Ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn: Liên kết vùng để biến “nguy” thành “cơ”

Thứ Hai, 24/02/2020 | 17:25

Phải khẳng định rằng, đương đầu với hạn hán, xâm nhập mặn đã trở thành vấn đề sống còn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Do vậy, việc tìm ngay các giải pháp ứng phó không chỉ nhu cầu cho phát triển bền vững, mà còn là vấn đề mang tầm quốc gia khi khu vực này chiếm hơn 90% sản lượng gạo và 70% sản lượng thủy sản xuất khẩu cả nước.

Nông dân Danh Thuận (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) với những trà lúa khô héo chỉ toàn hạt lép.

ĐỒNG BẰNG “KHÁT NGỌT”

Từ lâu, ĐBSCL được xem là vùng kinh tế năng động, là vựa lúa, vựa thủy sản và vựa trái cây của quốc gia. Trong những năm gần đây, với việc xây dựng các công trình thủy điện ở thượng nguồn Mê Kông và ảnh hưởng trực tiếp từ biến đổi khí hậu đã đẩy vùng đất vốn giàu tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên này đứng trước nhiều nguy cơ. Trong đó, hạn hán, xâm nhập mặn chính là thách thức lớn mà khu vực này phải đương đầu.

Theo dự báo, mùa mùa khô năm nay sẽ gay gắt hơn đợt mặn lịch sử xảy ra năm 2016 và thời gian cao điểm bắt đầu từ tháng 2 cho đến tháng 6/2020. Thế nhưng, mới bước sang tháng 2/2020 mà nhiều địa phương phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra, khi nước mặn nhiều nơi đã ăn sâu vào nội đồng làm cho hàng ngàn héc-ta lúa “chết khát” và đẩy người nông dân vào cảnh khốn đốn. Nông dân Danh Thuận (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) cho biết: “Mặn vào nội đồng rất nhanh làm cho 2ha lúa của gia đình tôi héo khô và chỉ có hạt lép. Vụ này không biết có thu hoạch được hay không, rầu quá, vì nông dân ở khu vực này thu nhập chủ yếu từ cây lúa”.

Mặc dù ngành quản lý đã thông báo và chủ động thực hiện các giải pháp, kịch bản phòng chống hạn mặn, nhưng đến nay con số thiệt hại cứ tăng theo thời gian và chưa có điểm dừng. Như địa bàn tỉnh Sóc Trăng, trong tháng 2/2020 đã có hơn 1.600ha lúa, khoảng 4.000ha cây ăn trái, 1.000ha rau màu bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn và có 24.394 hộ dân cần cấp nước sinh hoạt. Hay ở tỉnh Cà Mau, diện tích sản xuất lúa - tôm đã có gần 16.000ha bị thiệt hại; 20.000 hộ bị thiếu nước ngọt sinh hoạt. Ngoài ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt, Cà Mau còn đang đối mặt với tình trạng sụt lún đất do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Trong tháng 2/2020, trên địa bàn tỉnh này đã có hơn 150 tuyến đường bị sụt lún, sạt lở gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Nghiêm trọng hơn, có những địa phương như xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời) trong ngày 13/2 xảy ra đến 85 vụ sụt lún, sạt lở, nâng tổng số trong toàn huyện lên hơn 1.000 vụ, gây tâm lý hoang mang cho người dân.

Thậm chí, ngay cả những tỉnh nằm ở đầu nguồn và có hệ thống dẫn ngọt bao quanh cũng chịu ảnh hưởng từ hạn hán, xâm nhập mặn. Như ở tỉnh Tiền Giang, trung tuần tháng 2/2020, hạn mặn đã bắt đầu diễn ra gay gắt và lấn sâu vào nội đồng. Vùng ngọt hóa Gò Công đã căng thẳng về nguồn nước, đặc biệt là ở nhiều tuyến kênh lớn, nhỏ thuộc khu vực này đã không còn nước. Cụ thể, dọc theo các tuyến kênh chính dẫn nước về vùng ngọt hóa Gò Công như: Tham Thu, Trần Văn Dõng… đều đã cạn nước. Rồi nhiều vùng chuyên cây ăn trái của tỉnh Long An cũng bắt đầu xảy ra thiếu nước.

Hạn hán và xâm nhập mặn năm 2020 sẽ gây thiệt hại là bao nhiêu, đến nay vẫn còn là một ẩn số. Nhưng với những gì đã, đang và sẽ xảy ra, năm nay được dự báo là một năm các tỉnh ĐBSCL phải tiếp tục gánh chịu những tổn thất nặng nề. Nhìn lại đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử năm 2016, khu vực ĐBSCL đã có 600.000 người dân thiếu nước sinh hoạt và 160.000ha đất  nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng.

Công trình đập thép Nguyễn Tấn Thành (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đang xây dựng để ngăn mặn, giữ ngọt.

CHIA SẺ TRÁCH NHIỆM

Để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, các tỉnh khu vực ĐBSCL đã và đang tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành để đầu tư xây dựng nhiều công trình, dự án thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt, với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng.

Cụ thể như tỉnh Bến Tre, dự án hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp (huyện Ba Tri) đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Đây là hồ chứa nước ngọt nhân tạo lớn nhất miền Tây, dài gần 5km, rộng 40 - 100m. Hồ có sức chứa gần một triệu mét khối nước, đủ sức phục vụ sinh hoạt cho khoảng 200.000 người tại 24 xã, thị trấn trên địa bàn. Tỉnh Tiền Giang đã có dự án ngăn sông Cửa Trung làm hồ nước ngọt gần 900 tỷ đồng. Dự kiến, hồ chứa rộng 200 - 400m, dài hơn 14km, hai đầu sẽ đặt hai cống đập ngăn sông Cửa Trung - một nhánh dài 20km, nằm giữa sông Cửa Đại và Cửa Tiểu. Công trình sẽ đảm bảo nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nước cho sinh hoạt hơn 44.000 hộ dân huyện Tân Phú Đông vào mùa hạn mặn. Hoặc ở tỉnh Kiên Giang có dự án cống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được xây dựng tại Châu Thành. Theo thiết kế, cống sông Cái Lớn có chiều rộng thông nước 455m, gồm 11 khoang và âu thuyền rộng 15m, với tổng vốn đầu tư 3.300 tỷ đồng. Theo kế hoạch, công trình này sẽ hoàn thành cuối năm 2021 với chức năng là kiểm soát, điều tiết nguồn nước (mặn, lợ, ngọt) cho 384.000ha ở các tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu. Còn với tỉnh Bạc Liêu, dự án cống Âu thuyền Ninh Quới trên kênh tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp (huyện Hồng Dân) đến nay đã cơ bản hoàn thành và đưa vào vận hành, giúp bảo toàn cho ít nhất 40.000ha đất nông nghiệp của địa phương trong vụ đông xuân…

Sụt lún đường giao thông ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Tất cả những dự án trọng điểm trên đều nằm trong quy hoạch xây dựng thủy lợi vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Song, để phát huy hiệu quả đầu tư từ các công trình và chia sẻ nguồn tài nguyên “nước ngọt” gắn với chủ động ngăn mặn, ứng phó hạn một cách hiệu quả thì cần một cơ chế phối kết hợp giữa các địa phương trong vùng. Bởi thực tiễn trong những năm qua đã chứng minh, khi xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn thì phần lớn các địa phương tự tìm giải pháp và ưu tiên “giải cứu” cho tỉnh của mình. Điều đó kéo theo những hệ lụy và không phát huy được hiệu quả đầu tư. Như vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu, vào những tháng đầu năm đều cần đưa nước mặn vào để phục vụ sản xuất lúa - tôm, nhưng nếu đưa mặn vào quá sâu sẽ làm ảnh hưởng diện tích đang sản xuất lúa đông xuân của tỉnh Sóc Trăng. Do vậy, gắn với xây dựng hoàn thành dự án cống Âu thuyền Ninh Quới, hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu vẫn cần đẩy mạnh phối - kết hợp trong việc vận hành cống để chia ngọt và ngăn mặn. Rồi dự án cống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (tỉnh Kiên Giang) cũng cần sự phối hợp giữa các tỉnh để tăng tính chủ động ứng phó và hơn hết là chia sẻ trách nhiệm vì sự phát triển chung, giải quyết hài hòa lợi ích, nghĩa vụ giữa các địa phương với nhau.

Tóm lại, để ứng phó với BĐKH, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn mà cả ĐBSCL phải đối mặt, phải “sống chung”, không con đường nào khác ngoài đẩy mạnh liên kết vùng. Sự liên kết ấy sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để hóa giải các nguy cơ trở thành cơ hội và tiềm năng để ĐBSCL không ngừng phát triển.

Bài, ảnh: Nhóm PV kinh tế

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.