Công tác pháp chế: Còn lắm bộn bề

Thứ Sáu, 06/09/2019 | 18:19

Một lý do khiến công tác pháp chế của Bạc Liêu không mạnh, dẫn đến hiệu quả hoạt động theo quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chính là vì tỉnh không bố trí được cán bộ pháp chế chuyên trách. Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đều không thành lập được phòng pháp chế, không có cán bộ pháp chế chuyên trách.

Bà Bùi Thanh Nguyên, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Sở LĐ-TB&XH.

Công tác pháp chế chưa được chú trọng

Trước hết cần phải hiểu rằng, pháp chế là chế độ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý đời sống xã hội theo pháp luật và bằng pháp luật. Công tác pháp chế được hiểu là hoạt động của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong xã hội thực hiện một hoặc nhiều công việc cụ thể nhằm thực thi pháp luật, đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Pháp chế, công tác pháp chế có vị trí, vai trò, chức năng vô cùng quan trọng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.

Nghị định 55/2011/CP-NĐ quy định chức năng, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế từ Trung ương đến địa phương. Trong đó quy định rõ, ở cấp tỉnh, căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định việc thành lập Phòng Pháp chế hoặc quyết định việc bố trí công chức pháp chế chuyên trách ở các cơ quan chuyên môn theo đặc thù riêng của từng địa phương và ở các cơ quan chuyên môn theo quy định. Phòng Pháp chế, công chức pháp chế chuyên trách ở các cơ quan chuyên môn chịu sự quản lý, kiểm tra về công tác pháp chế của Sở Tư pháp và chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế của Vụ Pháp chế thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Quy định là thế, nhưng nhiều năm nay, Bạc Liêu không tổ chức thực hiện được. Lý do khách quan chủ yếu do biên chế. Bộ Nội vụ chưa bổ sung biên chế làm công tác pháp chế, nên đến nay các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh vẫn chưa thể thành lập Phòng Pháp chế hoặc bố trí công chức pháp chế chuyên trách. Để thực hiện nhiệm vụ pháp chế theo quy định, các sở đã phân công cán bộ, công chức kiêm nhiệm công tác này, chủ yếu phân công cho cán bộ, công chức thuộc Phòng Thanh tra hoặc Văn phòng phụ trách. Đối với 2 doanh nghiệp nhà nước do UBND tỉnh quản lý, cũng chưa bố trí được phòng pháp chế mà chỉ cử cán bộ là lãnh đạo doanh nghiệp quản lý kiêm nhiệm công tác pháp chế.

Tập huấn triển khai văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp tại Sở TN-MT. Ảnh: K.P

Cán bộ pháp chế - vừa thiếu vừa yếu

Ở cấp tỉnh, công tác pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh bao gồm các hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; công tác kiểm tra, tự kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác theo dõi thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật; công tác bồi thường nhà nước; công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp. Với hàng loạt hoạt động như thế, nhưng trên thực tế, chỉ có cán bộ kiêm nhiệm được phân công phụ trách thêm. Nói phụ trách thêm cũng đồng nghĩa với việc, sau khi làm hết trách nhiệm với công tác chuyên môn của mình thì họ mới tính đến công tác pháp chế.

Ngoài việc tham mưu cho lãnh đạo đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đầu mối giúp thủ trưởng cơ quan chuyên môn chuẩn bị các kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc ban hành, sửa đổi, bổ sung văn bản…, cán bộ làm công tác pháp chế địa phương còn đảm nhiệm hàng loạt công tác như đã nêu trên. Như vậy có thể thấy rằng, các đầu mối công việc rất nhiều, dường như kiểm soát toàn bộ sự vận hành của hệ thống các cơ quan Nhà nước tại địa phương thông qua hoạt động pháp chế, song hiện tại, đội ngũ làm công tác pháp chế lại hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, đa phần chế độ lương, thưởng được hưởng từ công việc khác chứ không phải từ công tác pháp chế. Do đó, không khuyến khích được hiệu quả hoạt động, nhất là khi không ít lãnh đạo trong đơn vị thiếu quan tâm, không sâu sát. Công chức pháp chế tại một số sở còn thường xuyên có sự thay đổi vị trí công tác, điều động giữ vị trí khác, gắn cho người mới công việc pháp chế một cách vội vàng, thậm chí có khi không có kinh nghiệm gì trong các lĩnh vực pháp luật. Có không ít đơn vị còn không bố trí được cán bộ pháp chế kiêm nhiệm. Do vậy chất lượng, hiệu quả công tác pháp chế gần như rất thấp. Nhận thức của lãnh đạo ở một số sở, ngành, doanh nghiệp về công tác pháp chế chưa thật sâu sắc nên chưa quan tâm đúng mức đến việc tổ chức thực hiện công tác pháp chế hoặc thực hiện còn mang tính hình thức, thiếu hiệu quả.

Cần quan tâm đến chất lượng

Bà Lâm Thị Sang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trong lần làm việc với đoàn giám sát của HĐND tỉnh về tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khi nói đến tình trạng cán bộ pháp chế của tỉnh, đã thừa nhận những hạn chế, yếu kém của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh từ nhiều năm nay. Lý do là áp lực về khối lượng công việc, về biên chế. Tỉnh cũng đã nhận thấy thực trạng trên gây ra nhiều hạn chế đến hoạt động pháp chế, cần sớm được khắc phục. UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành phải bố trí cán bộ làm công tác pháp chế, tuy trước mắt vẫn hoạt động kiêm nhiệm, nhưng phải lựa chọn người am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm liên quan đến các lĩnh vực pháp luật chứ không bố trí và giao trách nhiệm không đúng người, bố trí theo kiểu hình thức.

Các sở, ngành cũng cần chủ động kiện toàn tổ chức pháp chế của cơ quan, đơn vị mình trong điều kiện không tăng thêm biên chế, quy định rõ chức năng nhiệm vụ pháp chế cho một phòng chuyên môn trong các sở, ngành để đảm nhiệm công tác pháp chế. Quan tâm bố trí, tạo điều kiện để cán bộ pháp chế được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, tham mưu có chất lượng, hiệu quả công tác pháp chế. Hướng đến việc tập huấn theo kiểu “cầm tay chỉ việc” để những cán bộ pháp chế - được gọi là “người gác cổng pháp lý” cho từng cơ quan, đơn vị phải thật sự làm tốt nhiệm vụ của mình.

Công tác quản lý nhà nước phải tuân theo pháp luật, lấy pháp luật làm nền tảng. Yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ pháp chế không chỉ phải am hiểu sâu về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức để đủ sức tham mưu cho lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Thiết nghĩ đã đến lúc cần quan tâm đến không chỉ số lượng mà cả chất lượng của đội ngũ cán bộ pháp chế, đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ để đội ngũ cán bộ pháp chế thật sự trở thành bộ phận tham mưu, giúp thủ trưởng cơ quan về mặt pháp luật.

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.