Quyết liệt ứng phó với nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn

Thứ Sáu, 03/01/2020 | 18:17

Dự báo của cơ quan chuyên môn, mùa khô năm 2019 - 2020, nguy cơ xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh gay gắt hơn các năm qua. Theo đó, sẽ có hàng ngàn héc-ta lúa, tôm bị ảnh hưởng do hạn hán và xâm nhập mặn. Trước nguy cơ trên, tỉnh đã đưa ra nhiều kịch bản và giải pháp cụ thể để ứng phó trong tình hình xấu nhất.

Lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành tỉnh và các huyện, thị tham quan vận hành thử cống âu thuyền Ninh Quới (huyện Hồng Dân).

Lúa, tôm sẽ bị ảnh hưởng

Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh sẽ có khoảng 5.400ha lúa đông xuân bị thiếu nước ngọt; trong đó, TX. Giá Rai khoảng 1.500ha, huyện Hòa Bình khoảng 300ha, huyện Vĩnh Lợi khoảng 1.400ha; huyện Phước Long khoảng 2.200ha. Thời gian thiếu nước ngọt sẽ bắt đầu tháng 3/2020. Nếu nguồn nước ngọt và thời tiết mùa khô năm 2019 - 2020 diễn ra bất lợi, cũng sẽ có khoảng 2.000ha lúa sản xuất trên đất tôm có nguy cơ giảm năng suất. Ngoài ra, có khoảng 9.000ha tôm nuôi có nguy cơ bị thiệt hại do thiếu nguồn nước ngọt bổ sung trong trường hợp độ mặn trong các ao nuôi tăng cao.

Về hiện tượng ENSO, khả năng ENSO ở trạng thái trung tính nhưng vẫn nghiêng về pha nóng từ nay đến giữa năm 2020. Thời gian bắt đầu mùa mưa năm 2020 vào giữa tháng 5/2020. Nhiệt độ trung bình tại Bạc Liêu sẽ ở mức 34 - 350C, cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1,00C.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hoạch gần 6.000/44.500ha lúa thu đông. Song, diện tích lúa Tài nguyên (chủ yếu tập trung ở huyện Vĩnh Lợi) có khả năng bị ảnh hưởng thiếu nước vào cuối vụ. Còn vụ đông xuân năm 2020, toàn tỉnh xuống giống 48.229ha, do vậy vụ lúa này cũng có nguy cơ thiếu nước (do xâm nhập mặn sớm gây khó khăn cho việc tiếp nhận nước ngọt từ Sóc Trăng về Bạc Liêu). Sở NN&PTNT cảnh báo có nguy cơ thiếu nước ngọt khoảng 5.400ha. Thời gian thiếu nước ngọt sẽ bắt đầu từ đầu tháng 3/2020. Riêng vụ lúa trên đất tôm, dự báo khoảng 2.000ha có nguy cơ thiếu nước ngọt, tập trung ở huyện Hồng Dân…

Nếu mặn xâm nhập sớm, việc nuôi trồng thủy sản ở tiểu vùng chuyển đổi sản xuất sẽ gặp khó khăn về nguồn nước ngọt khi độ mặn trong các ao nuôi tăng cao hơn 25%0, vượt quá ngưỡng để tôm phát triển. Tại TX. Giá Rai, có 22.300ha đất nuôi trồng thủy sản luôn có yêu cầu nước mặn sớm từ tháng 12/2019 để xuống giống tôm vụ 1. Do đó cần khống chế, không cho nước mặn xâm nhập vào khu vực lúa trên đất tôm. Dự báo diện tích có nguy bị thiệt hại vào khoảng 5.000ha (chủ yếu tập trung ở địa bàn TX. Giá Rai và các xã phía Tây của huyện Phước Long). Vùng Nam Quốc lộ 1A, diện tích nuôi trồng thủy sản dự kiến là 60.515ha. Nếu mặn xâm nhập sớm trong mùa khô năm 2019 - 2020, việc nuôi trồng thủy sản ở vùng này sẽ gặp khó khăn về nguồn nước ngọt bổ sung do độ mặn quá cao.

Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung (thứ hai từ phải sang) kiểm tra cống ngăn mặn, giữ ngọt ở huyện Phước Long. Ảnh: M.Đ

Chủ động ứng phó

Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị đánh giá và bàn giải pháp xử lý, ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn năm 2019 - 2020. Qua đó nhận định tình hình, phân tích cụ thể và bàn các giải pháp thiết thực, sát với tình hình thực tế để kịp thời ứng phó hạn, mặn.

 Lãnh đạo tỉnh cũng đi tham quan vận hành thử cống âu thuyền Ninh Quới (huyện Hồng Dân), đồng thời đề nghị chủ đầu tư và đơn vị thi công cống âu thuyền Ninh Quới sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động để ngăn mặn.

Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (đơn vị thi công cống âu thuyền Ninh Quới) cho biết, sau gần 12 tháng thi công, công trình đã thực hiện trên 85% khối lượng, đã lắp đặt cửa van. Đầu tháng 12/2019, công trình âu thuyền Ninh Quới đã đưa vào khai thác. Toàn bộ công trình dự kiến hoàn thành trước ngày 1/3/2020 (rút ngắn thời gian thực hiện 13 tháng so với kế hoạch). Cống âu thuyền Ninh Quới đưa vào hoạt động sẽ giúp nông dân các địa phương trong khu vực chủ động kiểm soát nguồn nước mặn trong sản xuất.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã xây dựng các kịch bản chi tiết để ứng phó với hạn, mặn. Có 3 kịch bản ở 3 cấp độ từ nhẹ đến nặng, trong đó tỉnh đặt tình huống vào kịch bản 2. Trên cơ sở đó, các huyện, thị cũng đã xây dựng kịch bản cụ thể ứng phó với hạn, mặn tùy vào thực tế địa phương. Theo ông Từ Minh Phúc, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi: “Trên cơ sở kịch bản của tỉnh, huyện đã xây dựng kịch bản ứng phó hạn, mặn của huyện. Huyện đang tổ chức đắp đập ngăn xâm nhập mặn ở cống dọc Quốc lộ 1A; chỉ đạo Phòng NN&PTNT phối hợp với các xã Hưng Hội, Hưng Thành kiểm tra các cống nhằm bảo vệ các trà lúa Tài nguyên”.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: “Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn cộng với triều cường dâng, đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ diễn biến của hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Qua đó chủ động phòng tránh; tập trung xuống giống vụ lúa đông xuân theo lịch thời vụ; điều chỉnh lịch thời vụ; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình; sên vét các kênh thủy lợi, thủy nông nội đồng để trữ nước; tổ chức đắp các đập thời vụ”.

Minh Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.