Tăng cường liên kết để ứng phó với biển đổi khí hậu

Thứ Sáu, 23/02/2018 | 14:56

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải đối đầu với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng đang diễn ra nhanh hơn dự báo. Nằm trong khu vực ĐBSCL và giáp biển nên tỉnh chịu tác động trực tiếp từ BĐKH, đây cũng chính là khó khăn mà Bạc Liêu đã và đang phải đương đầu…

Nông dân huyện Phước Long cấy dặm lại diện tích lúa bị xâm nhập mặn.

Triều cường dâng cao gây ngập nhà các hộ dân sinh sống ven biển huyện Hòa Bình. Ảnh: K.T

Chủ động ứng phó với BĐKH

Để nâng cao tính chủ động, khả năng thích ứng và xây dựng ĐBSCL phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có, ngày 17/11/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Sự ra đời của Nghị quyết 120 đã mở ra một giai đoạn mới cho ĐBSCL phát triển bền vững nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng.

Với quan điểm chỉ đạo phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định, khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của ĐBSCL chú trọng bảo vệ đất, nước và đặc biệt là con người. Đồng thời, thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp…

Đặc biệt, tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn”; nghiên cứu, xây dựng các kịch bản và có giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai như bão, lũ, hạn hán và xâm nhập mặn, với các tình huống bất lợi nhất do BĐKH và phát triển thượng nguồn sông Mê Công. Phát triển kinh tế gắn liền với phát triển xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm, giải quyết an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới…

Bên cạnh đó, xác định BĐKH và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội. Lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, cần phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực. Bên cạnh tài nguyên nước ngọt, cần coi nước lợ, nước mặn cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tiết kiệm và bền vững tài nguyên nước, đất đai và các tài nguyên khác trong vùng…

Cần đẩy mạnh liên kết

Quán triệt quan điểm này, đầu năm 2018, Bạc Liêu đã cụ thể hóa bằng các giải pháp trong việc thay đổi mô hình tăng trưởng. Trong đó, tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có và từng bước hóa giải các nguy cơ trở thành thời cơ, tạo ra những động lực mới cho phát triển. Cụ thể, ở vùng mặn và ven biển, tập trung nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, phát triển năng lượng tái tạo; Riêng vùng ngọt và vùng sinh thái lợ, đi cùng với phát triển cây lúa theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng thông qua liên kết sản xuất từ những cánh đồng mẫu lớn thì còn phát triển con tôm sú, tôm càng xanh và nhiều loại thủy sản cho giá trị kinh tế khác…

Qua đó cho thấy, Bạc Liêu thay đổi tăng trưởng dựa trên hệ sinh thái đặc thù của từng vùng và tiểu vùng sản xuất, nhằm đảm bảo tính đặc thù và lợi thế so sánh của từng vùng; quy hoạch sản xuất được thực hiện theo hướng mở gắn với những mô hình tăng trưởng xanh, thay đổi mô hình tăng trưởng nhưng không làm xáo trộn mà giúp phát huy hết các thế mạnh, giá trị và nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo ra hàng hóa chất lượng, chủ động thích ứng và chủ động ứng phó với BĐKH ngày càng cực đoan…

Theo ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu: “Để phát triển bền vững và chủ động ứng phó với BĐKH, các tỉnh ĐBSCL và khu vực bán đảo Cà Mau cần đẩy mạnh liên kết hợp tác vì sự phát triển chung. Đối với các tỉnh khu vực bán đảo Cà Mau gồm: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau và Kiên Giang sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù để các tỉnh phát triển và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có, nhất là liên kết để ứng phó với BĐKH vì các tỉnh này đều giáp biển”.

Thực tiễn đã chứng minh, ứng phó với BĐKH đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu chứ không riêng gì các tỉnh ĐBSCL. Vì vậy, việc đẩy mạnh liên kết vùng, chia sẻ trách nhiệm thật sự trở thành vấn đề mang tính sống còn khi các tỉnh ĐBSCL đều cần đến nguồn nước ngọt và cả nước mặn; phải chịu tác động trực tiếp từ nạn hạn hán, xâm nhập mặn và nước biển dâng. Tin tưởng rằng, sự chung tay và góp sức này sẽ góp phần hóa giải các thách thức và mở ra những cơ hội mới cho ĐBSCL phát triển như mục tiêu Nghị quyết 120 đã đề ra.

Tú Anh

Mục tiêu đến năm 2050, ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến; thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn trung bình cả nước, sinh kế của người dân được bảo đảm; tỷ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%, độ che phủ rừng đạt trên 9%, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo tồn và phát triển. Hạ tầng thủy lợi được xây dựng đồng bộ, phù hợp với mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH tại các tiểu vùng sinh thái. Đồng thời, có biện pháp hiệu quả phòng chống, giảm nhẹ rủi ro cho dân sinh và nền kinh tế khi có thiên tai xảy ra…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.