Cạnh tranh không lành mạnh sẽ bị phạt tiền đến 2 tỷ đồng

Thứ Tư, 30/10/2019 | 16:42

Đó là nội dung xử phạt cao nhất được quy định tại Nghị định số 75/2019/NĐ-CP ngày 25/9/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh.

Sở Tư pháp triển khai các văn bản pháp luật mới năm 2019. Ảnh minh họa: K.K

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động từ 6 - 12 tháng; tịch thu tang vật vi phạm, phương tiện được sử dụng để vi phạm; tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương.

Ngoài các hình thức xử phạt như trên, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về cạnh tranh còn có thể bị buộc áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc cải chính công khai; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm; buộc cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền; buộc loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao dịch kinh doanh; buộc chia, tách, bán lại một phần hoặc toàn bộ vốn góp, tài sản của doanh nghiệp hình thành sau tập trung kinh tế.

Cũng theo nghị định, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp có hành vi vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm, nhưng thấp hơn mức phạt tiền thấp nhất đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Hành vi ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó sẽ bị phạt tiền từ 100 - 200 triệu đồng. Trường hợp ép buộc khách hàng hoặc đối tác kinh doanh lớn nhất của đối thủ cạnh tranh sẽ bị phạt tiền từ 200 - 300 triệu đồng.

Phạt tiền từ 100 - 200 triệu đồng đối với hành vi lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức như: đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác. So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.

Phạt tiền từ 0,8 - 1 tỷ đồng đối với hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó. Phạt tiền gấp hai lần mức quy định trên nếu hành vi vi phạm này được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó. Nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2019.

KHÁNH NGỌC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.