Đòi nợ không đúng cách, coi chừng phạm tội

Thứ Tư, 15/08/2018 | 16:41

Thiếu nợ phải trả, không trả thì bị chủ nợ đòi - điều này pháp luật cho phép. Nhưng đòi bằng phương cách nào để không trái pháp luật lại là điều không phải ai cũng nhận thức rõ. Do vậy, không ít trường hợp, do con nợ cố tình muốn “quỵt” khiến nhiều khổ chủ (chủ nợ) không kiềm chế được đã xông vô nhà “xiết” đồ đạc, uy hiếp, đánh người… hòng lấy lại tiền. Tuy nhiên, những hành động này đều vi phạm pháp luật, và không ít chủ nợ phải vướng vòng lao lý.

Phiên tòa xử bị cáo Nguyễn Văn Phèn tại TAND huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: K.P

Ở những vụ án kiểu này, thông thường người được thông cảm là các chủ nợ. Đơn giản thôi, bởi họ chính là người gánh chịu thiệt hại bởi hành vi của các con nợ. “Của đau, con xót” khi thấy con nợ có khả năng mà không trả, hoặc cố tình né tránh nghĩa vụ, chủ nợ đã dùng nhiều cách để đòi, trong khi pháp luật lại quy định, nợ thuộc phạm trù dân sự, nếu có tranh chấp, giải quyết không được thì khởi kiện ra tòa. Thế nhưng, tình trạng có bản án dân sự, nhưng không thi hành án được do con nợ đã tẩu tán hết tài sản, do quy trình xử lý tài sản thi hành án vô cùng khó khăn đã khiến không ít chủ nợ không thiết tha gì với cách chọn con đường khởi kiện ra tòa.

Chị C. - một người chuyên sống bằng nghề cho vay ở TP. Bạc Liêu cho biết, đòi nợ theo kiểu ngoài xã hội, đôi khi phải chi tiền cho bên đòi nợ thuê, nhưng chị vẫn làm. Còn khởi kiện ra tòa, rồi chờ xét xử, có án rồi lại chờ thi hành án, có tài sản thì chờ đấu giá, không có tài sản thì chờ chừng nào đương sự có tài sản mới xử lý. Có khi chờ dài cả cổ, không những chẳng đòi được nợ mà còn phải tốn nhiều loại phí, mất thời gian đi lại… Không phải chủ nợ không nhận thức được, nhưng vì trong những vụ việc áp dụng đúng pháp luật, hiệu quả lại không cao. Hơn nữa, rất nhiều đối tượng cố tình “quỵt” nợ, hiểu luật, biết lách luật, lợi dụng những kẽ hở của pháp luật, dẫn tới việc chủ nợ bị thiệt thòi nhiều nên họ rất bức xúc.

Câu chuyện của chủ nợ Nguyễn Văn Phèn vừa bị TAND huyện Vĩnh Lợi xử phạt 3 năm tù về tội Cướp tài sản là một ví dụ điển hình cho sự bức xúc cũng như nôn nóng để đòi được nợ, dẫn đến bản thân phải dính líu đến pháp luật. Nguyễn Văn Phèn và Nguyễn Chí Lành có quan hệ mua bán lúa gạo với nhau. Lành nợ Phèn 200 triệu đồng nhưng không trả. Biết Lành nhờ cha mẹ bán đất, có tiền nên Phèn đã có hành vi theo dõi, chặn đường và tự mình lấy tiền từ trong cốp xe của cha mẹ Lành để trừ nợ. Từ đầu đến cuối phiên tòa, bị cáo Phèn vẫn khẳng định, bản thân không hề có ý định cướp tài sản mà chỉ nghĩ rằng, lấy số tiền hơn 130 triệu đồng từ cha mẹ Lành là để trừ khoản nợ 200 triệu đồng Lành đã không thanh toán.

Trong vụ án này, không chỉ bị cáo Phèn mà nhiều người khác nữa vẫn còn những ý kiến khác nhau xoay quanh việc: vì sao hành vi lấy tiền trừ nợ lại trở thành tội phạm? Đây là một vấn đề khá phức tạp, giữa những quy định của pháp luật (đã được đặt để sẵn) và những xử sự ngoài xã hội. Có những quy định, nguyên tắc ngoài xã hội được “luật hóa”, đương nhiên trở thành pháp luật. Có những quy tắc, xử sự, pháp luật không điều chỉnh, không cấm, người dân vẫn được quyền áp dụng. Và có những hành vi, ngoài xã hội, trong dân gian vẫn được xem là bình thường, được chấp nhận, nhưng nó vi phạm pháp luật. Kiểu như lấy tiền trừ nợ trong trường hợp của Nguyễn Văn Phèn, vấn đề ở đây là cách lấy tiền như thế nào để đúng pháp luật. Và pháp luật cũng nên điều chỉnh theo hướng, làm sao khi người dân tuân thủ thì được bảo đảm tốt hơn các quyền lợi của mình.

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.