Nhân rộng cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng sinh thái

Thứ Ba, 21/11/2017 | 09:30

Nhiều năm qua, nông dân áp dụng mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đạt hiệu quả rất cao. Do vậy, ngành chức năng tiếp tục khuyến khích nông dân hướng đến sản xuất CĐML đồng thời với cánh đồng sinh thái (CĐST). Qua đó, tạo vùng sản xuất nguyên liệu để các doanh nghiệp thuận lợi thực hiện chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng nông dân được mùa rớt giá.

Nông dân huyện Phước Long áp dụng mô hình cánh đồng sinh thái để sản xuất vụ lúa - tôm. Ảnh: M.Đ

CĐML được xây dựng theo tiêu chí áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật theo chương trình “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm” và kết hợp sổ tay ghi chép sản xuất lúa. Ngoài ra, CĐML không chỉ liên kết nông dân mà còn có sự liên kết “4 nhà”, hướng đến sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 14 CĐML với tổng diện tích hơn 7.500ha, quy mô mỗi cánh đồng từ 100ha trở lên. Trong đó, huyện Vĩnh Lợi có 1 CĐML gồm 115ha, huyện Hòa Bình có 5 CĐML với diện tích gần 4.000ha, huyện Hồng Dân 4 CĐML gồm 2.685ha, huyện Phước Long 3 CĐML với 613ha, và TX. Giá Rai 1 CĐML với quy mô 100ha.

Cùng thời gian trên, các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ hơn 100.400 tấn lúa cho nông dân. Điển hình là Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Lộc, Công ty Cổ phần Quốc tế Gia, Công ty Thuận Minh, Công ty Hiếu Nhân, Công ty Lương thực Bạc Liêu, HTX Vĩnh Cường, Công ty Đất Phù Sa, Công ty An Gia Nông, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, HTX Thạnh Trị… Riêng vụ lúa hè thu, các công ty, doanh nghiệp đã bao tiêu hơn 50.400 tấn lúa, chiếm 16,7% tổng sản lượng lúa sản xuất trong tỉnh. Vụ lúa thu đông sắp tới, toàn tỉnh sẽ có 6.235ha lúa được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm (dự kiến là 37.410 tấn lúa).

Ngoài mô hình CĐML, ngành chức năng cũng khuyến khích nông dân áp dụng mô hình cánh đồng sinh thái (CĐST) trên diện tích lúa - tôm. Vụ lúa - tôm, ông Nguyễn Văn Đoàn (thị trấn Phước Long, huyện Phước Long) là người đầu tiên áp dụng thí điểm mô hình này với diện tích 3ha. Trên bờ ruộng, ông Đoàn trồng hoa để thu hút thiên địch nhằm cân bằng hệ sinh thái; dưới ruộng trồng lúa và nuôi tôm sú, tôm càng xanh, cá các loại. Mô hình này giảm chi phí đầu tư, phân bón, nhất là không phun xịt thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), bảo vệ môi trường nông thôn. Theo đánh giá, mô hình này cho lợi nhuận cao hơn ruộng đối chứng trên 4 triệu đồng/ha… Ông Đoàn cho biết: “Tôm nuôi và lúa trồng theo mô hình này phát triển khá tốt. Vụ lúa - tôm sắp tới tôi sẽ tiếp tục áp dụng và vận động bà con làm theo”.

Quy trình kỹ thuật sản xuất theo mô hình CĐST giúp nông dân tăng năng suất thêm 0,5 - 1 tấn lúa/ha; giảm thiểu tối đa việc sử dụng thuốc BVTV, dẫn đến gia tăng tối đa lợi nhuận và góp phần mang lại sự đa dạng sinh thái.

Huyện Phước Long hiện có khoảng 9.000ha đất sản xuất lúa - tôm. Ông Trần Văn Ân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long, cho biết: “Trung tâm BVTV phía Nam, Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty Cổ phần Hợp Trí đã đầu tư thí điểm mô hình CĐST vụ lúa - tôm trên địa bàn huyện. Đây là mô hình phù hợp với phát triển nông nghiệp bền vững, mang lại nhiều lợi ích, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân. Mô hình này làm thay đổi tập quán của nông dân trong quản lý sâu bệnh bằng hóa học chuyển sang sinh học; bảo tồn thiên địch, góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng”.

Mô hình CĐST là một giải pháp giúp nông dân ổn định sản xuất và tăng nguồn thu nhập, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu.

Minh Châu

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.