Xứ Bạc Liêu Ba Thắc muối ngon

Thứ Hai, 29/03/2021 | 16:43

Trong cái nắng gay gắt của tiết tháng 3, đồng muối Bạc Liêu như có vô vàn ánh sao lấp lánh nhảy múa. Những cánh tay chắc khỏe thay nhau cào muối trong tiếng nói, tiếng cười rạng rỡ trên những gương mặt ướt đẫm mồ hôi. Diêm dân Nguyễn Văn Nam (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) khoe: “Năm nay muối trúng lắm, cào từ sáng đến giờ mà vẫn chưa hết muối”. Thật vậy, những cánh đồng muối bạt ngàn như được tiếp thêm “vị ngọt” khi nghề muối Bạc Liêu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào cuối năm 2020.

Khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích gìn giữ và phát huy nghề muối. Ảnh: L.D

MUỐI BA THẮC NỔI TIẾNG NAM KỲ LỤC TỈNH

Có thể nói, một trong những đặc sản nổi tiếng của Bạc Liêu từ xa xưa đến nay chính là hạt muối. Cái tên muối Ba Thắc không chỉ góp phần làm rạng danh vùng đất Bạc Liêu với những cánh đồng muối “gãy cánh cò bay” của những đại điền chủ giàu nứt vách như: Trần Trinh Trạch, Huỳnh Oai…, mà còn trở thành niềm tự hào của người dân đất Bạc Liêu. Bởi nghề muối có lịch sử hình thành hơn 100 năm và trở thành một thứ hàng hóa tiêu biểu của xứ này.

Theo các tài liệu nghiên cứu về nghề muối, từ xa xưa hạt muối Bạc Liêu ngoài cung cấp cho cả Nam kỳ lục tỉnh, còn xuất khẩu sang các nước Đông Dương. Qua đó, đã hình thành nên những con đường “tơ lụa” chuyên vận chuyển muối bằng đường thủy trên tuyến sông và làm nên những địa danh như: kênh Muối, xóm Muối, ấp Muối…

Không chỉ thế, nghề làm muối Bạc Liêu từng được xem là nghề có những đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Vào những năm đầu thế kỷ XX, nghề làm muối là lĩnh vực kinh tế lớn chỉ xếp sau cây lúa và góp phần làm cho Bạc Liêu trở thành một trong 3 trung tâm sản xuất hàng hóa lớn của vùng ĐBSCL và cả nước.

Nghề làm muối tuy đã hình thành và phát triển hơn 100 năm, nhưng đến nay bà con diêm dân vẫn còn lưu giữ phương pháp sản xuất truyền thống và áp dụng cả trên mô hình sản xuất muối trải bạt vốn được xem là hình thức sản xuất mới nhất hiện nay. Đó là sản xuất theo phương pháp công nghệ phơi nước dạng tĩnh thông qua quy trình lấy nước biển, chứa nước biển trước khi chạt, phơi chế nước chạt và phơi kết tinh để thu hoạch muối.

Xuất phát từ điều kiện tự nhiên và áp dụng phương pháp truyền thống này, nên muối Bạc Liêu có hương vị đậm đà, mặn nhưng không chát đắng, do trong muối có hàm lượng magiê, canxi, sunfat rất thấp… Đây chính là điểm độc đáo và khác biệt của muối Bạc Liêu so với muối được sản xuất ở các tỉnh miền Trung vốn có vị chát đắng do ảnh hưởng của vùng núi đá vôi ven biển. Chưa dừng ở đó, qua phân tích cho thấy hàm lượng natriclorua của muối Bạc Liêu rất cao, trung bình đạt 96,6%, xấp xỉ với tiêu chuẩn muối thượng hạng Việt Nam (97%).

Chính những điểm độc đáo về chất lượng này nên muối Bạc Liêu trở thành “mỹ vị” trong chế biến các món ngon và được các nhà ẩm thực hàng đầu thế giới, người tiêu dùng trong, ngoài nước lựa chọn. Cụ thể là muối Bạc Liêu hiện nay không chỉ có mặt ở các chợ, siêu thị của thị trường trong nước với nhiều sản phẩm phong phú như: muối tôm, muối ớt, muối tiêu, muối i-ốt, muối hạt, muối xây… mà còn được nhiều nước trên thế giới nhập về để làm gia vị. Điển hình như món kim chi của Hàn Quốc vốn được xem là biểu tượng về văn hóa và được gọi là xứ sở kim chi, cũng chỉ ưu tiên nhập muối Bạc Liêu về chế biến. Hay ở Nhật Bản vốn rất nổi tiếng với văn hóa rượu cũng nhập muối Bạc Liêu về chế biến và đưa muối Bạc Liêu vào các siêu thị lớn. Còn trong nước, các món ba khía Rạch Gốc (Cà Mau), cá tra phồng (An Giang), mắm đồng (Đồng Tháp)… cũng không thể thiếu muối Bạc Liêu và chính muối Bạc Liêu đã góp phần làm cho các đặc sản này trở thành món ngon nổi tiếng.

Diêm dân xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) thu hoạch muối.

LÀM GÌ ĐỂ PHÁT HUY?

Phải khẳng định rằng, di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng và không gian văn hóa. Di sản có giá trị lịch sử, văn hóa và thể hiện bản sắc của cộng đồng, đồng thời bản sắc ấy không ngừng được bổ sung và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng nhiều hình thức…

Xuất phát từ đặc điểm này nên việc phát huy giá trị hạt muối gắn với bảo tồn di sản văn hóa là rất cần thiết. Song, để phát huy và bảo tồn di sản nghề muối không phải là chuyện dễ làm, nhất là di sản sẽ không còn là di sản nữa khi không gian và chủ thể của di sản ấy bị mất đi!

Sỡ dĩ quan tâm đến vấn đề này vì nghề muối đang phải đương đầu với nhiều khó khăn mà cụ thể là diện tích sản xuất muối cứ teo dần theo hàng năm và nhiều diêm dân đã thay nhau bỏ nghề. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc không gian văn hóa và cả chủ thể văn hóa đang bị thu hẹp lại, thậm chí mất đi?! Theo số liệu thống kê của ngành Nông nghiệp, diện tích sản xuất muối trong những năm gần đây giảm rất nhanh. Nếu năm 2015, diện tích sản xuất muối cả tỉnh chiếm trên 17.300ha, thì đến nay diện tích đang sản xuất chỉ còn khoảng 1.500ha. Cùng với đó, nhiều diêm dân đã không còn gắn bó với nghề muối. Như hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 1.690 lao động sống bằng nghề muối, trong khi con số này vào thời điểm năm 2016 có trên 5.000 lao động.

Từ những con số cụ thể trên cho thấy, việc có ngay các giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa nghề muối hiện nay là rất cần thiết. Muốn vậy, hạt muối phải được nâng cao về giá trị để diện tích không ngừng được giữ vững và mở rộng, khuyến khích diêm dân gắn bó với nghề. Song, muốn nâng cao giá trị hạt muối, ngoài giải pháp về đầu tư hạ tầng, áp dụng phương pháp, kỹ thuật mới vào việc nâng cao năng suất, chất lượng hạt muối, còn cần những giải pháp mang tính đột phá khác. Trong đó, cần nghiên cứu việc tổ chức lễ hội muối cấp tỉnh và nâng lên thành Festival cấp quốc gia gắn với phát triển du lịch muối. Làm được việc này, sẽ thúc đẩy nghề muối phát triển thông qua việc các dự án du lịch sinh thái trải nghiệm đồng muối và thưởng thức các món ngon được chế biến từ muối, từ thức ăn nhanh đến hàng công nghệ thực phẩm, thực phẩm chức năng, hàng lưu niệm được chế tác từ muối…

Nghề làm muối được xem là tài sản vô giá có tính gắn kết cộng đồng cao và thật sự trở thành một di sản đầy tự hào của người dân Bạc Liêu. Sự kết tinh của hạt muối hôm nay không chỉ là mồ hôi, dày công vun đắp của các bậc tiền nhân, mà còn là trách nhiệm của thế hệ mai sau. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị từ hạt muối giúp cho diêm dân, doanh nghiệp làm giàu để cùng hát chung câu ca “Nghĩa mặn mà lòng em đã đậm; Xứ Bạc Liêu Ba Thắc muối ngon” mãi được ngân lên.

LƯ TRUNG

* Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT: Đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng đồng muối gắn với phát triển du lịch

Để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản nghề muối, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả của mô hình sản xuất muối chất lượng cao bằng phương pháp trải bạt trên nền sân kết tinh và tăng cường đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất muối, nhằm nhân rộng diện tích sản xuất muối chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, vận động các hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ thực hiện sản xuất theo hình thức hợp tác, liên kết thành các tổ hợp tác, hợp tác xã... nhằm tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thuận lợi tiếp cận với các chính sách ưu đãi của Nhà nước để đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất muối. Ngành Nông nghiệp cũng sẽ nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất muối theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa, đồng bộ các khâu từ cung cấp nước biển đến thu hoạch và bảo quản muối; nghiên cứu các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin trong việc đo và xử lý nồng độ nước biển, bức xạ nhiệt, gió trong quá trình sản xuất muối.

Cùng với bảo tồn, phát triển các làng nghề sản xuất muối truyền thống, ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh thu hút và mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển du lịch muối và phát triển mạnh các sản phẩm OCOP được chế biến từ muối. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm muối tại hội chợ triển lãm, các hội nghị kết nối cung cầu nhằm giúp người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ngày càng biết nhiều về sản phẩm muối của Bạc Liêu.

Đặc biệt, ngành Nông nghiệp sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng đồng muối với tổng vốn hơn 100 tỷ đồng nhằm trang bị hạ tầng cho sản xuất gắn với phát triển du lịch. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đồng muối Đông Hải theo Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1325/QĐ-TTg ngày 31/8/2020.

* Thái Quốc Lưu, Phó Giám Sở VH-TT-TT&DL: Sẽ tổ chức lễ hội Muối Bạc Liêu lần thứ I vào năm 2022

Để góp phần bảo tồn di sản và phát huy giá trị từ nghề muối, Sở VH-TT-TT&DL sẽ phối hợp Sở NN&PTNT, UBND huyện Đông Hải, huyện Hòa Bình và các ngành có liên quan sớm triển khai xây dựng các đề án, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Nghề làm muối ở Bạc Liêu. Trong đó, chú trọng xây dựng các giải pháp nhằm mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng muối; quan tâm quy hoạch phát triển nghề làm muối, mời gọi doanh nghiệp đầu tư và làm phong phú sản phẩm từ muối, nâng cao chuỗi giá trị nghề muối Bạc Liêu, từng bước trở thành sản phẩm kinh tế có giá trị và sản phẩm văn hóa đặc sắc, góp phần từng bước nâng cao đời sống cho bà con diêm dân trên địa bàn.

Cùng với đó là tập trung xây dựng thương hiệu Muối Bạc Liêu và triển khai tổ chức các hoạt động trải nghiệm muối, góp phần quảng bá di sản văn hóa phi vật thể đến với du khách, người dân trong và ngoài nước thông qua nhiều hình thức như: quảng bá trên báo đài, tham gia các hội chợ, hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước, tổ chức các cuộc thi sáng tác ảnh về muối Bạc Liêu, hội thi ẩm thực về muối và tôm Bạc Liêu…

Bên cạnh đó, Sở sẽ tổ chức các đoàn khảo sát gồm các công ty lữ hành, dịch vụ du lịch lớn của cả nước (famtrip), các đoàn báo chí (presstrip), các chuyên gia về du lịch tiến hành khảo sát, đánh giá tiềm năng để xây dựng các vùng nguyên liệu muối, các sản phẩm từ muối để trở thành sản phẩm du lịch trải nghiệm đặc sắc; phối hợp với UBND huyện Đông Hải và huyện Hòa Bình định kỳ tổ chức lễ hội Muối gắn với các hoạt động văn hóa, du lịch trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, chuẩn bị các điều kiện để dự kiến trong năm 2022 Bạc Liêu sẽ đăng cai tổ chức Diễn đàn Kết nối du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh với Đồng bằng Sông Cửu Long lần thứ III, lồng ghép với tổ chức lễ hội Muối Bạc Liêu lần thứ I.

Song song đó, Sở sẽ tập trung phối hợp với các sở, ngành và các địa phương có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường đầu tư hạ tầng dịch vụ du lịch tại các vùng chuyên canh muối trên địa bàn tỉnh, nhằm vừa đẩy mạnh bảo tồn và phát triển nghề muối, vừa gắn kết phát triển du lịch và hình thành tour/tuyến du lịch gắn vùng nguyên liệu muối Bạc Liêu với các khu/điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, sẽ nghiên cứu đề xuất đầu tư xây dựng tuyến đường từ cầu Dân Quân đến giáp tuyến đường Giồng Nhãn - Gành Hào (thuộc xã Điền Hải) theo đề xuất của huyện Đông Hải và tuyến lộ Kênh 500, cầu qua kênh đê Trường Sơn theo đề xuất của huyện Hòa Bình, nhằm tạo điều kiện cho thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển, mua bán sản phẩm muối của bà con diêm dân và phục vụ nhu cầu phát triển du lịch sau này; tiếp tục đầu tư cải tạo, xây dựng hoàn thiện cơ bản hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ khai thác du lịch, triển khai theo tuyến đường du lịch đã được đầu tư từ Nhà Mát tới Cái Cùng…

* Hồ Thanh Tuấn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải: Chuyển giao nhiều mô hình sản xuất giúp diêm dân tăng thu nhập

So với những địa phương khác, huyện Đông Hải có diện tích sản xuất muối lớn nhất tỉnh. Tuy nhiên trong những năm qua, diện tích sản xuất muối cứ giảm dần và nhiều diêm dân đã bỏ nghề, do sản xuất muối cho thu nhập thấp và chỉ giải quyết được lao động trong những tháng nắng. Vì vậy, cần có giải pháp để giúp diêm dân nâng cao giá trị hạt muối, tăng thêm thu nhập từ nghề muối và giải quyết lao động thường xuyên.

Theo đó, Phòng NN&PTNT huyện Đông Hải sẽ phối hợp với các ngành chức năng tỉnh xây dựng kế hoạch vụ mùa; thông báo lịch thời vụ sản xuất muối đến bà con diêm dân để chủ động sản xuất trong cả vụ mùa. Phối hợp với các ngành chức năng, các viện, trường thực hiện chương trình khuyến diêm, đa dạng hóa các hình thức chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho diêm dân trên báo đài, tổ chức tọa đàm, hội thảo trao đổi kỹ thuật, rút kinh nghiệm thực tế nhằm nâng cao năng suất và sản lượng muối.

Cùng với đó là huy động các nguồn lực xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ như: đường giao thông, lưới điện, tổ chức nạo vét định kỳ các tuyến kênh bị bồi lắng, bức xúc, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho diêm dân lấy nước phục vụ trong các vụ mùa và giảm chi phí đầu tư, tăng thêm lợi nhuận. Cũng như, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến muối của Chính phủ; đặc biệt quan tâm các chính sách: tiêu thụ, đầu tư vốn tín dụng, hỗ trợ đầu tư nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chế biến muối; hỗ trợ thành lập các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã nghề muối; nhất là hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ muối nhằm giúp diêm dân tiêu thụ muối kịp thời.

Riêng những tháng mùa mưa và thời tiết ít nắng nóng không thể sản xuất muối, sẽ tổ chức và chuyển giao các mô hình sản xuất trên đất muối như: nuôi cá kèo; nuôi tôm - cua - cá kết hợp; bán nước ót phục vụ nghề sản xuất giống… nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho diêm dân trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất thay vì bỏ đất trống khi hết mùa vụ.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.