Thiệt hại do dịch tả heo châu Phi: Người chăn nuôi mong nhận được tiền hỗ trợ

Thứ Hai, 28/10/2019 | 16:48

Thời gian qua, dịch tả heo châu Phi (DTHCP) bùng phát và lây lan nhanh trên địa bàn tỉnh gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, đến nay, người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ, làm cho việc tái đàn, chuyển đổi vật nuôi gặp nhiều khó khăn.

Sở NN&PTNT thăm hỏi người dân ở huyện Hồng Dân có heo bị thiệt hại do DTHCP.

Chuồng heo của ông Phạm Minh Dấn trống không vì heo nuôi bị tiêu hủy do bệnh DTHCP. Ảnh: C.L

Tính đến ngày 23/10/2019, toàn tỉnh đã có 45.267 con heo nhiễm bệnh DTHCP buộc phải tiêu hủy (tổng trọng lượng hơn 3,06 triệu ki-lô-gam). Theo Quyết định số 793/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi (gọi tắt là cơ sở chăn nuôi) có heo buộc phải tiêu hủy do bệnh DTHCP được hỗ trợ, cụ thể như sau: Ðối với heo con, heo thịt các loại, Nhà nước hỗ trợ 25.000 đồng/kg; heo nái, heo đực đang khai thác được hỗ trợ 30.000 đồng/kg.

Sau khi có quyết định ban hành mức hỗ trợ, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã triển khai các bước để tiến hành hỗ trợ hộ chăn nuôi bị thiệt hại bởi DTHCP. Tuy nhiên, hiện nay, một số địa phương vẫn còn lúng túng trong thực hiện, thậm chí có huyện chưa triển khai thực hiện; trong khi người dân trông mong tiền hỗ trợ từng ngày. Đến thời điểm này, còn rất nhiều hộ dân có heo bị tiêu hủy (từ trước ngày 26/6/2019) vẫn mòn mỏi chờ đợi tiền hỗ trợ, còn các xã thì chờ hướng dẫn của UBND các huyện.

Ông Phạm Minh Dấn (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân) có 75 con heo nhiễm bệnh DTHCP và buộc phải tiêu hủy, song đã gần 2 tháng qua vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Ông Dấn bày tỏ: “Bao nhiêu vốn liếng, tiền của tôi dồn hết vào đàn heo, nào ngờ chỉ trong vài ngày là mất trắng. Bây giờ tôi chỉ mong sớm nhận được khoản tiền hỗ trợ để cải tạo, sửa sang chuồng trại, chờ ngày tái đàn”.

Còn ở huyện Vĩnh Lợi, địa phương đầu tiên xuất hiện ổ DTHCP, người chăn nuôi cũng mong chờ tiền hỗ trợ heo bị tiêu hủy để có thể tái đàn hoặc chuyển sang chăn nuôi gà, vịt kịp xuất bán cho thị trường cuối năm. Ông Phạm Minh Khánh (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) chia sẻ: “Dù biết tiền hỗ trợ heo bị tiêu hủy không nhiều, nhưng cũng giúp người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy trả nợ tiền thức ăn (cho đàn heo đã chết), hoặc sửa sang lại chuồng trại để tái đàn. Bà con mong chính quyền và các cơ quan chức năng sớm thực hiện phương án hỗ trợ người dân”.

Ông Huỳnh Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Vĩnh Lợi, cho biết: “Huyện đã hoàn tất mọi thủ tục trình UBND tỉnh, Sở Tài chính để xin cấp kinh phí hỗ trợ cho bà con có heo bị tiêu hủy trong đợt DTHCP vừa qua. Số tiền huyện đề nghị hỗ trợ đợt 1 trên 9,7 tỷ đồng”.

Theo thống kê, các địa phương trong tỉnh đã báo cáo đề xuất Sở Tài chính xem xét, trình UBND tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy (do DTHCP) đợt 1 với số tiền hơn 55,59 tỷ đồng. Sở Tài chính và Sở NN&PTNT cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng chống DTHCP, trong đó kinh phí hỗ trợ dập dịch, hỗ trợ người chăn nuôi được trích từ nguồn ngân sách dự phòng phòng chống thiên tai, dịch bệnh cấp huyện và theo phân cấp của Luật Ngân sách. Do vậy, khi các địa phương không đủ kinh phí thực hiện hỗ trợ người chăn nuôi thì huyện mới lập hồ sơ xin thêm kinh phí hỗ trợ từ tỉnh.

Thiết nghĩ, các địa phương cần nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục cần thiết, cân đối nguồn ngân sách tại địa phương để sớm hỗ trợ người chăn nuôi. Qua đó giúp bà con giảm bớt khó khăn, có vốn để tái đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống.

KHÔI NGUYÊN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.