Năm 2020: Nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả

Thứ Hai, 30/12/2019 | 16:29

Năm 2019, mặc dù đối mặt với những khó khăn, thách thức, song ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất và triển khai hơn 70 mô hình sản xuất mới, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, bước đầu hình thành chuỗi liên kết sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình sản xuất hiệu quả được ngành chức năng khuyến khích nhân rộng để góp phần giúp ngành Nông nghiệp phát triển bền vững.

Thu hoạch tôm nuôi siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu).

NHỮNG MÔ HÌNH CHỦ LỰC Ở 2 VÙNG CHỦ LỰC

Bạc Liêu có 2 vùng sinh thái: vùng Bắc và vùng Nam Quốc lộ (QL) 1A. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở vùng Nam QL1A trên 101.000ha, gồm TP. Bạc Liêu, một phần huyện Vĩnh Lợi, một phần huyện Hòa Bình, huyện Đông Hải và một phần TX. Giá Rai.

Do đặc thù hệ thống sông rạch, lại giáp biển nên vùng Nam QL1A chủ yếu phát triển các mô hình nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản như nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh cải tiến, quảng canh cải tiến kết hợp; nuôi cá kèo, nuôi hào trong kênh, nuôi Artemia và sản xuất muối…

Nổi bật nhất là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh (cho tỷ lệ thành công cao, gần 70%) với 13 công ty, 2 đơn vị và 325 hộ dân áp dụng thực hiện trên tổng diện tích 1.850ha; lợi nhuận đạt từ 1 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm; cá biệt, một số mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đạt lợi nhuận 2 tỷ đồng/ha/năm.

Bên cạnh đó, các mô hình nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh; nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, bán thâm canh cũng đạt hiệu quả khá cao, bình quân lợi nhuận từ 250 - 450 triệu đồng/ha/vụ. Hay mô hình nuôi cá kèo (chủ yếu tập trung ở huyện Hòa Bình, TX. Giá Rai, huyện Đông Hải) với diện tích hơn 100ha; lợi nhuận trung bình từ 120 - 250 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, vùng Nam QL1A còn có mô hình nuôi Artemia với hơn 216ha, tập trung nhiều ở TP. Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, huyện Đông Hải, cho lợi nhuận từ 20 - 80 triệu đồng/ha. Mô hình nuôi Artemia được Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu bao tiêu sản phẩm. Nông dân nuôi Artemia còn kết hợp nuôi 1 vụ tôm hoặc vụ cá kèo…

Mô hình nuôi hàu trong kênh ở xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình).

Vùng Bắc QL1A của tỉnh có trên 157.000ha đất sản xuất nông nghiệp, gồm một phần huyện Vĩnh Lợi, một phần huyện Hòa Bình, huyện Phước Long, huyện Hồng Dân và một phần TX. Giá Rai. Vùng Bắc QL1A có 2 tiểu vùng: vùng chuyên lúa với 60.588ha và vùng nuôi thủy sản với 70.230ha. Nổi bật là mô hình sản xuất tôm - lúa. Năm 2019, diện tích tôm - lúa đạt 37.745ha, lợi nhuận từ 40 - 60 triệu đồng/ha/năm.

Mô hình chuyên lúa là mô hình chủ lực của vùng ngọt hóa, sản xuất 3 vụ lúa: đông xuân, hè thu và thu đông. Năng suất lúa (tùy vụ) dao động từ 4,7 - 6 tấn/ha, cá biệt có nơi đạt năng suất 8 - 10 tấn/ha; lợi nhuận bình quân 40 triệu đồng/ha/năm.

Ngoài ra, vùng Bắc QL1A còn có nhiều mô hình như trồng rau cần nước, trồng bắp, nuôi cá nước ngọt, nuôi cá sấu, nuôi le le, nuôi vịt trời và trồng cây ăn trái...

GẮN SẢN XUẤT VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Để nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả tại các địa phương, ngành chức năng đã quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch các tiểu vùng sản xuất tập trung; sản xuất các đối tượng phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái như lúa chất lượng cao, tôm sạch theo quy mô cánh đồng lớn. Thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trọng tâm là phát triển chuỗi giá trị; thực hiện tái cơ cấu đàn vật nuôi phù hợp với lợi thế từng tiểu vùng sinh thái. Hướng dẫn nông dân sản xuất theo mô hình tôm - lúa, tôm càng xanh - lúa; nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao; vùng trồng rau an toàn; vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh; cánh đồng muối chất lượng cao... Hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình sản xuất tốt, áp dụng quy trình sinh học, sản xuất có trách nhiệm gắn với bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm, tiến tới xây dựng GlobalGAP, CoC, ASC, VietGAP... Xây dựng thương hiệu nông sản, thực hiện chuỗi giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững. Có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp giữ vai trò tiên phong và nâng cao trách nhiệm trong việc hỗ trợ, hợp đồng sản xuất và bao tiêu nông sản, hàng hóa, góp phần khuyến khích tái sản xuất, mở rộng quy mô, tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu nông nghiệp sạch tại Bạc Liêu.

Nông dân tham quan mô hình cánh đồng mẫu lớn ở huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: M.Đ

Ông Huỳnh Quốc Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: “Năm 2020, ngành Khuyến nông tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động khuyến nông. Các mô hình sản xuất hiệu quả tiếp tục được khuyến khích nhân rộng gắn sản xuất với bảo vệ môi sinh, môi trường; quản lý giống cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Phối hợp chặt chẽ với các viện, trường, các doanh nghiệp, các ban ngành, đoàn thể các cấp, các tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức khuyến nông tự nguyện... để thực hiện hiệu quả việc xã hội hóa công tác khuyến nông. Cải tiến, nâng cao công tác nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Hướng dẫn nông dân sản xuất theo công nghệ cao, sản xuất theo hướng bền vững, đạt các tiêu chuẩn về VietGAP, GlobalGAP, ASC”.

Minh Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.