“Cơn lốc” tín dụng đen hoành hành - ​Bài 2: Xử lý pháp luật đối với tín dụng đen - Bài toán khó

Thứ Tư, 12/09/2018 | 16:45

Trong cuộc sống, đôi lúc con người gặp khó khăn, thậm chí bị rơi vào vòng xoáy nợ nần. Nếu không sáng suốt, đâm đầu vào những nơi cho vay nặng lãi, những tổ chức tín dụng đen, không sớm thì muộn đều sẽ dẫn đến bế tắc.

Những chân rết của các loại hình cho vay theo kiểu nặng lãi, tín dụng đen ngày càng nhiều. Nó len lỏi vào từng ngõ ngách, từ thành thị đến nông thôn. Song, để ngăn chặn, xử lý thì không phải đơn giản, mà hệ lụy thì rất khó lường, nhất là với gia đình, xã hội.

Bài 1: Cho vay nặng lãi núp bóng tín dụng

Bài 2: Xử lý pháp luật đối với tín dụng đen - Bài toán khó

Nhiều người, nhiều gia đình khi vướng vào vòng xoáy “vay - nợ” trở nên lụn bại, rơi vào cảnh nghèo túng. Bài toán này nếu không nhanh chóng có lời giải sẽ ngày càng có nhiều hộ nghèo, phát sinh nhiều tệ nạn mà xã hội phải tiếp tục gánh vác.

Phiên tòa xử một vụ đòi nợ trái pháp luật. Ảnh: K.P

Hệ lụy đa chiều

Nhiều con nợ cho đến khi mất tài sản vào tay các đối tượng cho vay kiểu tín dụng đen mới ngỡ ngàng nhận ra, bản thân mình đã nghĩ quá đơn giản. Vì cần tiền gấp, để nhận nhanh khoản tiền vay, nhiều người “nhắm mắt” ký vào các loại giấy tờ sang bán, chuyển nhượng bất động sản. Đến khi lãi chồng lãi, nợ trả không nổi thì tài sản cũng mất mà không thể kêu ai, bởi việc mua bán, ký giấy tờ đều đúng quy định pháp luật. Còn tiền vay, lãi suất cắt cổ thì phải đóng bên ngoài, không đối chứng, nếu đi thưa mà bên cho vay phủ nhận thì cũng không thể làm gì được.

Việc thắt chặt cho vay từ các hệ thống tín dụng do Nhà nước quản lý cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tín dụng đen hoành hành. Do thủ tục hồ sơ vay tiền khó khăn dẫn đến nhiều người khó tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất theo quy định của Nhà nước, nhất là những trường hợp bị liệt vào dạng có nợ xấu, nợ quá hạn. Từ đó, tạo điều kiện cho loại hình cho vay ngoài nhà nước dễ dàng hoạt động, vươn cao vòi bạch tuộc.

Khi chị O. bể nợ hơn chục tỷ đồng, nhiều người ở TP. Bạc Liêu ngỡ ngàng vì trước đó vợ chồng chị khá giả, gia cảnh bề thế. Do lãi suất mà những đối tượng huy động vốn đưa ra quá cao (30%/tháng - đưa 100 triệu đồng, thu lãi 30 triệu đồng/tháng) nên ban đầu, chị O. cũng đưa vài trăm triệu để lấy lãi. Sau đó, thấy tiền lời quá nhiều, lóa mắt, vợ chồng chị gom góp hết tiền nhà, rồi vay thêm tiền của người thân, người quen để đưa cho vay lại với lãi suất cao. Sau đó, bọn lừa đảo cao chạy xa bay, nhưng nợ mà vợ chồng chị O. vay của những người thân, người quen thì không thể giật. Vậy là chị O. phải bán hết nhà cửa, đất đai để trả, mà vẫn chưa hết nợ.

Tương tự như vụ án mà các cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý liên quan đến việc dùng sổ đỏ giả để mua bán đất đai. Các đối tượng Tăng Hoàng Mai, Cao Phan Thuận Hòa có thể lừa đảo trót lọt nhiều vụ mua bán qua giấy tờ đều cũng nhắm vào các bị hại là những người chuyên cho vay, cầm cố với lãi suất cao. Từ việc thấy nắm đằng cán (vay tiền dưới hình thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất), nhiều người buông lỏng cảnh giác và bị lừa.

Đáng tiếc hơn, trường hợp của chủ nợ Nguyễn Văn Ph. (đã bị xử phạt 3 năm tù về tội cướp tài sản) là một ví dụ điển hình cho sự bức xúc cũng như nôn nóng để đòi được nợ, dẫn đến bản thân phải dính líu đến pháp luật. Vẫn biết nợ thì phải đòi, nhưng hình thức đòi như thế nào để không trái với quy định pháp luật, chớ đòi theo kiểu “xã hội đen”, chặn xe uy hiếp lấy tiền của con nợ, vô hình trung lại trở thành tội phạm.

Những trường hợp trên đây như mặt trái của vấn đề cho vay theo kiểu ngoài xã hội, thiếu sự quản lý của Nhà nước và pháp luật. Không chỉ người vay khốn đốn, không ít người cho vay cũng thập phần đau khổ.

LÁCH... luật

Điều 468, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Đây là quy định mới nhất về lãi suất thỏa thuận trong hệ thống pháp luật Việt Nam, vừa thể hiện tính linh hoạt theo cơ chế lãi suất thị trường, vừa khẳng định rõ được vai trò quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, đa phần bên cho vay và bên vay theo hình thức tín dụng đen đều thỏa thuận miệng với nhau, và lãi suất, giấy tờ chỉ ghi khoản nợ vay mà thôi. Do đó, mức lãi suất dù cao ngất ngưởng, vượt hàng chục, thậm chí vài chục lần so với quy định lãi suất của ngân hàng thì vẫn không thể xử lý được.

Đối với hành vi cho vay nặng lãi, tùy theo tính chất và mức độ của hành vi cho vay lãi nặng mà người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đó là quy định pháp luật, nhưng kỳ thực, để vận dụng vào thực tế cuộc sống, muốn xử lý một đối tượng, một tổ chức - tuy biết rõ đó là cho vay nặng lãi, lại không hề đơn giản.

Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định xử lý hình sự hành vi cho vay nặng lãi, theo đó: “Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ 1 đến 10 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm. Nếu có thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. Để xác định được “tính chất chuyên bóc lột” là một vấn đề vô cùng khó khăn. Do quy định như vậy cho nên một thời gian dài, nhiều trường hợp cho vay nặng lãi vẫn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có những quy định cụ thể hơn về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Tại Điều 201 của luật, pháp luật hình sự chỉ chế tài những trường hợp cho vay với lãi suất từ 100%/năm trở lên (5 lần x 20%), khi đó mới bị liệt vào dạng cho vay nặng lãi. Song, điều này vẫn chưa phù hợp với thực tiễn vì có nhiều trường hợp các tổ chức, cá nhân tín dụng đen lợi dụng điều kiện này cho vay với mức lãi suất thấp hơn một ít mức quy định của Bộ luật Hình sự để không bị chế tài hình sự (nhưng mức lãi suất vẫn là “cắt cổ”).

Hiện nay, song song với việc các hình thức vay theo kiểu tín dụng đen ngày càng gia tăng, các đối tượng cho vay nặng lãi manh động, côn đồ, hung hãn khi đi đòi nợ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ ẩu đả, cướp tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, do tâm lý sợ hãi nên thông thường các bị hại không dám đứng ra tố cáo các đối tượng này.

Thiết nghĩ, các cơ quan pháp luật cần siết chặt quản lý các loại hình tín dụng, có nhiều biện pháp phù hợp nhằm kịp thời ngăn ngừa, phát hiện các loại tội phạm liên quan tín dụng đen. Bên cạnh đó, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, cẩn thận lựa chọn tổ chức tín dụng để vay, tránh những hậu quả khôn lường, thảm cảnh xảy ra.

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.