Cảnh giác với những chiêu lừa đảo lợi dụng tình hình dịch COVID-19

Thứ Hai, 21/06/2021 | 16:37

Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều người cảm thấy lo lắng, hoang mang và thay đổi nhiều cách hành xử trong xã hội. Do tình hình dịch bệnh, mọi người được khuyến cáo hạn chế đi ra ngoài, hạn chế tụ tập, mua sắm… Chính vì thế, việc mua bán hàng online nở rộ và cũng đầy rẫy những đối tượng lừa đảo, lợi dụng việc kinh doanh online để trục lợi. Song song đó, những dụng cụ, vật tư y tế dùng để phòng tránh virus SARS-CoV-2 cũng được nhiều người muốn sở hữu để phòng ngừa cho gia đình, bản thân. Nắm bắt tâm lý ấy, nhiều đối tượng đã dùng đủ chiêu lừa đảo hòng chiếm đoạt tài sản của người dân.

Người dân chỉ tiêm vắc-xin COVID-19 tại những điểm do Nhà nước chỉ định để tránh bị lừa đảo. Trong ảnh: Tiêm vắc-xin cho các đối tượng ưu tiên trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: K.K

ĐỦ KIỂU LỪA ĐẢO

Mua hàng, thậm chí bán hàng online cũng bị lừa. Những món hàng dỏm, hàng giả được chào bán với giá cắt cổ. Những thông tin khách hàng bị lợi dụng, lừa đảo khách hàng chuyển tiền đặc cọc rồi hủy giao dịch, thuê bao không liên lạc được. Hoặc người bán bị lừa vì giao hàng xong nhưng tiền chuyển mãi không tới…

Nhiều người dân cũng nhận được các cuộc điện thoại lạ, tự xưng là cán bộ của Trung tâm Phòng chống dịch COVID-19 để thu thập thông tin khai báo y tế. Trong số những thông tin cần khai báo y tế, những kẻ lừa đảo yêu cầu người dân cung cấp cả những thông tin cá nhân như số thẻ căn cước công dân, ngày tháng năm sinh, tài khoản ngân hàng, mật khẩu… Đây là điều hết sức vô lý vì không có cán bộ y tế hay cơ quan nhà nước nào lại yêu cầu người dân khai báo y tế lại cung cấp quá nhiều thông tin riêng tư, thuộc dạng bí mật cá nhân.

Hiện tại, cơn sốt khẩu trang đã không còn như cách đây một năm, nhưng nhiều đối tượng vẫn có chiêu thức để lừa đảo. TAND tỉnh Bạc Liêu vừa đưa ra xét xử một vụ án lừa đảo mua bán khẩu trang y tế hồi tháng 4/2021. Đây là vụ án lừa đảo liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID-19 mà đối tượng phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.

Lợi dụng tình hình khan hiếm khẩu trang vào đợt dịch bệnh đầu tiên của năm 2020, nhu cầu mua khẩu trang y tế để sử dụng của người dân tăng cao đột biến, đẩy giá khẩu trang y tế lên cao hơn bình thường hàng chục lần. Đối tượng Trần Phương L. đã tìm 2 người kinh doanh buôn bán trong lĩnh vực vật tư y tế, nói dối là có quen với người làm bên Cục Quản lý thị trường có nguồn hàng khẩu trang y tế đúng giá, có hóa đơn chứng từ hợp lệ. Vì tình hình khẩu trang hiếm, hai người bạn của L. đã đồng ý đặt mua tổng cộng 41 thùng khẩu trang y tế. Tổng số tiền chuyển khoản đặt mua khẩu trang là trên 166 triệu đồng.

Chờ mãi không thấy giao hàng, liên hệ đến Cục Quản lý thị trường, các nạn nhân mới biết mình bị lừa đảo. Vụ việc sau đó đã bị khởi tố, điều tra và đưa ra xét xử về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại thời điểm đó, cũng xảy ra rất nhiều trường hợp lừa bán khẩu trang trên mạng xã hội.

CẢNH GIÁC VỚI CHIÊU LỪA TIÊM VẮC-XIN PHÒNG COVID-19

Cho đến thời điểm này, tại Việt Nam chưa triển khai việc chích ngừa vắc-xin COVID-19 dịch vụ. Thế nhưng, trên mạng xã hội, thông qua nhiều kênh khác nhau, người dân đã được rủ rê, mời gọi các kiểu chích ngừa vắc-xin dịch vụ. Mới đây, một số người dân còn truyền tai nhau, được nhận những lời mời chích vắc-xin đảm bảo nguồn gốc, theo kiểu đăng ký chích cho đối tượng ưu tiên theo gia đình, và được nhường lại suất chích hoặc cho “ké” theo vào. Giá cả theo thỏa thuận.

Đây rõ ràng là một chiêu lừa, đề nghị người dân cảnh giác. Bởi nếu cá nhân hoặc hộ gia đình được chích theo đối tượng ưu tiên đều phải có danh sách do cơ quan nhà nước lập, có tên tuổi, giấy tờ chứng minh. Và nếu đúng là chích ngừa theo đối tượng ưu tiên thì sẽ không có chuyện tráo người vào chích được.

Mới đây, Bộ Y tế cũng đã phát đi thông điệp, người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vắc-xin phòng COVID-19 lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác. Một số tổ chức, cá nhân tự nhận tiếp cận được nguồn vắc-xin của các hãng sản xuất hoặc mua lại của một số nơi dư thừa.

Các loại vắc-xin phòng COVID-19 sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế cấp phép có điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Chỉ đi tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng được Bộ Y tế cấp phép. Tuyệt đối không tiêm chủng những loại vắc-xin phòng COVID-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép.

KIM KIM

Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc-xin phòng COVID-19, Bộ Y tế đã và đang tích cực đàm phán với các nhà sản xuất vắc-xin, các tổ chức quốc tế để mua và nhập khẩu số lượng lớn vắc-xin để tổ chức tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 cho tất cả người dân đang sinh sống tại Việt Nam. Vắc-xin được tiêm chủng miễn phí cho người dân. Do vậy, mọi người dân cần bình tĩnh, hãy chờ đợi đến lượt mình được tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 khi cơ quan y tế thông báo.

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.