Sản xuất nông nghiệp năm 2021: Nâng cao giá trị và phát triển bền vững

Thứ Hai, 18/01/2021 | 15:29

Năm 2020, sản xuất nông nghiệp tuy đương đầu với nhiều khó khăn, nhưng nhờ chủ động triển khai các giải pháp ứng khó và phát huy tốt các nguồn lực nên sản xuất nông nghiệp tiếp tục được giữ vững. Song, sản xuất nông nghiệp đã và đang đương đầu với nhiều thách thức, nhất là thực trạng tăng trưởng chậm, giá trị gia tăng thấp và lãng phí tài nguyên.

Chế biến tôm xuất khẩu tại huyện Hòa Bình.

GIỮ VỮNG TĂNG TRƯỞNG

Năm qua, tuy ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh tả heo châu Phi, nhất là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thế nhưng, với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự tích cực của ngành Nông nghiệp, các địa phương nên sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng và gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Thế mạnh nuôi trồng thủy sản được phát huy, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được khẳng định và cho tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác đạt 400.000 tấn (trong đó tôm 200.000 tấn), đạt 100% kế hoạch, tăng 9,59% so với cùng kỳ. Đặc biệt là năng suất không ngừng được cải thiện, tăng từ 10 - 15 lần so với nuôi tôm truyền thống.

Đối với sản xuất lúa, nhờ làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh nên phần lớn diện tích sản xuất đều được bảo vệ tốt và tổng sản lượng lúa đạt 1,15 triệu tấn (đạt 100% kế hoạch, tăng 0,21% so với cùng kỳ). Hiện Bạc Liêu đang thực hiện kế hoạch phát triển giống lúa ST 24, ST 25 và bước đầu cho kết quả khả quan. Tỉnh cũng đang kết hợp với Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) triển khai xây dựng mô hình thâm canh giống lúa thơm mới BLR413 và đang xây dựng mô hình sản xuất lúa an toàn theo quy trình hữu cơ, áp dụng trên hệ thống canh tác tôm - lúa, nhằm hướng đến xây dựng thương hiệu “Lúa thơm -  tôm sạch”.

Về phát triển chăn nuôi, tỉnh đang triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là dịch tả heo châu Phi. Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn theo nguyên tắc đảm bảo an toàn dịch bệnh; nhiều mô hình chăn nuôi như: gà siêu thịt, siêu trứng, cá sấu, le le, cua đinh…  mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, được người dân tích cực thực hiện.

NHIỂU THÁCH THỨC PHẢI ĐƯƠNG ĐẦU

Sản xuất nông nghiệp năm qua tuy đã nỗ lực vượt qua khó khăn, nhưng nhìn tổng thể thì cũng còn những chuyện phải bàn. Chẳng hạn như cần phân tích làm rõ những mâu thuẫn mang tính nội tại đã kìm hãm sản xuất, nhất là tư duy sản xuất nông nghiệp theo kiểu thuần túy.

Đối với Bạc Liêu, sản xuất nông nghiệp vẫn được xác định là “trụ đỡ” của nền kinh tế, bởi chiếm hơn 40% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Thế nhưng, trong những năm gần đây sản xuất nông nghiệp tăng trưởng chưa nhiều, ngoài các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao thì gần như chưa có đột phá nào để tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng bứt phá. Cụ thể, tăng trưởng nông - lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 chỉ đạt hơn 12.817 tỷ đồng và tăng 3,9%, trong khi công nghiệp và xây dựng tăng 10,97%.

Sự tăng trưởng khá chậm này, ngoài sản xuất gặp nhiều rủi ro, thiếu bền vững do ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường… còn một nguyên nhân khác nữa - đó chính là sản xuất nông nghiệp mới tập trung ở khai thác chiều rộng, ít quan tâm đến phát triển chiều sâu nhằm nâng giá trị gia tăng vốn trở thành xu thế tất yếu trong cạnh tranh và hội nhập hiện nay. Cụ thể trong những năm qua, các địa phương chỉ tập trung vào việc mở rộng diện tích sản xuất mà cụ thể là tăng diện tích cho mô hình lúa - tôm, hay khuyến khích nhân rộng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh… Trong khi đó, sản phẩm tạo ra giá trị mang lại chưa nhiều, do phần lớn đến nay vẫn còn xuất thô và chưa có sự đầu tư trong chế biến sâu, nhất là các mô hình nuôi theo quy trình sạch.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bất cập này, nhưng nguyên nhân chính là thiếu vai trò của doanh nghiệp trong thực hiện chuỗi giá trị. Đến nay, gần 90% nông dân phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm và vai trò của doanh nghiệp gần như chưa được phát huy. Như con tôm là mặt hàng thủy sản chủ lực của tỉnh, chiếm gần 60% trong cơ cấu nông nghiệp, với tổng diện tích canh tác hơn 135.960ha, nhưng cả năm 2020 diện tích được doanh nghiệp tham gia bao tiêu thông qua liên kết chỉ chiếm hơn 2.210ha! Hoặc trong sản xuất, bao tiêu lúa gạo, năm qua toàn tỉnh chỉ bao tiêu 356.126 tấn so với tổng sản lượng do nông dân sản xuất ra hơn 1 triệu tấn lúa.

Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp trong hiện tại và tương lai sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức. Bởi nếu sản xuất nông nghiệp chỉ dừng lại ở phạm vi tăng diện tích, sản lượng sẽ khó giúp nông dân làm giàu và đẩy sản xuất vào cảnh khai thác cạn kiệt tài nguyên, tạo ra ô nhiễm môi trường. Như việc nông dân ở vùng ngọt hiện chủ yếu thu nhập vào 3 vụ lúa, trong khi khuyến cáo của các nhà khoa học chỉ nên sản xuất 2 vụ lúa/năm, nhằm tạo điều kiện cho “đất nghỉ” lấy lại dinh dưỡng, đặc biệt là tạo ra thời gian cách khoảng để đồng đất không phải hứng chịu lượng thuốc bảo vệ thực vật đổ xuống gần như quanh năm cho 3 vụ lúa. Xét ở góc độ xã hội, diện tích sản xuất là không thể tăng thêm, nhưng dân số ở vùng nông thôn cứ tăng đều theo hàng năm. Do đó, bài toán giá trị mang lại trên một đơn vị diện tích phải tăng mới có thể giải quyết tốt áp lực này và không để nông dân phải xa xứ mưu sinh vì ít hoặc không có đất sản xuất.

Để đảm bảo tốt cơ cấu mùa vụ theo khuyến cáo, bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững và nâng cao thu nhập cho người nông dân, chỉ có bài toán nâng cao giá trị nông sản, vì nếu sản xuất 2 vụ lúa mà lợi nhuận tăng thêm nhiều hơn so với sản xuất 3 vụ lúa thì nông dân chắc chắn sẽ làm theo. Song, cái cần bàn là nông dân sẽ áp dụng mô hình nào và ai sẽ là người đồng hành cùng nông dân để tạo ra các giá trị tăng thêm này?! Và mô hình “liên kết bốn nhà” cần được tính lại khi hiện nay phần lớn sự hợp tác, liên kết còn mang tính “xã giao” theo kiểu ký cho có, còn trách nhiệm và nghĩa vụ gần như chưa được phát huy, mà cụ thể là ở vụ lúa này nhiều nông dân đã “bẻ kèo” với các doanh nghiệp khi hạt lúa đã vượt trên 8.000 đồng/kg.

Ngoài những bất cập trên, kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển sản xuất cũng là những khó khăn, thách thức mà Bạc Liêu đã và đang phải đương đầu như: điện, giao thông, thủy lợi... chưa đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, hệ thống điện 3 pha phục vụ các vùng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh mới đạt gần 40% diện tích; hệ thống kênh mương bị bồi lắng nhanh, nhất là ở khu vực phía Nam Quốc lộ 1A. Chính sách đầu tư tín dụng để phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn khó khăn, nguồn vốn tín dụng đầu tư cho nông dân phát triển mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao gần như chưa có…

Từ những thách thức trên, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần quan tâm đến giá trị và phát triển bền vững. Đây chính là nhu cầu tất yếu để sản xuất nông nghiệp tạo ra năng lực cạnh tranh và tiếp tục giữ vững vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế.

LƯ TRUNG

Để góp phần phát triển sản xuất và tăng cường nguồn lực đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng, Bạc Liêu kiến nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí xây dựng các trạm quan trắc, cảnh báo môi trường nước tự động để đại bộ phận người dân kịp thời phát hiện các chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép, giúp chủ động trong sản xuất; giúp địa phương nghiên cứu, chuyển giao những công nghệ xử lý nước thải, chất thải trong nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng.

Bên cạnh đó, sớm đầu tư nghiên cứu việc áp dụng công nghệ SCADA, từng bước hiện đại hóa công tác quản lý, điều hành việc tưới tiêu nước trên địa bàn tỉnh trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt là hỗ trợ tỉnh đầu tư xây dựng 2 cống âu thuyền trên kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau để bổ sung nước ngọt từ vùng Bắc Quốc lộ 1A sang vùng Nam Quốc lộ 1A, nhằm pha loãng độ mặn vào mùa khô để có nguồn nước phù hợp phục vụ nuôi tôm.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành có liên quan tiếp tục bố trí kinh phí cho tỉnh thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp, vùng sản xuất tôm - lúa, vùng sản xuất giống thủy sản tập trung... cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão và các công trình phòng chống thiên tai.

Nông dân huyện Hồng Dân phun thuốc phòng trừ sâu bệnh trên lúa vụ 3. Ảnh: L.D

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh: Tập trung tối đa cho việc phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn

Để sản xuất nông nghiệp năm 2021 phát triển nhanh và bền vững, đề nghị ngành Nông nghiệp trước mắt tập trung tối đa cho việc phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn, nhằm giảm tối đa ảnh hưởng, thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và các mặt đời sống xã hội; liên tục cập nhật thông tin, đánh giá tình hình để có hướng xử lý phù hợp (kể cả điều chỉnh kịch bản đã phê duyệt, nếu cần thiết). Tiếp tục vận hành tạm thời cống Âu thuyền Ninh Quới để điều tiết nước phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, trọng tâm là phát triển chuỗi giá trị ngành tôm, nhất là ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh; phát triển mạnh nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng và bảo vệ rừng khu vực ven biển của tỉnh. Xây dựng và thực hiện chuỗi sản xuất tôm đạt chuẩn an toàn dịch bệnh để xuất khẩu nguyên con sang Úc và các nước khác. Chú trọng phát triển kinh tế biển; đẩy mạnh thực hiện chính sách về phát triển thủy sản; thực hiện các giải pháp khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Thực hiện Đề án nâng cao năng suất tôm nuôi trong mô hình tôm - lúa và Kế hoạch phát triển mô hình tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình hữu cơ áp dụng trên hệ thống canh tác tôm - lúa vùng phía Bắc Quốc lộ 1A. Xây dựng thương hiệu “Lúa thơm - tôm sạch”, đặc biệt là triển khai xây dựng mô hình thâm canh giống lúa thơm mới, tiến tới để được công nhận lưu hành giống lúa thơm mang thương hiệu Bạc Liêu. Tiếp tục xây dựng thêm nhiều cánh đồng lớn và liên kết tiêu thụ lúa gạo, thực hiện kế hoạch xây dựng mô hình trình diễn và nhân rộng sản xuất giống lúa ST 24 và ST 25. Xây dựng vùng sản xuất rau an toàn trên cơ sở triển khai việc áp dụng thực hành nông nghiệp tốt.

K.T

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT: Tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp

Năm 2021, sản xuất nông nghiệp của Bạc Liêu sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp sẽ phấn đấu và thi đua hoàn thành một số chỉ tiêu chủ yếu như: Tổng sản lượng thủy sản 414.400 tấn (tăng 3,6% so với năm 2020), trong đó tôm 212.800 tấn (tăng 6,4% so với năm 2020); sản lượng lúa 1.155.000 tấn (tăng 0,43% so với năm 2020). Phấn đấu có 5/7 đơn vị cấp huyện được Trung ương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); có 20/49 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 3/49 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu…

Để đạt được những chỉ tiêu đề ra, toàn ngành Nông nghiệp tập trung triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh và tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp, thủy sản, về quản lý môi trường; công tác kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh và chất lượng giống. Chỉ đạo nông dân thực hiện tốt lịch thời vụ sản xuất; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Thực hiện tốt lịch điều tiết nước phục vụ sản xuất, trước mắt, triển khai thực hiện ngay Kịch bản phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 - 2021. Cũng như tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng chất các xã đạt tiêu chí NTM, NTM nâng cao, hướng đến đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét hơn đối với từng hộ gia đình và cuộc sống của mỗi người dân sinh sống ở nông thôn. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), quan tâm hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP tham gia đánh giá phân hạng; kiểm tra định kỳ về tiêu chuẩn, chất lượng các sản phẩm OCOP.

TÚ ANH (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.