Bạo hành trẻ em - Cần giải quyết từ gốc

Thứ Hai, 15/06/2020 | 15:55

Thời gian gần đây, nhiều người ở Bạc Liêu hết sức xót xa khi xem thông tin bé gái 6 tuổi ở xã Lai Hòa (huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) bị cha ruột đánh, đá dã man, phải chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu để điều trị. Chuyện trẻ em bị bạo hành, dù xảy ra ở đâu, cũng là nỗi đau, là điều mà dư luận xã hội bức xúc lên án. Tuy nhiên, nạn bạo hành giống như một thứ bệnh tật ăn mòn, âm ỉ, chỉ đến khi bị phát hiện thì hậu quả đã rất nặng nề. Và hơn 90% những vụ bạo hành trẻ em, đều đến từ người thân, gia đình các em.

Trẻ em cần được chăm sóc, giáo dục chu đáo. Ảnh minh họa: K.P

NỖI ĐAU DAI DẲNG

Có một điều mà người viết bài này cho rằng, với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, của mạng xã hội ngày nay đã trở thành công cụ hiệu quả, góp phần đấu tranh phòng chống bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em. Chỉ cần một đoạn video chia sẻ trên mạng xã hội, sự lên án của dư luận cũng đã khiến người bạo hành phải nhìn lại và xấu hổ với hành vi của mình. Song song đó, là sự vào cuộc nhanh chóng của cơ quan chức năng trong xử lý thông tin, vụ việc. Như trường hợp của bé gái ở thị xã Lai Hòa chẳng hạn, chỉ sau mấy giờ là cơ quan công an đã xác minh và mời gọi đối tượng bạo hành đến trụ sở làm việc. Điều này cách đây vài năm là hết sức khó khăn.

Như câu chuyện vẫn ám ảnh chúng tôi về một phiên tòa xét xử bị cáo mang tội giết cha ruột của mình cách đây vài năm. Bị cáo bị lên án về hành vi bất hiếu, bởi con mà giết cha thì xã hội khó dung tha. Thế nhưng, có tường tận sự việc từ gốc, mới thấy xót xa cho một đứa trẻ bị biến thành hung thủ giết người. Mẹ của bị cáo, cũng là vợ của bị hại, khóc không thành tiếng ở tòa. Bà kể về những tháng ngày con trai bị bạo hành mà không dám lên tiếng, vì bản thân bà cũng là một nạn nhân của bạo lực gia đình. Cả hai mẹ con luôn cam chịu, và người mẹ không thể nào ngờ, có ngày đứa con trai phản kháng lại. Hậu quả là cái chết của người cha, người chồng.

Theo số liệu thống kê từ những vụ việc được báo đến cơ quan chức năng trong năm 2019, toàn tỉnh có trên 670 vụ bạo lực gia đình, trong đó tập trung nhiều nhất là phụ nữ và trẻ em. Càng không có con số thống kê cụ thể về các vụ bạo hành trẻ em, bởi ai cũng hiểu rằng, trừ trường hợp đến mức bị phát hiện xử lý, còn lại, những người trong gia đình trẻ thường thỏa hiệp hoặc ngó lơ trước hành vi bạo hành ấy.

LÀM GÌ ĐỂ NGĂN CHẶN?

Trẻ bị bạo hành từ trong gia đình thường có sự phát triển tâm sinh lý không bình thường. Lòng tự trọng bị tổn thương, bởi trẻ cho rằng, không ai đối xử tốt với mình. Nếu không bị phát hiện, đến khi lớn lên, những trẻ bị bạo hành này thường có tâm lý lo âu, trầm cảm. Tiêu cực hơn, các em có thể học lại từ chính hành vi bạo hành của cha mẹ để tiếp tục bạo hành người khác, hay như kiểu phản kháng của bị cáo giết chính cha mình.

Luật Trẻ em năm 2016 đã có những quy định rất cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi của trẻ. Trong đó, nghiêm cấm các hành vi xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em; Cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình; Kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em… Vấn đề bạo hành cũng được Bộ luật Hình sự quy định, với tình tiết định khung tăng nặng cho tội Cố ý gây thương tích hoặc tội Hành hạ người khác. Các quy định pháp luật để xử lý bạo hành trẻ em, thiết nghĩ không thiếu, nhưng điều quan trọng là làm sao để phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm, khi mà hành vi bạo lực này như một tảng băng chìm. Và việc tăng cường tuyên truyền các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền trẻ em thời gian qua lại không sâu sát đến tận hộ gia đình, nơi có đến hơn 90% các vụ việc vi phạm bị phát hiện. Song song đó, việc không tố giác hành vi bạo hành trẻ em cũng chính là sự đồng lõa, trong khi việc này cần phải bị lên án mạnh mẽ.

KIM PHƯỢNG

Cuối tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 23 về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Chỉ thị nhấn mạnh, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em. Xử lý nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khi có hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em, nhất là các hành vi xâm hại trẻ em, bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài các vụ việc vi phạm quyền trẻ em với phương châm "đúng người, đúng việc, đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm".

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.