Mùa khô năm 2020 - 2021: Hài hòa mặn - ngọt cho con tôm và cây lúa

Thứ Sáu, 26/02/2021 | 16:47

Trước dự báo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2020 - 2021 diễn biến gay gắt, có thể xảy ra tương tự như mùa khô năm 2019 - 2020, ngay trong quý 3/2020, Sở NN&PTNT đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai các kịch bản ứng phó với hạn, mặn. Qua đó nhằm đảm bảo điều tiết nguồn nước hài hòa phục vụ cho con tôm và cây lúa, tránh tình trạng tranh chấp mặn ngọt và thiếu nước ngọt phục vụ các trà lúa đông xuân, hè thu.

Lãnh đạo tỉnh thị sát mô hình lúa - tôm ở xã Ninh Hòa (huyện Hồng Dân). Ảnh: M.Đ

Điều tiết hài hòa nguồn nước

Theo Sở NN&PTNT, các đơn vị chức năng đã điều tiết đủ nước mặn để nuôi tôm ở vùng Nam Quốc lộ 1A với độ mặn ở mức 22 - 24‰; riêng đối với vùng Bắc Quốc lộ 1A, mực nước ngọt trên kênh rạch tiểu vùng giữ ngọt ổn định vào ngày 22/2/2021, hiện cao trình +0,05m đến +0,15m (cao hơn cùng kỳ năm 2020 đến 0,50m). Mực nước trên trục kênh Quản lộ Phụng Hiệp hiện còn khá cao với mực nước đạt cao trình +0,30m. Ngoài ra, Sở NNN&PTNT còn mở được 4 cống tiếp nước ngọt vào tiểu vùng giữ ngọt ổn định. Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Đến thời điểm này, lượng nước ngọt còn rất dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ trà lúa đông xuân đến cuối tháng 3/2021...

Riêng đối với tiểu vùng chuyển đổi, ngành chức năng đã điều tiết nước mặn cho khu vực nuôi tôm của TX. Giá Rai trong cuối tháng 12/2020 qua các cống nhỏ trên địa bàn thị xã. Cụ thể, đơn vị điều tiết nước đã mở cống Hộ Phòng và cống Giá Rai từ ngày 8 - 18/2/2020 để cấp nước mặn vào khu vực TX. Giá Rai và huyện Phước Long. Hiện độ mặn đo được ở TX. Giá Rai từ 18 - 22‰, ở huyện Phước Long là 5 - 18‰ (giảm dần về phía Hồng Dân). Đợt điều tiết nước mặn vừa qua đã đáp ứng việc cấp nước mặn cho một nửa khu vực chuyển đổi sản xuất. Độ mặn đo được tại ngã tư Ninh Quới hiện ở mức 1,4‰; còn tại cống Âu thuyền Ninh Quới, độ mặn đo được là 1,2‰. Ở phía Bắc huyện Hồng Dân, do triều biển Tây nên nước mặn theo sông Cái Lớn (tỉnh Kiên Giang) xâm nhập vào khu vực này, từ đó độ mặn dao động từ 1,6 - 3,5‰. Ông Nguyễn Văn Thới - Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, cho biết: Huyện đã tiến hành đắp 20 đập tạm để bảo vệ diện tích lúa trên đất tôm. Dự kiến, 5.610ha lúa - tôm đang canh tác trên địa bàn huyện sẽ được thu hoạch dứt điểm vào đầu tháng 3/2021.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT và UBND huyện Vĩnh Lợi kiểm tra cống Cả Vĩnh (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi).

Chủ động ứng phó với hạn, mặn

Năm 2021, Sở NN&PTNT đã xây dựng các kịch bản ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô , tập trung nạo vét các tuyến kênh thủy lợi, thủy nông nội đồng để dẫn nước, trữ nước phục vụ sản xuất...

Nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, Sở NN&PTNT dự kiến sẽ điều tiết mạnh nước mặn vào tiểu vùng chuyển đổi vào cuối tháng 2, đầu tháng 3/2021 - khi diện tích lúa trên đất tôm của huyện Hồng Dân thu hoạch dứt điểm. Kết hợp việc điều tiết nước, ngành chức năng sẽ vận hành cống Âu thuyền Ninh Quới 24/24 giờ để ngăn mặn xâm nhập qua tỉnh Sóc Trăng.

Song song đó, làm tốt công tác phối hợp với tỉnh Sóc Trăng để mở 3 cống (cống Đá, Nàng Rền, Năm Kiệu), đồng thời tranh thủ mở các cống ở Bạc Liêu (cống Sáu Tàu, cống Tư Tảo) để tiếp nước ngọt về; Tăng cường tổ chức tập huấn phòng chống hạn, mặn cho nông dân, cũng như phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng về công tác phòng chống hạn, mặn.

Các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục phối hợp với Sở NNN&PTNT triển khai kịch bản 2 đã được UBND tỉnh phê duyệt để phòng chống hạn mặn trong thời gian còn lại của mùa khô năm 2020 - 2021. Đồng thời nhanh chóng triển khai thi công các công trình thủy lợi để tăng cường khả năng dẫn, trữ nước phục vụ sản xuất. Các huyện: Vĩnh Lợi, Hòa Bình và TX. Giá Rai sẵn sàng kế hoạch đắp đập tạm và tổ chức bơm chuyền khi cần thiết (dự kiến sẽ tiến hành vào cuối tháng 3/2021 nếu cần). Huyện Vĩnh Lợi và TX. Giá Rai cần lưu ý khuyến cáo nông dân không nên xuống giống vụ hè thu sớm để tránh tình trạng thiếu nước ngọt vào cuối tháng 5/2021…

Biểu dương tinh thần chủ động trong công tác phòng chống hạn, mặn của Sở NN&PTNT; Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều đồng thời lưu ý Sở NN&PTNT cần phối hợp với Sở Tài chính, Sở KH-ĐT thống kê, quy hoạch chi tiết các con đập để ưu tiên đầu tư theo từng tiến độ. Các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 - 2021 tại từng địa bàn cụ thể; cần có phương án cụ thể để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất hiệu quả…

Minh Đạt

Chi cục Thủy lợi kiểm tra độ mặn tại cống Vĩnh Phong (huyện Phước Long). Ảnh: M.Đ

Xâm nhập mặn sẽ tiếp tục tăng cao

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dự báo từ ngày 25 - 28/2/2021, tình trạng xâm nhập mặn sẽ vào sâu trên dòng chính, các cửa sông… Do ảnh hưởng mưa trái mùa trong những ngày đầu tháng 2/2021 nên mức độ ảnh hưởng xâm nhập mặn bớt căng thẳng hơn so với dự báo trước đó, tuy nhiên, người dân vẫn cần đề phòng gió chướng mạnh có thể làm tăng mặn đột ngột trên các cửa sông Cửu Long.

Trước tình hình đó, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khuyến cáo các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần chủ động các biện pháp phòng chống hạn, mặn từ bây giờ, như: vận hành hệ thống công trình thủy lợi hợp lý, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể, hạn chế tiêu thoát, đảm bảo tích trữ nước trước khi các ảnh hưởng gia tăng từ thượng nguồn về; tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, lấy nước phù hợp với các diễn biến nguồn nước…

M.C (trích dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.