Ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn: Chủ động hòa nhập và sống chung

Thứ Hai, 17/02/2020 | 17:15

Để chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, thời gian qua tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng nhiều mô hình ứng phó với hạn, mặn. Đồng thời, không ngừng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, đó chưa phải là giải pháp mang tính căn cơ và cần một cuộc cách mạng cho nền nông nghiệp chủ động hòa nhập, chủ động “sống chung”.

Đồng ruộng cạn khô vì thiếu nước ở xã Phong Thạnh Đông (TX. Giá Rai).

NÔNG DÂN CÒN CHỦ QUAN

Một trong những mô hình ứng phó với hạn, mặn được triển khai trong thời gian qua là mô hình tưới ướt khô xen kẽ. Đây là mô hình được ngành chức năng và Dự án GIZ triển khai nhiều năm trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả cao. Cụ thể, mô hình đã được áp dụng tại HTX Nam Hưng (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) trên diện tích hơn 50ha. Ông Nguyễn Hoàng Hương, Giám Đốc HTX Nam Hưng, cho biết: “Áp dụng mô hình này, một vụ lúa được ngắt nước từ 3 - 4 lần và khi bơm nước vào ruộng nước chỉ cần ngập 5cm, thay vì phải từ 10 - 20cm như trước đây”.

Ông Nguyễn Minh Thắng, xã viên HTX Nam Hưng, cho biết: “Trước đây, gia đình tôi  đầu tư chi phí từ 22 - 23 triệu đồng/ha, nhưng từ khi áp dụng kỹ thuật “ướt khô xen kẽ”, chi phí giảm xuống còn khoảng 17 triệu đồng/ha. Năng suất từ  6 - 7 tấn/ha tăng lên 10 tấn/ha, lợi nhuận áp dụng mô hình tăng lên hơn 5 triệu đồng/ha”.

Kỹ sư Trần Văn Na, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: “Mô hình tưới ướt khô xen kẽ giảm từ 20 - 30% lượng nước tưới mà không ảnh hưởng tới năng suất. Ngoài ra, khi áp dụng kỹ thuật “ướt khô xen kẽ”, giai đoạn khô (cây lúa ở thời điểm 30 - 40 ngày sau gieo sạ) sẽ tạo điều kiện thuận lợi để rễ lúa ăn sâu vào đất và hút dinh dưỡng. Cây lúa có bộ rễ khỏe, thân cứng sẽ ít bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh và giảm tỷ lệ đổ ngã. Việc áp dụng kỹ thuật “ướt khô xen kẽ” kết hợp với chương trình “1 phải - 5 giảm”, “3 giảm - 3 tăng”…, lợi nhuận không chỉ tăng thêm từ 5 - 7 triệu đồng/ha, mà đây còn là mô hình thích ứng trong điều kiện thiếu nước ngọt khi đối đầu với hạn, mặn”.

Mô hình trên tuy chứng minh được hiệu quả, thế nhưng phần lớn nông dân trong tỉnh lại không áp dụng mô hình này. Nhiều người vẫn duy trì hình thức canh tác truyền thống và rất chủ quan trước nguy cơ hạn mặn, xem việc cung cấp nước ngọt phục vụ cho sản xuất là trách nhiệm của Nhà nước, nông dân không cần lo.

Xuất phát từ tâm lý ỷ lại này, nên dù ngành quản lý ngay từ năm 2019 đã cảnh báo về nguy cơ thiếu nước ngọt, hạn mặn sẽ tăng cao và yêu cầu nông dân các địa phương không được tập trung xuống giống vụ lúa đông xuân ở những nơi thiếu nước, vậy mà đến nay nông dân xuống giống đã vượt hơn con số 47.540ha (theo kế hoạch chỉ sản xuất hơn 42.000ha, giảm 5.400ha so với các năm trước).

Vì không quan tâm đến cảnh báo mà vẫn “vô tư” xuống giống, hiện nay, riêng TX. Giá Rai có hơn 500ha lúa đối mặt với nguy cơ “chết khát”! Và nhiều vùng sản xuất khác sẽ phải trả giá, nếu như hạn, mặn diễn biến gay gắt vào tháng 3/2020 như dự báo.

Ông Nguyễn Hoàng Hương, Giám đốc HTX Nam Hưng (bìa trái) giới thiệu  với nông dân tham quan mô hình tưới ướt khô xen kẽ.

HÓA GIẢI NGUY CƠ THÀNH THỜI CƠ

Thời gian qua, cùng với xây dựng các mô hình chống hạn, một số địa phương trong tỉnh còn đầu tư hàng tỷ đồng cho việc lai tạo các giống lúa chịu mặn như “lúa sỏi” ở huyện Hồng Dân. Đó là giống lúa có khả năng chịu mặn từ 5 - 7%0.

Song, đây là một việc làm rất lãng phí, gây hao tốn tiền của nhà nước và đi ngược lại với quy luật phát triển bền vững. Khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, nguyên Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Tấn Dũng đã từng yêu cầu Bộ Khoa học - Công nghệ và Bạc Liêu ngừng ngay các công trình nghiên cứu về giống lúa chịu mặn. Bởi nó đi ngược lại với quy luật của tự nhiên, vì hạn hán, xâm nhập mặn là thách thức mà các tỉnh ĐBSCL phải đương đầu. Vì vậy, không thể duy trì cái tư duy “giữ lúa” rồi bắt nông dân phải sản xuất ở vùng đất khó khăn, đối mặt với rủi ro cao, thay vì chủ động làm giàu.

Kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) của tỉnh Bạc Liêu dự đoán đến năm 2050, nếu mực nước biển tăng từ 22 - 30cm thì Bạc Liêu có hơn 180.110ha bị ngập, chiếm 69,4% diện tích tự nhiên của tỉnh. Trong đó, nếu lấy ngưỡng mặn 4%0 thì toàn tỉnh sẽ có gần 75% diện tích tự nhiên bị ảnh hưởng xâm nhập mặn. Nếu đúng như kịch bản diện tích bị nhiễm mặn là 4%0 thì chắc chắn các vùng chuyên lúa sẽ bị “xóa sổ” là tất yếu.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung: “Để chủ động thích ứng với BĐKH, Bạc Liêu sẽ hóa giải các nguy cơ ấy trở thành thời cơ và đây là nhu cầu tất yếu cho phát triển bền vững”. Để cụ thể hóa quan điểm và tư duy đổi mới này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch “Phát triển mô hình tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình hữu cơ áp dụng trên hệ thống canh tác tôm - lúa vùng phía Bắc Quốc lộ 1A đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”.

Theo đó, Bạc Liêu đề ra mục tiêu: Xây dựng, hình thành và lan tỏa mô hình sản xuất tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình hữu cơ áp dụng trên hệ thống canh tác tôm - lúa, sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm bảo vệ môi trường, an sinh xã hội và lợi ích kinh tế. Góp phần phát triển ngành tôm Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, sản xuất theo hướng bền vững, thích ứng với BĐKH, nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm, lúa Bạc Liêu, xứng đáng là hai sản phẩm chủ lực của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025 diện tích tôm - lúa đạt 41.000ha, năng suất 0,5 tấn/ha/năm, sản lượng phấn đấu đạt 20.500 tấn; đối với lúa, năng suất đạt 4,64 tấn/ha, sản lượng phấn đấu 190.240 tấn. Qua đó, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn vùng phía Bắc Quốc lộ 1A đạt 400 triệu USD vào năm 2020 và đạt 500 triệu USD vào năm 2025 (chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh).

Nông dân xã Phong Thạnh Đông (TX. Giá Rai) sử dụng bơm chuyền kéo nước từ kênh thủy lợi vào nội đồng cứu lúa. Ảnh: M.Đ

Sự thay đổi mô hình tăng trưởng từ bị động sang chủ động thích ứng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế trong điều kiện BĐKH là phù hợp với quy luật khách quan. Không chỉ thế, nó còn góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu phát triển chính là thuận theo quy luật tự nhiên và giải quyết hài hòa lợi ích của người nông dân.

Nông dân Nguyễn Văn Thành (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân) khẳng định: “Trong tương lai, nếu hạn mặn cứ tăng cao, nông dân chúng tôi nhất định chỉ nuôi tôm, vì làm lúa mà thiếu nước ngọt khó lắm. Một ký lúa nếu được giá chỉ bán được hơn 5.000 đồng, trong khi 1kg tôm sú nuôi theo mô hình sạch từ 150.000 - 200.000 đồng. Bán 1kg tôm mua được khoảng 40kg lúa, nông dân nào mà không làm”.

Và thực tiễn đã chứng minh, nông dân Bạc Liêu và Cà Mau từ năm 2000 đã kéo nhau “dẫn mặn nhập điền” để làm một cuộc cách mạng cho con tôm khi cây lúa không còn đủ sức nuôi nổi nông dân.

Để thay đổi tập quán sản xuất và tư duy cho người nông dân là chuyện rất khó, nhưng nhất định phải làm. Đây không chỉ là nhu cầu cho phát triển bền vững, mà còn là vấn đề mang tính sống còn của người nông dân khi phải trực tiếp đương đầu với hạn hán, xâm nhập mặn trong hiện tại và tương lai.

Nhóm PV kinh tế

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.