Che giấu người phạm tội cũng là tội phạm
Trong vụ án mà bị cáo Ngô Việt Em bị truy tố về tội Giết người, có đến 6 bị cáo bị truy tố ra Tòa về cùng một tội danh “Che giấu tội phạm”. Nhiều bị cáo trước tòa vẫn cho rằng, hành động của bản thân là không vi phạm pháp luật.
Phiên tòa xét xử bị cáo Ngô Việt Em phạm tội Giết người và 6 bị cáo phạm tội Che giấu tội phạm. Ảnh: K.K
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bạc Liêu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Thọ, Lê Phong, Võ Kim Long, Nguyễn Thái Nghiêm, Nguyễn Nguyệt Anh và Lê Hoàng Khải cùng về tội “Che giấu tội phạm” quy định tại khoản 1 Điều 389 Bộ luật Hình sự.
Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Ngô Việt Em sau khi gây án, mang theo hung khí bỏ trốn xuống TX. Giá Rai gặp Lê Phong và được Phong đưa đi uống bia. Phong điện thoại cho Nguyễn Thái Nghiêm và Võ Kim Long đến quán uống cùng. Tại đây, Ngô Việt Em kể cho Nghiêm, Phong và Long nghe việc mình đã đâm nạn nhân (là bị hại trong vụ án giết người mà bị cáo Việt Em bị truy tố, xét xử). Bị cáo kêu Nghiêm lấy quần áo khác trong xe môtô cho bị cáo thay.
Cũng trong thời gian này, vợ và con rể của Việt Em là Nguyễn Nguyệt Anh và Lê Hoàng Khải đã bàn bạc thống nhất đưa Việt Em đến TP. Cần Thơ trốn tránh sự truy bắt của lực lượng Công an để gia đình sắp xếp, thỏa thuận với gia đình bị hại. Khải điện thoại cho Nguyễn Văn Thọ xuống Bạc Liêu chở Việt Em lên TP. Cần Thơ trong đêm. Trước khi Việt Em đi, Phong cho Việt Em 3 triệu đồng; Long cho Việt Em 2 triệu đồng; Nghiêm cất xe cho Việt Em. Thọ khi về đến Cần Thơ đã thuê phòng nghỉ cho Việt Em cho đến ngày bị bắt.
Trong vụ án này, bên cạnh bị hại chính của vụ án thì có đến 6 bị cáo cùng phạm vào tội Che giấu tội phạm, mà không ít bị cáo, hành vi phạm tội đơn giản đến mức, các bị cáo không tin mình trở thành bị cáo. Như trường hợp của Phong, Long và Nghiêm, chỉ đi nhậu cùng với Việt Em, lấy cho Việt Em 1 bộ quần áo mới và cho bị cáo ít tiền tiêu (mà theo Phong, Long là tình nghĩa anh em). Hay như đối với Thọ, việc Thọ rước Việt Em về TP. Cần Thơ là theo yêu cầu của Lê Hoàng Khải và Nguyễn Nguyệt Anh. Các việc Thọ thực hiện như thuê phòng khách sạn cho Việt Em và cho tiền Việt Em sử dụng trong thời gian lẩn trốn đều theo yêu cầu của vợ và con của bị cáo Việt Em, nên Thọ cũng không cho rằng mình phạm tội.
Tuy nhiên, luật pháp có quy định rất rõ ràng đối với tội Che giấu tội phạm. Theo đó, người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật Hình sự quy định.
Như vậy, dù chỉ được thuê để thực hiện việc đưa bị cáo Ngô Việt Em về Cần Thơ, nhưng Nguyễn Văn Thọ biết rõ Ngô Việt Em thực hiện hành vi phạm tội mà vẫn chấp nhận chở Việt Em đi thì đã cấu thành tội phạm. Tương tự, đối với Lê Phong, Võ Kim Long và Nguyễn Thái Nghiêm, sau khi biết Ngô Việt Em thực hiện hành vi phạm tội và sẽ bỏ trốn, Phong và Long đã cho Việt Em tiền, còn Nghiêm giúp lấy quần áo cho Việt Em thay và nhận gửi xe giúp Việt Em, tạo điều kiện cho Việt Em bỏ trốn. Dù việc giúp đỡ chỉ rất đơn giản, nhưng hành vi đó vẫn là vi phạm và bị pháp luật hình sự điều chỉnh. Đây thật sự không chỉ là bài học cho các bị cáo mà còn là bài học cho rất nhiều người khác, đừng vì thiếu hiểu biết mà tự chuốc họa vào thân.
KIM KIM
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024
- Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử 3 tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau