Cản trở tác nghiệp của nhà báo là vi phạm pháp luật

Thứ Sáu, 18/06/2021 | 16:39

Ở vai trò là một nhà báo, việc am hiểu pháp luật cũng giống như cẩm nang để chúng ta hành xử. Để những quy định của pháp luật vừa bảo vệ bản thân người làm báo trong tác nghiệp, vừa giúp chúng ta hành nghề tốt.

Nhiều năm nay, tình trạng nhà báo bị cản trở trong tác nghiệp vẫn xảy ra thường xuyên. Đây là vấn đề được hầu hết các nhà báo quan tâm. Có nhiều kiểu cản trở nhà báo tác nghiệp như gây khó khăn trong tiếp cận thông tin; gián tiếp hoặc trực tiếp ngăn cản hoạt động tác nghiệp; thu giữ phương tiện tác nghiệp; đe dọa, thậm chí là hành hung… Nguyên nhân có thể từ nhận thức của đối tượng tiếp xúc, cũng có thể từ cơ chế, quy định của chính cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, cũng có thể từ những hành vi vi phạm pháp luật mà đối tượng muốn che giấu, sợ bị báo chí phanh phui.

Ở góc độ báo chí, vấn đề bảo vệ quyền tác nghiệp hợp pháp của nhà báo cũng ngày càng được Nhà nước hoàn thiện, thể hiện qua các quy định của pháp luật, từ Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Hình sự, đến các nghị định như Nghị định 119 xử phạt vi phạm trong hoạt động báo chí...

Tác nghiệp báo chí. Ảnh: M.Đ

Vậy tác nghiệp như thế nào để đúng quy định pháp luật? Quyền và giới hạn của nhà báo đến đâu khi tác nghiệp? Chỉ có dựa trên cơ sở pháp luật mới bảo đảm cho hoạt động nghiệp vụ báo chí được tôn trọng, bảo đảm các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật. Phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi cản trở, hành hung, cố tình xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của nhà báo. Mặt khác, mỗi cơ quan báo chí và nhà báo cần tìm hiểu, nắm chắc các quy định pháp luật liên quan tác động, chi phối đến hoạt động nghiệp vụ của nhà báo. Trong đó, phải kể đến các văn bản pháp quy dưới luật, các quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước, hiểu rõ danh mục bí mật Nhà nước độ tuyệt mật, tối mật. Ngoài ra, cũng cần tìm hiểu và nắm rõ các quy định về các hành vi bị coi là xâm phạm bí mật đời tư và một số quy định liên quan đến quyền cá nhân trong Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trở lại với câu chuyện cản trở trong tác nghiệp, không ít phóng viên, nhà báo trong tỉnh cũng gặp phải nhiều vấn đề tương tự. Vậy điều quan trọng là chúng ta sẽ xử trí như thế nào? Bên cạnh kinh nghiệm, còn cần bản lĩnh của mỗi nhà báo. Đấu tranh với từng hành vi cản trở trong khuôn khổ pháp luật. Chẳng hạn, nếu là vi phạm do đối tượng thiếu hiểu biết về quyền tác nghiệp thì nhà báo cần giải thích cho họ hiểu, để họ vui vẻ hợp tác. Nếu là vi phạm do cơ chế, quy định của cơ quan đơn vị thì nhà báo cần báo cáo vấn đề đến tòa soạn, đơn vị chủ quản để phối hợp, xử lý việc cung cấp thông tin đúng pháp luật. Còn nếu đó là cản trở do đối tượng muốn bao che, che giấu hành vi trái pháp luật, thì cần có sự phối hợp với cơ quan chức năng, thậm chí là cơ quan điều tra…

Do đó, hiểu đúng các quy định pháp luật để hành xử đúng luôn là đòi hỏi cần thiết cho các nhà báo!

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.