Câu chuyện tòa án

Đền tội sau 40 năm phạm tội giết người

Thứ Sáu, 23/09/2022 | 16:08

Thời điểm gây án, bị cáo 20 tuổi. Bỏ trốn, thay tên đổi họ, đi biệt xứ hòng tránh sự trừng phạt của pháp luật. 40 năm sau, khi đã bước qua tuổi 60, bị cáo bị bắt bởi lệnh truy nã vẫn còn hiệu lực. Mới thấy, lưới trời lồng lộng nhưng đâu dễ thoát.

Ngày 14/9/2022, TAND tỉnh Bạc Liêu đưa vụ án Giết người của bị cáo Trang Hữu Hạnh ra xét xử sơ thẩm. Có lẽ, bị cáo Hạnh không ngờ rằng, thời gian đã qua rất lâu, nhưng cuối cùng bị cáo vẫn phải đền tội cho hành vi ngông cuồng, coi thường pháp luật của mình ngày còn trẻ.

Một phiên tòa hình sự tại TAND tỉnh. Ảnh: K.P

VỤ ÁN MẠNG NĂM XƯA

Ngày 30/10/1982, tại khu vực chợ Nhà lồng thuộc Phường 3, TX. Bạc Liêu, tỉnh Minh Hải (nay là Phường 3, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), xuất phát từ việc dọn dẹp, vệ sinh mà xảy ra mâu thuẫn giữa gia đình bà Ngô Thị Mỹ Dung với gia đình ông Trương Phước Thành. Trong lúc hai bên cự cãi nhau thì Trang Hữu Hạnh (con bà Dung) đi nhậu về. Hạnh thấy mẹ và hai em (Trang Hữu Phúc và Trang Hữu Thành) chửi nhau với bên gia đình của ông Trương Phước Thành, Hạnh cùng tham gia. Phía ông Trương Phước Thành dùng một đoạn cây đánh trúng vào người Hạnh, Hạnh giật cây và đánh lại. Trong lúc cãi và đánh nhau, em của Hạnh là Trang Hữu Thành lấy một con dao ở sạp của bà Dung đưa cho Hạnh; Hạnh lấy con dao chạy đến chỗ ông Trương Phước Thành đâm liên tiếp nhiều nhát vào ngực, bụng làm ông Thành ngã gục xuống. Chưa dừng lại đó, khi thấy Trương Văn Hưng (em ông Trương Phước Thành) chạy đến chỗ ông Trương Phước Thành, Hạnh còn dùng dao đâm hai nhát vào người Hưng.

Sau khi nghe truy hô có công an tới, 2 đối tượng Hạnh và Phúc rời khỏi hiện trường bằng đò ngang sông Bạc Liêu - Cà Mau về nhà rồi bỏ trốn lên huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long). Trương Phước Thành và Trương Văn Hưng được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu cấp cứu. Ông Thành tử vong, ông Hưng bị thương được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu.

TRỐN TRUY NÃ SUỐT 40 NĂM

Để tránh sự truy bắt của cơ quan chức năng, Hạnh đến huyện Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) sống cùng với người bà con xa. Tại đây, Hạnh thay đổi họ và chữ lót thành Nguyễn Trường Hạnh rồi xin vào làm việc tại Công ty vật tư tổng hợp huyện Vị Thanh. Tháng 5/1985, Hạnh nhập ngũ đi bộ đội ở quân trường Sóc Trăng. Ngày 9/9/1985, Hạnh bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Minh Hải bắt. 3 năm sau, ngày 15/10/1988 Trang Hữu Hạnh tiếp tục bỏ trốn khi đang bị tạm giam. 33 năm sau đó, ngày 6/7/2021, Hạnh bị Công an Quận 7 (TP. Hồ Chí Minh) bắt truy nã và bàn giao về địa phương.

Tính mạng của con người là vốn quý của xã hội, luôn được pháp luật bảo hộ, không ai được phép xâm phạm trái phép đến tính mạng, sức khỏe của người khác dưới bất kỳ hình thức nào. Bị cáo có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, nhưng với bản tính hung hăng, xem thường pháp luật mà bị cáo đã bất chấp thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp. Khi bị bắt truy nã vào năm 1985, không ăn năn hối cải, mà mong muốn thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật, bị cáo tiếp tục trốn khỏi nơi giam giữ; tận dụng mọi phương thức để thay tên đổi họ nhằm trốn tránh hình phạt pháp luật.

Hành vi của bị cáo không những gây nguy hiểm cho xã hội mà còn làm ảnh hưởng đến trật tự trị an tại địa phương, gây tâm lý hoang mang cho quần chúng nhân dân xung quanh. Do đó, Hội đồng xét sử nhận định, vẫn cần phải xử lý nghiêm bị cáo theo tội danh và hình phạt mà điều luật đã quy định đối với tội Giết người mới đủ sức răn đe, giáo dục ý thức tuân theo pháp luật của bị cáo, cũng như có tác dụng đấu tranh phòng, chống tội phạm. Cho dù 40 năm qua, bị cáo không hề phạm tội  khác, sống và làm việc có trách nhiệm, thậm chí được khen thưởng vì có thành tích trong lao động; nếu chấp hành án thì đến nay bị cáo cũng đã chấp hành xong từ lâu…

KIM PHƯỢNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.