Chấp hành pháp luật trong quá trình xử lý vụ án

Thứ Sáu, 18/05/2018 | 17:03

Bài 1: Những vướng mắc khi chấp hành pháp luật trong xử lý vụ án

Bài 2: Hoàn thiện pháp luật để tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm

Trong đợt giám sát do HĐND tỉnh thực hiện hồi giữa cuối tháng 4/2018 liên quan đến việc chấp hành pháp luật trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tư pháp, vấn đề các đại biểu dân cử quan tâm nhất chính là việc áp dụng pháp luật của những người tiến hành tố tụng, của các cơ quan tiến hành tố tụng. Qua đó để hoạt động tư pháp thật sự là cán cân công lý, là nơi mà người dân đặt niềm tin vào. Những vấn đề như án oan sai, hay bao che cho hành vi tội phạm càng phải bị loại bỏ.

HĐND tỉnh giám sát việc chấp hành pháp luật trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tư pháp huyện Hồng Dân.

Một phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp. Ảnh: K.P

Giới hạn của công bằng

Trong báo cáo gần đây nhất của ngành Công an liên quan đến vấn đề xử lý các tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, án tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra, nhiều tin báo tố giác tội phạm quá thời hạn giải quyết, hoặc không thể xử lý được. Trong đó, chỉ riêng Công an tỉnh có đến 737 vụ, 157 bị can, chiếm 32,53% số vụ án bị tạm đình chỉ điều tra, không ít trong số đó là những vụ việc “không có lối thoát”.

Nguyên nhân để tạm đình chỉ điều tra cũng nhiều, nhưng không loại trừ việc không thể điều tra ra, án mờ, hành vi phạm tội quá tinh vi hay bởi chính khả năng, trình độ điều tra phá án còn hạn chế, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Tương tự như vậy, ở giai đoạn kiểm sát, xét xử, việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung bị lạm dụng. Theo báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh, trong 3 năm (từ 2015 - 2017), số vụ án tòa án trả hồ sơ để VKSND điều tra bổ sung khá nhiều nhưng số vụ tòa án trả đúng chiếm tỷ lệ thấp (chỉ 27,5% trên tổng số vụ trả hồ sơ). Điều này không chỉ gây khó khăn cho hoạt động kiểm sát, mà vô hình trung nó còn gây ảnh hưởng đến những người trực tiếp bị ảnh hưởng từ quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung như bị hại, bị cáo, các đương sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan…

Không những vậy, đối với những trường hợp trên, niềm tin của người dân với các cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Bởi thời gian điều tra phá án quá dài, nhiều vụ việc rơi vào im lặng, hay quá trình thụ lý án giải quyết quá lâu, nhiều đương sự bức xúc, thậm chí có những suy nghĩ, hành động không hay, ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền, tinh thần thượng tôn pháp luật bị suy giảm.

Điều đáng quan tâm nhất vẫn là chất lượng của bản án, tỷ lệ án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán. Song, chất lượng của bản án không chỉ phụ thuộc vào quá trình xét xử tại phiên tòa mà nó còn bị ảnh hưởng không nhỏ bởi các giai đoạn tố tụng trước đó, chẳng hạn như giai đoạn điều tra, truy tố. Mặc dù hiện nay, qua kiểm sát không phát hiện trường hợp đình chỉ bị can vì không phạm tội ở các giai đoạn điều tra, truy tố, nhưng không đồng nghĩa với việc tất cả các trường hợp tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ giải quyết án đều chính xác.

Bản án oan sai do nhận thức 

Bị cáo Huỳnh Văn Ngoan đánh bạc với các bị cáo khác bị bắt quả tang. Qua điều tra, cơ quan điều tra chứng minh các bị cáo sử dụng số tiền đánh bạc là 4.413.000 đồng. Trước đó, vào năm 2006, bị cáo Ngoan bị xử phạt 9 tháng tù về tội đánh bạc, đã chấp hành xong hình phạt vào ngày 22/3/2007.

Theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017, thì trường hợp bị cáo Ngoan đương nhiên được xóa án tích. Vì vậy, khi bị cáo tham gia đánh bạc năm 2017 được coi là không có án tích nhưng Tòa án nhân dân (TAND) huyện Đông Hải nhận thức cho rằng bị cáo có tiền án, xử phạt 9 tháng tù giam. Bị cáo có kháng cáo và VKSND kháng nghị. Xét thấy hành vi đánh bạc của Ngoan với số tiền vi phạm dưới 5 triệu đồng, theo quy định tại khoản 1, Điều 131 của BLHS năm 2015 thì chưa đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Huỳnh Văn Ngoan, TAND tỉnh đã tuyên bố Huỳnh Văn Ngoan không phạm tội, đình chỉ vụ án. TAND Tối cao xác định, việc tuyên bố Ngoan không phạm tội, đình chỉ vụ án là có căn cứ và đúng quy định của pháp luật.

Việc các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện nhận thức khác nhau về quá trình khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử đối với trường hợp của Huỳnh Văn Ngoan xuất phát từ nhận thức về các quy định pháp luật giữa BLHS cũ và BLHS mới. Điều này cũng thể hiện một phần trình độ, năng lực của những người tiến hành tố tụng - một trong những hạn chế được xem là nan giải nhất trong quá trình cải cách tư pháp.

Những giải pháp cấp thiết

Trong điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều mâu thuẫn trong đời sống nhân dân. Chỉ tính án thụ lý đã lên hơn 14.000 vụ, trong khi điều kiện nhân lực, vật lực vẫn còn hạn chế. Những giải pháp cấp thiết được đề xuất cũng nhằm hướng tới một mục tiêu này: tránh oan sai, không để bỏ lọt tội phạm.

Ở cấp độ phòng chống tội phạm, cần tăng cường công tác phối hợp với các cấp, các ngành, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm. Thường xuyên mở các cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm và các chuyên đề đấu tranh phòng chống tội phạm. Tăng cường cơ sở vật chất, trang bị công cụ, phương tiện và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, quản lý giam giữ và thống kê báo cáo. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng lực lượng công an chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Bên cạnh đó, cần nâng cao  ý thức, trách nhiệm của cán bộ tư pháp trong thực hiện nhiệm vụ. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong giải quyết án, giải quyết các vụ việc, kịp thời phối hợp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức mới, kỹ năng nghiệp vụ cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán thông qua việc cử tham dự các hội nghị tập huấn, tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm; tổ chức hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm để cán bộ tư pháp nâng cao hơn trình độ trong vận dụng, áp dụng pháp luật.

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.