Phát triển vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ Hai, 24/02/2020 | 17:23

Để hóa giải các nguy cơ, thách thức và đưa vùng ĐBSCL tiếp tục là vùng kinh tế năng động, từ năm 2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Vận hành mở cống Âu thuyền Ninh Quối (huyện Hồng Dân) cho ghe tàu lưu thông. Ảnh: M.Đ

Cùng với đó, Thủ tướng còn ban hành Quyết định số 417 phê duyệt Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120 với 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, tập trung vào các nội dung mang tính chiến lược như: Rà soát, hoàn thiện và bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách; cập nhật và hệ thống hóa số liệu, dữ liệu liên ngành, tăng cường điều tra cơ bản; xây dựng quy hoạch và tổ chức không gian lãnh thổ; xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, thích ứng với BĐKH; đầu tư phát triển hạ tầng; phát triển và huy động nguồn lực.

Chương trình hành động này được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (năm 2020): Tập trung thực hiện những nhiệm vụ cấp bách đã nêu trong Nghị quyết số 120. Trong đó, ưu tiên giải quyết vấn đề sạt lở bờ biển, bờ sông, rạch và sụt lún đất trong vùng đang diễn ra rất nhanh và ngày càng trầm trọng; triển khai quy hoạch, thiết kế các dự án cần đầu tư quy mô lớn ở giai đoạn tiếp theo nhằm triển khai mô hình kinh tế - xã hội của vùng một cách bền vững và chủ động thích ứng với BĐKH; rà soát các cơ chế, chính sách, xác định và trình phê duyệt các chính sách mới; thí điểm các mô hình chuyển đổi kinh tế; triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng đã được phê duyệt. Giai đoạn II (từ năm 2021 - 2030): Tập trung vào việc triển khai các dự án, nhiệm vụ đã được phê duyệt. Đồng thời, xúc tiến những dự án, nhiệm vụ đầu tư xây dựng cơ bản đòi hỏi những nguồn kinh phí lớn; duy trì và cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành, điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường vùng ĐBSCL; triển khai thực hiện các mô hình kinh tế hợp lý đã thí điểm thành công; tiếp tục đầu tư và phát triển hạ tầng, phát triển và huy động nguồn lực; Giai đoạn III (từ năm 2031 - 2050 và định hướng đến 2100): Phát huy hiệu quả và tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, dự án, nhiệm vụ của giai đoạn đến năm 2020 và 2021 - 2030, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp để đến năm 2050 ĐBSCL trở thành vùng nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, có trình độ phát triển khá so với cả nước về tổ chức xã hội, kinh tế và mạng lưới hạ tầng thích ứng với BĐKH, thích ứng với điều kiện tài nguyên nước và an toàn trước thiên tai.

Với những giải pháp và mục tiêu trên, sẽ góp phần giúp vùng ĐBSCL tăng tính chủ động, giảm bớt các tác động, ảnh hưởng tiêu cực do BĐKH gây ra. Thế nhưng, để các giải pháp này phát huy hiệu quả và tạo nên sức mạnh tổng hợp thì đẩy mạnh liên kết vùng chính là “chiếc chìa khóa” để tháo gỡ những bất cập lâu nay. Thực tế trong nhiều năm qua cho thấy, chuyện “mạnh ai nấy làm”, hay căn bệnh “cục bộ địa phương” đã làm cho liên kết vùng chưa thật sự bền chặt mặc dù Chính phủ, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ (trước đây) đã tổ chức nhiều hội nghị về vấn đề này. Chuyện liên kết vùng, ngoài tạo nên sức mạnh tổng hợp để ứng phó với BĐKH, đây còn là vấn đề phân công lao động mang tính cấp vùng theo hướng “thuận thiên, hợp địa”. Cụ thể, với những tỉnh nằm cuối nguồn nước ngọt như Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng phải tập trung xây dựng thành vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và xem nguồn nước mặn chính là lợi thế. Đây cũng là định hướng chiến lược mà Chính phủ chọn Bạc Liêu làm “thủ phủ” ngành tôm công nghiệp của cả nước. Còn với các tỉnh thuận lợi về nguồn nước ngọt và chiếm đến 60% sản lượng lúa toàn vùng như: An Giang, Đồng Tháp, Long An…, cần ưu tiên cho phát triển cây lúa, vì các địa phương này không chỉ góp phần giải quyết bài toán xuất khẩu lúa gạo cho vùng, mà còn là vấn đề an ninh lương thực quốc gia.

Quan tâm đến vấn đề này là nhằm tránh tình trạng “xé rào” trong thực hiện quy hoạch tổng thể. Vì trên thực tế ở nhiều địa phương, nông dân đã dẫn mặn vào đồng ruộng để phát triển con tôm ngay trên đất lúa, làm cho quá trình mặn hóa ngày càng gia tăng và gây khó cho việc quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi.

Một vấn đề có chính chiến lược khác - đó là quy hoạch sản xuất phải mang tính cấp vùng. Ngoài thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, thay đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, còn mở ra cơ hội cho sản xuất hàng hóa lớn theo hướng chất lượng và chuyên môn hóa cao, gắn với thu hút đầu tư công nghệ hiện đại cho phát triển.

K.T

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.