Vụ lúa hè thu: Đồng bộ các giải pháp để tăng hiệu quả

Thứ Hai, 05/09/2022 | 14:43

Qua quá trình sản xuất vụ lúa hè thu 2022 cho thấy, nông dân trong tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn khi giá phân bón và chi phí sản xuất tăng cao, trong khi năng suất và giá bán thì lại sụt giảm.

Nông dân huyện Hòa Bình thu hoạch lúa hè thu.

MẤT MÙA, RỚT GIÁ

Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ trà lúa hè thu và khẩn trương cải tạo đất để xuống giống vụ tiếp theo đúng lịch thời vụ. Thế nhưng, do năm nay trà lúa hè thu trỗ bông đúng vào thời điểm xuất hiện các trận mưa lớn kèm dông lốc đã khiến cho nhiều ruộng lúa không kết hạt, ngậm sữa, dẫn đến tình trạng lúa bị lem lép hạt rất nhiều. Theo nhiều nông dân, năng suất lúa năm nay chỉ đạt từ 12 - 22 giạ/công. Thêm vào đó, khi lúa trỗ chín và vào kỳ thu hoạch thì mưa lớn lại một lần nữa xuất hiện đã làm cho nhiều diện tích lúa bị đổ sập, ngập sâu trong nước, khiến cho hạt lúa chuyển màu, mất giá. Dọc theo con lộ của ấp 37 (xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình), hai bên là ruộng lúa đang vào độ chín nhưng nhiều diện tích bị đổ ngã, máy bơm vận hành liên tục để tháo nước nhằm đẩy nhanh tiến độ đưa máy cắt vào thu hoạch. Theo ước tính của Phòng Nông nghiệp huyện Hòa Bình, mưa lớn đã làm ngập úng và khiến cho gần 200ha lúa hè thu của bà con bị giảm năng suất từ 15 - 50%. Bà Võ Thị Để (xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình) buồn bã: “Nhà tôi trồng giống OM18, chi phí tiền phân thuốc gần 3 triệu đồng/công, thương lái đặt cọc 110.000/giạ đồng, nhưng lúa gặt xong đen hạt nên thương lái ép giá, vụ này người nông dân không lỗ là may lắm rồi”. Hiện giá lúa tươi đang được thương lái thu mua tại đồng với giá từ 5.300 - 6.700 đồng/kg (tùy giống). Với mức giá này, sau khi hạch toán chi phí mùa vụ, bà con còn lãi rất ít hoặc phá huề, thậm chí có người phải bù lỗ.

Trong khi cây lúa cứ liên tục bị thời tiết vùi dập thì giá cả các mặt hàng vật tư thiết yếu phục vụ sản xuất lại liên tục tăng. Theo một số đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giá phân bón NPK các loại như 20-20-15, 16-16-8 khoảng 1,1 - 1,3 triệu đồng/bao (loại 50kg), Urê và Kali có giá trên 900.000 đồng/bao, tăng từ 2,5 - 3 lần so với thời điểm đầu năm 2021. Không chỉ phân bón, giá thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 50 - 80% so với trước đây. Việc tăng giá vật tư nông nghiệp làm chi phí sản xuất bị đội lên cao, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của nông dân. Nhất là khi chi phí phân bón chiếm tới 50% chi phí đầu vào trong sản xuất. Nếu giá phân bón tiếp tục bị đẩy lên cao, việc nông dân bỏ ruộng là không thể tránh khỏi.

Thương lái thu mua lúa hè thu. Ảnh: C.L

CẦN CÓ GIẢI PHÁP CỤ THỂ

Vụ lúa hè thu năm nào cũng vậy, bên cạnh những bất lợi của thời tiết thì điều lo lắng nhất của nông dân vẫn là vấn đề đầu ra cho hạt lúa. Bởi, chuyện thương lái hay cánh “cò” lúa bỏ của chạy lấy người khi thấy những ruộng lúa mà họ đã đặt cọc bị đổ ngã, ngập úng là chuyện thường xuyên xảy ra. Để rồi một mình người nông dân phải chật vật xoay sở, chạy vạy khắp nơi để tìm người mua lúa, hòng vớt vát lại chút ít tiền công cán và trả tiền phân thuốc để đại lý còn tiếp tục đầu tư cho những vụ sau.

Từ nhiều năm nay, vụ lúa hè thu vốn đã trở thành vụ mùa “đánh liều” của nhiều nông dân. Bởi, nếu bỏ ruộng hoang trong suốt 3 - 4 tháng ròng thì nguồn thu nhập chính của bà con bị ảnh hưởng, không có tiền trang trải cuộc sống và hơn hết là nếu không trồng lúa, nông dân cũng không biết làm gì trong ngần ấy tháng trời ngồi chờ vụ sau. Chính vì vậy, nhiều người vẫn xuống giống vụ lúa hè thu dù biết lợi nhuận cuối vụ thường rất thấp, chi phí sản xuất cao so với các vụ lúa khác trong năm.

Trước thực trạng trên, đòi hỏi ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tham mưu, đề xuất các giải pháp và vào cuộc một cách hiệu quả. Theo nhiều nông dân, giải pháp cốt yếu nhất là hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp cần làm tốt vai trò của mình, nhằm cung ứng các loại dịch vụ đầu vào cho nông dân và liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Một vấn đề nữa, hiện nay việc chọn giống lúa canh tác của nông dân vẫn còn manh mún và chưa thống nhất việc canh tác theo từng vùng cho phù hợp, tạo hàng hóa tập trung để thuận lợi cho liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Điều này không chỉ gây khó trong khâu liên kết bao tiêu mà ngay cả việc bơm tát, thu hoạch vào cuối vụ cũng bị ảnh hưởng. Từ đó, khó kêu gọi công ty, doanh nghiệp vào liên kết bao tiêu sản phẩm.

Trên thực tế, đã có một số HTX dịch vụ nông nghiệp làm tốt khâu phục vụ, tạo niềm tin với nông dân. Đơn cử như HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Sơn, HTX Nông nghiệp Vĩnh Cường (huyện Hòa Bình), HTX Nam Hưng, HTX Đồng Tâm (huyện Vĩnh Lợi)… luôn đặt lợi ích chung lên hàng đầu, hoạt động có chiều sâu, được các xã viên và nông dân tin tưởng. Trong tình hình nhiều loại chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp đồng loạt tăng giá, đẩy nông dân vào thế khó, “càng làm càng lỗ” thì với mô hình liên kết sản xuất, nông dân được hỗ trợ từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong suốt quá trình canh tác đến lúc thu hoạch, toàn bộ lúa được doanh nghiệp thu mua với mức giá cam kết từ đầu vụ.

Ông Trần Văn Ngỗ - Giám đốc HTX Thanh Sơn (huyện Hòa Bình) phân tích: “Lâu nay nông dân vốn đã quen với cách “làm ên, ăn riêng”. Tuy nhiên, trong điều kiện sản xuất thực tế hiện nay thì việc liên kết và hình thành các tổ hợp tác, HTX sẽ là lợi thế lớn cho bà con mình. Bởi, khi tham gia vào tổ hợp tác, HTX, việc mua sắm trang thiết bị, vật tư nông nghiệp… nông dân sẽ mua được giá ưu đãi hơn. Không chỉ vậy, việc liên kết để xây dựng vùng nguyên liệu lớn, sản xuất giống đồng nhất còn giúp cho việc tìm kiếm các hợp đồng bao tiêu cũng thuận lợi hơn, giúp nông dân yên tâm sản xuất”.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ nông dân, ngành Nông nghiệp tỉnh cần triển khai nhiều lớp tập huấn hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật trong canh tác, từ việc giảm lượng giống gieo sạ, hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giai đoạn 40 ngày đầu... Đồng thời, khuyến cáo nông dân chuyển từ bón phân vô cơ sang hữu cơ hoặc vi sinh để cải tạo đất và giảm chi phí trong quá trình sản xuất; vận động nông dân tham gia vào tổ hợp tác, HTX, canh tác theo hướng an toàn và bền vững, nhằm tạo sản phẩm chất lượng, giảm chi phí đầu tư.

C.LINH - T. NGHI

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.