Phát triển vùng phía Bắc Quốc lộ 1A: Sản xuất không ngừng phát triển

Thứ Hai, 12/11/2018 | 15:59

Từ năm 2013, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển vùng phía Bắc Quốc lộ 1A (QL1A) đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Bởi vùng này có một vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cũng là vùng kinh tế động lực cho tăng trưởng của tỉnh.

Trạm bơm điện phục vụ cho cánh đồng mẫu lớn ở huyện Phước Long.

TĂNG DIỆN TÍCH, SẢN LƯỢNG

Vùng phía Bắc Quốc lộ 1A (QL1A) có diện tích tự nhiên 157.224ha (phía Đông giáp tỉnh Sóc Trăng; phía Tây giáp tỉnh Cà Mau và Kiên Giang; phía Bắc giáp tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang; phía Nam giáp QL1A). Dân số toàn vùng chiếm hơn 59% dân số của tỉnh. Các yếu tố khí tượng, thủy văn, đất đai, nguồn nước tương đối thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, nhất là lĩnh vực sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, tăng vụ.

Từ khi ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, các tiềm năng, lợi thế của vùng không ngừng được phát huy, diện tích, năng suất, chất lượng từng bước được cải thiện và tăng trưởng với tốc độ khá cao. So với năm 2013, diện tích canh tác lúa tăng 7.650ha, sản lượng tăng 58.659 tấn. Đặc biệt, cùng với tăng năng suất và chất lượng, vùng sản xuất phía Bắc QL1A đã xây dựng và hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, lúa đặc sản địa phương bao gồm: Vùng chuyên canh lúa nước (sản xuất 2 - 3 vụ/năm với các giống lúa chất lượng cao ngắn ngày và lúa đặc sản địa phương), tập trung ở tiểu vùng giữ ngọt ổn định với quy mô 58.818ha. Trong đó, nhiều giống lúa thơm có giá trị cao và được thị trường ưa chuộng như: RVT, Nàng Hoa 9, Đài thơm 8, Hoa tiên… với diện tích gieo trồng 74.907ha (chiếm 50,93% diện tích gieo trồng tiểu vùng giữ ngọt ổn định). Cùng với cây lúa vùng ngọt là vùng sinh thái lợ với mô hình sản xuất lúa - tôm, tập trung ở tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc QL1A với quy mô 33.747ha. Đây được coi là mô hình sản xuất thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và đang được tập trung nâng chất. Đồng hành với cây lúa, diện tích nuôi trồng thủy sản ở vùng sản xuất phía Bắc cũng không ngừng tăng trưởng. Cụ thể, diện tích canh tác thủy sản tăng thêm trên 5.860ha và sản lượng tăng thêm 16.347 tấn so với năm 2013.

Một điều đáng ghi nhận khác, hình thức sản xuất manh mún, thiếu tập trung trong sản xuất lúa đã được thay thế bằng các mô hình sản xuất tập trung và bước đầu hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa theo đơn đặt hàng. Đến nay đã xây dựng được 14 cánh đồng lớn cho cây lúa (quy mô mỗi cánh đồng từ 100ha trở lên), với diện tích canh tác hơn 7.500ha và gắn với đó là các hình thức liên kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp xuất khẩu lương thực.

Sản xuất phát triển, do thời gian qua các địa phương đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất và đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, trong sản xuất lúa mức độ cơ giới hóa đạt 100% khâu làm đất, bơm nước, 84% khâu thu hoạch lúa, 90% sản lượng lúa được sấy…

Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông - thủy lợi cũng góp phần phát huy hiệu quả sản xuất cho vùng Bắc. Hiện tại, hệ thống công trình thủy lợi đã cơ bản hoàn thành kênh trục, kênh cấp I và kênh cấp II đối với tiểu vùng giữ ngọt ổn định và tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc QL1A; các công trình thủy nông nội đồng mới đáp ứng khoảng 80 - 85% đối với tiểu vùng giữ ngọt ổn định, khoảng 75 - 80% đối với tiểu vùng chuyển đổi sản xuất. Hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống đập phân ranh mặn ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu và các cống đầu mối dọc QL1A. Hiện đang tiếp tục triển khai thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng vùng lúa - tôm và tiếp tục thực hiện nạo vét các kênh mương bị bồi lắng; duy tu, sửa chữa kịp thời các cống, đập đầu mối bị hư hỏng, xuống cấp; tiếp tục đầu tư xây dựng các trạm bơm điện và các ô thủy lợi khép kín với diện tích mỗi ô từ 50 - 100ha… nhằm góp phần phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Với các giải pháp quan quan trọng trên, đã góp phần gia tăng giá trị sản xuất, lợi nhuận tăng thêm từ sản xuất lúa từ 2,8 - 3,7 triệu đồng/ha so với sản xuất truyền thống…

Ngoài mô hình sản xuất là cây lúa và con tôm, vùng phía Bắc QL1A còn xây dựng và phát triển nhiều mô hình sản xuất cho giá trị khác như: sản xuất rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, cá nước ngọt, cây ăn trái, động vật hoang dã…

Nông dân huyện Hòa Bình vận chuyển lúa bán cho thương lái. Ảnh: L.D

NHẬN DIỆN “ĐIỂM NGHẼN”

Có thể nói, một trong những “nút thắt” kìm hãm sự phát triển kinh tế của vùng Bắc QL1A chính là thiếu sự liên kết trong sản xuất. Vùng Bắc tuy đã hình thành một số mô hình liên kết trong bao tiêu lúa gạo nhưng diện tích còn chiếm khá khiêm tốn. Cụ thể, vụ mùa vừa qua, vùng Bắc thu hút trên 40 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia bao tiêu lúa gạo. Thế nhưng, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa chỉ thực hiện khoảng 24.179ha, chiếm 13,37% diện tích gieo trồng lúa toàn vùng và sản lượng bao tiêu 146.622 tấn, chiếm 13,76% tổng sản lượng lúa toàn vùng.

Đáng quan tâm, các liên kết này dễ bị “bẻ gãy” khi thị trường tiêu thụ biến động và thực tế đã xảy ra ở nhiều địa phương. Nguyên nhân chính của bất cập này chính là vùng Bắc chưa xây dựng được các tổ hợp tác - hợp tác xã đúng chuẩn theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, việc thành lập còn mang tính phong trào, hiệu quả thấp và chưa phát huy được trách nhiệm của từng thành viên, bộ máy quản lý còn nặng về hành chính, hoạt động theo kiểu mùa vụ và chưa xây dựng được kế hoạch cho phát triển lâu dài, còn hoạt động theo kiểu “ăn xổi ở thì”, còn trông chờ và dựa dẫm vào các nguồn vốn tín dụng hỗ trợ từ Nhà nước…

Thực tiễn đã chứng minh, không xây dựng được các tổ hợp tác - hợp tác xã đúng nghĩa thì giá trị của hàng nông sản gần như không thể phát huy và bị thị trường chi phối. Đồng thời khó ký được những đơn hàng gắn với bao tiêu sản phẩm lớn mang lại giá trị cao. Đơn cử, đến nay vùng Bắc đã xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho cây lúa với 2 sản phẩm chủ lực là gạo Một bụi đỏ Hồng Dân (được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý) và gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi (được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tập thể). Thế nhưng đầu ra cho hai sản phẩn này vẫn bấp bênh và nông dân vẫn chưa thể làm giàu hoặc hưởng lợi gì từ hai giống lúa đã có thương hiệu này!?

Từ thực trạng sản xuất ở vùng Bắc cho thấy, một trong những giải pháp cần được ưu tiên trong thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp chính là tổ chức lại sản xuất mà mô hình kinh tế hợp tác - hợp tác xã phải tiên phong đi trước. Không giải quyết được “điểm nghẽn” này sẽ khó hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và tạo ra sản phẩm cạnh tranh, mang lại giá trị gia tăng cao. Cũng như khó đầu tư cho xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư và cả việc ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ mới vào sản xuất.

LƯ TRUNG

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.