bên cạnh đó, đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp khuyến khích, mời gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu lúa gạo, thủy sản cho nông dân. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các nhà khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý kinh tế và thị trường, nhằm xây dựng một chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất, tiêu thụ hàng nông - thủy sản.

Mặt khác, các tổ chức, cá nhân, công ty, doanh nghiệp khi liên kết bao tiêu lúa gạo, thủy sản cho nông dân phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, ngành chức năng của tỉnh, huyện để có sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, giảm những phương thức liên kết rườm rà; thực hiện thu mua, thanh toán nhanh gọn, cung ứng vật tư đảm bảo chất lượng, thực hiện đúng nội dung hợp đồng đã ký kết và cùng chia sẻ lợi ích với người nông dân. Riêng bà con nông dân phải tích cực liên kết hợp tác với doanh nghiệp, cùng nhau chia sẻ khó khăn khi gặp thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường biến động lớn; thực hiện đúng hợp đồng đã cam kết với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp gắn bó với nông dân.

Về ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các ngành, địa phương có quy định, chế tài xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tự ý phá vỡ hợp đồng liên kết bao tiêu đã ký kết với nông dân. Đồng thời, xử lý nghiêm các thương lái phá giá làm ảnh hưởng đến việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân.

Ý kiến người trong cuộc

Đánh giá về hiệu quả của các mô hình liên kết sản xuất với nông dân, các doanh nghiệp, HTX đã ghi nhận, kiến nghị các giải pháp và yêu cầu cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết.

* Bà Hồ Thị Kiểng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV chế biến thủy hải sản Thiên Phú (TX. Giá Rai): Chất lượng và sản lượng tôm nuôi đều tăng

Từ năm 2013, Công ty Thiên Phú đã liên kết sản xuất với các HTX nuôi tôm của huyện Đông Hải để phát triển vùng nuôi ở các xã Định Thành, An Phúc và Long Điền Đông theo mô hình liên kết “bốn nhà”. Trong đó, công ty hỗ trợ nông dân 100% chi phí về kỹ thuật, con giống sạch bệnh, men vi sinh và hướng dẫn ghi chép, nhằm truy xuất nguồn gốc để đạt tiêu chuẩn ASC. Đồng thời, bao tiêu sản phẩm với giá thu mua tôm nguyên liệu cao hơn giá thị trường từ 15 - 20 ngàn đồng/kg. Qua liên kết sản xuất với nông dân cho thấy, chất lượng và sản lượng tôm nuôi đều tăng, nếu năm 2014 sản lượng chỉ đạt khoảng 120kg/ha, thì đến nay đã đạt từ 600 - 700kg/ha. Với mô hình nuôi tôm sạch thông qua liên kết này, đã giúp công ty không chỉ chủ động về nguồn tôm nguyên liệu, mà còn đáp ứng được các nhu cầu về thị trường xuất khẩu, nhất là quy định khắt khe về an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, để phát triển các mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân, ngành quản lý cũng cần tăng cường công tác quản lý về môi trường trong nuôi trồng thủy sản và quản lý tốt chất lượng con giống, vật tư thủy sản đầu vào.

* Ông Trịnh Văn Cường, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Vĩnh Cường:​ Tuyên truyền, tập huấn và khuyến khích nông dân tham gia cánh đồng lớn

Để phát triển mô hình liên kết hợp tác, HTX Vĩnh Cường đã triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn ở huyện Hòa Bình với tổng diện tích hơn 6.000ha và dự kiến năm 2020 này sẽ phát triển trên 10.000ha. Tham gia liên kết sản xuất, các thành viên của HTX và nông dân được hỗ trợ vật tư đầu vào và giá lúa thu mua sẽ cao hơn giá thị trường trên 200 đồng/kg. Điểm lợi của mô hình liên kết sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn là sử dụng được giống lúa chất lượng cao, sản xuất ra hàng hóa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và mang lại nhiều lợi nhuận. Đặc biệt, giúp nông dân tiết kiệm khoảng 90kg lúa giống/ha, giảm lượng phân bón. Qua đó, giúp giảm chi phí đầu tư khoảng 5 - 10% so với các mô hình sản xuất ngoài liên kết.

Thế nhưng, một trong những khó khăn hiện nay chính là nhiều nông dân vẫn chưa nhận thức và thấy được tầm quan trọng của liên kết sản xuất là tạo ra sản phẩm sạch. Vì vậy, kiến nghị các ngành cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho nông dân và khuyến khích nông dân tham gia sản xuất lúa chất lượng cao thông qua mô hình cánh đồng lớn.

* Bà Nguyễn Thị Hằng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Bồ Đề Bạc Liêu:​ Liên kết hợp tác phải là giải pháp hàng đầu

Để phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất thì giải pháp quan trọng nhất chính là làm thay đổi nhận thức và tư duy của người nông dân. Muốn vậy, cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, các cấp ủy đảng, ngành quản lý phải tích cực vào cuộc, nhất là tập trung làm tốt công tác vận động, tuyên truyền để nông dân tham gia các THT, HTX và liên kết với doanh nghiệp. Với xu thế hội nhập như hiện nay, bản thân doanh nghiệp và nông dân phải liên kết, vì đây là nhu cầu tất yếu cho phát triển bền vững. Bởi muốn sản xuất ra hàng hóa lớn, muốn tạo sản phẩm chất lượng có thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh và mang lại lợi nhuận, nhiều giá trị gia tăng thì liên kết hợp tác phải là giải pháp hàng đầu. Song, muốn thực hiện thắng lợi giải pháp này, bản thân người nông dân phải được “chuyên nghiệp hóa” và nông dân phải là lực lượng tiên phong trong đẩy mạnh các mô hình liên kết hợp tác.

K.T (lược ghi)

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.