Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp - nông thôn: Điểm nghẽn ở đâu?

Thứ Hai, 10/12/2018 | 15:55

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp - nông thôn được xem là một trong những chính sách quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và khơi dậy các tiềm năng, thế mạnh từ nông nghiệp. Vì vậy, từ năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn và năm 2018 này, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn. Qua đó cho thấy, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp - nông thôn có một vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng và được xem là “bà đỡ” cho địa phương.

Giao dịch giữa người dân và doanh nghiệp kinh doanh viễn thông ở huyện Phước Long.

KHÓ THU HÚT DOANH NGHIỆP

Có thể nói, qua 5 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp - nông thôn, Bạc Liêu cũng gặt hái được một số kết quả quan trọng trong thu hút doanh nghiệp tham gia. Trong đó, có 6 công ty, doanh nghiệp thuê 890ha đất nuôi trồng thủy sản, 4 doanh nghiệp thuê 113ha đất sản xuất giống và 5 HTX nuôi nghêu, sò ở bãi bồi ven biển. Có chủ trương giao đất, giao rừng cho 7 công ty, doanh nghiệp và tổ chức nhận khoán quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển Đông theo hướng vừa bảo tồn đa dạng sinh học vừa kết hợp du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, lĩnh vực chăn nuôi và chế biến lương thực có Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam hỗ trợ đầu tư, bao tiêu sản phẩm 1 trại heo thịt (quy mô 1.100 con) và 1 trại gà công nghiệp sản xuất trứng thương phẩm (quy mô 6.000 con); Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Lộc đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gạo Vĩnh Lộc (đặt tại xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân), công suất chế biến 200.000 tấn/năm, gắn với việc xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình VietGAP (đã hoàn thành và đi vào giai đoạn I với công suất 100.000 tấn/năm); Công ty Cổ phần chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau - Chi nhánh Bạc Liêu đầu tư Dự án chế biến chả cá Surimi và thủy sản khác, cùng 2 doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ muối…

Từ những con số cụ thể trên cho thấy, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp - nông thôn còn hạn chế, thậm chí trong số doanh nghiệp đã có chủ trương giao đất, giao rừng nhưng đến nay vẫn là các “dự án treo” chưa triển khai, nhất là các dự án phát triển du lịch ven biển gắn với nuôi trồng thủy sản. Trong khi đó, việc phát triển doanh nghiệp tại các huyện thuần nông luôn gặp khó và gần như không thu hút được doanh nghiệp đầu tàu nào làm động lực cho phát triển và vực dậy các tiềm năng, thế mạnh ở vùng nông thôn. Ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch UBND huyện Phước Long, cho biết: “Trong xây dựng nông thôn mới, huyện rất cần sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, nhưng từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay Phước Long chưa thu hút được doanh nghiệp lớn nào”.

Không thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp - nông thôn không chỉ làm cho việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động chậm,  mà còn làm cho việc huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển gặp khó và chưa thể góp phần tạo nên những động lực mới cho phát triển nông nghiệp - nông thôn. Cụ thể trong 5 năm qua, tổng vốn đầu tư cho thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên 10.646 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp chỉ đóng góp hơn 965 tỷ đồng, trong khi vốn huy động từ nhân dân trên 3.578 tỷ đồng. Do không có doanh nghiệp tham gia nên việc huy động vốn đóng góp từ các doanh nghiệp cho các công trình chung khác cũng khá khiêm tốn và chỉ chiếm trên 134 tỷ đồng.

Ghe hàng xáo thu mua lúa của nông dân ở huyện Hòa Bình. Ảnh: L.D

BỊ TẮCỞ ĐÂU?

Một trong những khó khăn trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn hiện nay chính là do ảnh hưởng bởi quy mô của nền kinh tế và hạ tầng giao thông còn yếu kém. Trong đó, phải nói đến hình thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và chưa hình thành được các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn nên chưa thu hút được sự quan tâm đầu tư của doanh nghiệp. Đơn cử, TP. Bạc Liêu đã từng mời gọi các doanh nghiệp đầu mối từ TP. Hồ Chí Minh vào giúp nông dân tiêu thụ rau màu, nhưng nông dân lại không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ hàng hóa với số lượng hàng ngàn tấn/ngày. Bởi tập quán sản xuất của nông dân là phát triển mô hình xen canh, trồng nhiều loại rau màu khác nhau trên cùng một diện tích. Ưu điểm của mô hình này là thu được nhiều loại rau bán cho nhiều thị trường nhưng không thể sản xuất ra khối lượng hàng hóa lớn, vì muốn sản xuất hàng hóa lớn phải áp dụng mô hình chuyên canh và có vùng nguyên liệu sản xuất ổn định.

Ngoài sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tập quán kinh doanh theo quy mô hộ gia đình và ngại đầu tư mở rộng phát triển sản xuất ở nhiều vùng nông thôn hiện nay chính là nguyên nhân làm cho doanh nghiệp “không chịu lớn!?” Đó là các cơ sở thu mua không chịu phát triển thành doanh nghiệp chỉ kinh doanh theo quy mô hộ mà không nâng cơ sở của mình thành các doanh nghiệp thu mua đầu mối. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho bản thân nền kinh tế ở các địa phương chậm phát triển khi nguồn lực tại chỗ chưa được phát huy. Điều này đồng nghĩa với việc khó hình thành được các doanh nghiệp lớn để thu hút các doanh nghiệp khác từ bên ngoài vào liên kết hợp tác cùng phát triển.

Thêm vào đó, “sức khỏe” của các doanh nghiệp trong những năm gần đây còn chưa mạnh, nhiều doanh nghiệp còn sản xuất cầm chừng, lệ thuộc và chưa góp phần khai thác được các thế mạnh từ sản xuất, khuyến khích nông dân liên kết hay tham gia vào các tổ hợp tác sản xuất hàng hóa lớn. Cụ thể, mặt hàng lúa gạo vốn là thế mạnh thứ hai của tỉnh sau con tôm, nhưng nhiều năm liền mặt hàng xuất khẩu này luôn không đạt kế hoạch đề ra, việc thu mua lúa gạo của nông dân chủ yếu dựa vào đội ngũ thương lái hoặc các ghe hàng xáo…

Ngoài những nguyên nhân cơ bản trên, việc thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn tuy đã được ban hành, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn lại vướng, doanh nghiệp khó tiếp cận hay thật sự được hưởng lợi, nhất là các chính sách ưu đãi về tín dụng, mà tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng luôn “bị tắc” làm doanh nghiệp thoái chí, khó thực hiện các dự án đầu tư…

Tất cả những khó khăn trên chính là những “điểm nghẽn” làm cho việc thu hút doanh nghiệp vào phát triển nông nghiệp - nông thôn luôn gặp khó. Đồng thời, chưa phát huy được tiềm lực, trí tuệ và cả những mô hình quản lý chuyên nghiệp từ đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân.

LƯ TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.