Liên kết tiêu thụ nông sản trong sản xuất nông nghiệp: Nhiều “nút thắt” chưa được tháo gỡ

Thứ Hai, 22/06/2020 | 16:22

Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Vì vậy, những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời tăng quy mô sản xuất hàng hóa, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất cho các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) liên kết và trình độ của người dân.

Thu hoạch tôm ở HTX Nuôi tôm công nghệ cao 30/4 (huyện Hòa Bình). Ảnh: C.L

LIÊN KẾT CÒN LỎNG LẺO

Thời gian qua, nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hình thành, giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng - vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp các DN tạo ra vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản xuất, đưa nông sản đến với thị trường thế giới. Tỉnh đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước qua việc khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển HTX, xây dựng cánh đồng lớn… đáp ứng yêu cầu thực tiễn đời sống, giúp nông dân hưởng lợi trực tiếp. Thông qua đó, tạo kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững, ứng dụng rộng rãi khoa học - kỹ thuật nông nghiệp thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 để giành những vụ mùa bội thu, tạo sản phẩm hàng hóa chất lượng cung ứng thị trường.

Song, trên thực tế hiện nay, việc liên kết chuỗi giữa HTX với doanh nghiệp, HTX với HTX... vẫn còn nhiều “nút thắt” khiến cho việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản đôi lúc còn bỏ ngỏ dẫn đến tình trạng bị tư thương lợi dụng thao túng giá cả thị trường, thậm chí “bẻ gãy” chuỗi liên kết một cách dễ dàng. Quá trình xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa của tỉnh việc liên kết sản xuất chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử như liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ một số nông sản chủ lực như tôm, lúa... giữa doanh nghiệp và người dân chưa bền vững; còn xảy ra tình trạng ép giá của doanh nghiệp hay người dân không thực hiện đúng cam kết bán sản phẩm cho doanh nghiệp mà bán cho thương lái. Ông Võ Hoàng Thiên - Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Phong (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long) nói: “Hiện nay, tình trạng “cò” lúa, “cò” giống… hoạt động ngày một tinh vi và luôn muốn phá bỏ các chuỗi liên kết trong tiêu thụ nông sản để họ có thể thao túng giá cả, lôi kéo bà con nông dân đứng về phía mình. Nếu chúng ta chỉ làm ăn riêng lẻ như hiện nay mà không chịu liên kết, không chịu chia sẻ trách nhiệm với nhau thì sẽ rất khó trụ vững trong cơ chế thị trường. Và bà con xã viên, người nông dân mình sẽ mãi là “người làm thuê” trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của gia đình mình”.

Bên cạnh đó, sự tham gia “4 nhà” (Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học) vào quá trình liên kết chưa toàn diện, nhiều mô hình sản xuất chưa có sự tham gia đầy đủ, phối hợp chặt chẽ của các bên. Một số  người  dân, doanh nghiệp chưa tiếp cận đầy đủ thông tin khoa học - kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, thị trường nông sản, chính sách hỗ trợ nông nghiệp của Chính phủ, các nguồn vốn ưu đãi để phát triển nông nghiệp... dẫn đến đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Hữu Anh - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu chia sẻ: “Hiện nay, nhiều người nuôi tôm phải chịu cảnh “ăn trước, trả sau” nên gần như không có sự lựa chọn trong việc tìm kiếm doanh nghiệp để liên kết, tiêu thụ tôm khi đến kỳ xuất bán. Nếu được liên kết lại và tạo thành chuỗi trong sản xuất thì họ sẽ chủ động hơn ngay từ khâu chọn giống, chọn nhà đầu tư cung ứng các sản phẩm đầu vào và đây mới thật sự là cứu cánh cho người nuôi tôm hiện nay”.

CẦN NHỮNG CÁCH LÀM MỚI

Để khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong phát triển các loại cây trồng, vật nuôi; rà soát, quy hoạch hàng hóa theo vùng sản xuất, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm các vùng sản xuất hàng hóa tập trung...

Về phía các địa phương, cần tăng cường hỗ trợ các HTX đầu tư xây dựng hạ tầng, hỗ trợ thành lập mới; phối hợp đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ ban chủ nhiệm; chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản; tăng cường liên kết đưa cây, con giống mới năng suất cao vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời xây dựng các mô hình trình diễn để các HTX, bà con nhân rộng, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất; ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp; gắn tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm đến các thị trường trong và ngoài tỉnh.

“Để góp phần giúp chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp phát triển bền vững, Liên minh HTX tỉnh sẽ tập trung chuyển dịch, cơ cấu lại công nghiệp chế biến nông sản theo hướng gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng. Lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn để tập trung hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm để dẫn dắt chuỗi liên kết vận hành một cách thông suốt, hiệu quả”, ông Trần Minh Huấn - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết.

CHÍ LINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.