Đối thoại trong giải quyết khiếu nại, tố cáo: Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Thứ Hai, 15/10/2018 | 14:36

>> Bài 2: Sự vận dụng khéo léo của chính quyền cơ sở

Bài cuối: Để đối thoại trở thành biện pháp hiệu quả trong giải quyết khiếu nại tố cáo

Việc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với công dân cho thấy mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân gắn bó mật thiết hơn, chính quyền cơ sở nắm bắt được tư tưởng, nguyện vọng của nhân dân, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy cao hơn, niềm tin của dân đối với Đảng vững vàng hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung (người đứng - bìa phải) trao đổi với công dân sau đối thoại. Ảnh: N.Hồ

Một vụ việc nhiều ấn tượng

Có những vụ khiếu nại kéo dài gần 20 năm, có bản án của tòa nhưng các bên đương sự vẫn không chấp nhận thi hành bản án. Có thể kể ra như vụ tranh chấp mương thoát nước giữa bà Lê Thị Nở với ông Nguyễn Văn Tốt (xã Phong Thạnh, TX. Giá Rai). Mặc dù bản án có hiệu lực pháp luật của TAND từ năm 1999, thế nhưng cho mãi đến trước năm 2018, hai bên vẫn không chấp hành xong bản án. Tòa án giao cho hai bên, mỗi bên sử dụng nửa con mương thoát nước có bề ngang 2m. Do không đồng ý bản án, ông Tốt và gia đình cản trở không cho bà Nở thực hiện quyền sử dụng đầy đủ đối với diện tích con mương thoát nước. Năm 2014, bà Nở muốn làm cống thoát nước, bắt cầu dài 2m đi vào vuông thì vấp phải sự phản ứng gay gắt của gia đình ông Tốt. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi bên ông Tốt cắm trụ đá, cho người rào dây chì gai xung quanh khu vực này.

Nhận thấy vụ việc có chiều hướng xấu, TX. Giá Rai xin ý kiến Ban chỉ đạo giải quyết KN-TC của tỉnh, đích thân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao Ban Nội chính Tỉnh ủy cùng tham gia hỗ trợ cấp thị xã. Đồng chí Trần Tuấn Kiệt - Phó trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy đã trực tiếp xuống tận nơi tranh chấp, cùng chính quyền địa phương đối thoại với bà Nở và ông Tốt. Qua đối thoại, phát hiện vụ việc tuy gay gắt nhưng không phải quá phức tạp. Lên phương án cụ thể, phối hợp giữa Đảng ủy, chính quyền xã Phong Thạnh, UBND TX. Giá Rai, đồng chí Trần Tuấn Kiệt đã chủ động mời một cán bộ hưu trí (là người rất có uy tín với gia đình ông Tốt) cùng tham gia vận động, thuyết phục đối thoại. Thật bất ngờ, chỉ qua đối thoại và tác động bằng tình cảm, vụ việc kéo dài hơn 17 năm lại kết thúc nhẹ nhàng.

Sự kiên quyết vào cuộc của cấp ủy

Để tham gia giải quyết đến nơi đến chốn các yêu cầu KN-TC của công dân, nhất là đối với các vụ việc bức xúc, kéo dài, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban chỉ đạo giải quyết yêu cầu khiếu nại của công dân do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo. Tất cả những vụ việc KN-TC phức tạp, bức xúc, kéo dài đều phải được báo cáo đến Ban chỉ đạo, cứ 3 tháng sẽ họp để giải quyết một lần. Ở giữa thời gian đó, tỉnh thành lập các tổ công tác liên ngành rà soát, kiểm tra các vụ việc tồn đọng. Trong từng vụ việc rà soát, kiểm tra, hầu hết tổ công tác đều tiến hành đối thoại với dân. Lấy đối thoại làm “kim chỉ nam”, cùng với người dân ngồi lại, lắng nghe nguyện vọng của dân, cùng với các bên có liên quan trên tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn để giải quyết. Đối thoại một lần chưa thông thì tổ chức đối thoại lần 2; cấp này, ngành này đối thoại chưa xuôi thì cấp trên, lãnh đạo cao hơn, tìm người có uy tín hoặc có ảnh hưởng trực tiếp với công dân để đối thoại lại.

Tại các cuộc đối thoại với dân do trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy tham dự, đồng chí Bí thư đã nghiêm túc chỉ ra nhiều hạn chế trong công tác giải quyết KN-TC. Trong đó có nguyên nhân do cán bộ tham mưu giải quyết các vụ việc từng lúc, từng nơi đã vận dụng thực hiện thiếu căn cứ, chưa đúng theo quy định của pháp luật. Không chỉ yêu cầu rút kinh nghiệm nghiêm túc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy còn yêu cầu khi giải quyết các vụ việc khiếu nại của công dân phải chú trọng giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở và đúng theo quy định của pháp luật, không được vận dụng sai pháp luật nhằm tránh phát sinh khiếu kiện. Đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm khi để cán bộ dưới quyền thực thi nhiệm vụ trái pháp luật. Người đứng đầu cấp ủy còn cam kết với dân, sẽ kiên quyết xử lý ngay những cán bộ biến chất, làm việc với dân mà quan liêu, giải quyết các vấn đề dân yêu cầu mà có biểu hiện tiêu cực, sai phạm. Đây không phải là lời hứa suông, bằng chứng là kể từ tháng 6/2018 đến nay, không ít đơn vị, địa phương đã bị phê bình nghiêm túc. Nhất là khi người đứng đầu chính quyền cơ sở không sâu sát, hỏi đến thì trả lời lơ mơ, không nắm được những vụ KN-TC mới phát sinh ở ngay chính địa phương mình quản lý…

Những giải pháp thiết thực

Một trong những hiệu quả được đánh giá hết sức khả thi, qua thực hiện chủ trương mới của Ban Thường vụ Tỉnh ủy liên quan đến hoạt động giải quyết KN-TC, rõ nét nhất chính là số liệu kết thúc các vụ KN-TC mới phát sinh. Tỷ lệ hòa giải thành ở cơ sở tăng từ 85 - 90%, số yêu cầu KN-TC mới ở cấp tỉnh giải quyết xong chiếm tỷ lệ trên 85%, chấm dứt tình trạng khiếu nại ngày càng tăng.

Trong không ít trường hợp, nhất là ở cấp xã, mặc dù lịch làm việc ghi rõ ràng tại trụ sở UBND ngày tiếp dân, Chủ tịch UBND cấp xã tiếp dân, nhưng trên thực tế, nhiều khi Chủ tịch UBND xã không tiếp mà giao cho cán bộ tiếp dân tiếp với nhiều lý do: bận đi học, bận đi họp đột xuất. Người dân đến yêu cầu, không gặp được người đứng đầu chính quyền cấp xã thì đành ôm đơn ra về, lần sau lại đến, chứ chưa có trường hợp nào vì không được người đứng đầu tiếp dân mà làm đơn gửi yêu cầu khiếu nại. Hơn nữa, luật cũng chưa có quy định nào về việc, bắt buộc người đứng đầu phải trực tiếp tiếp công dân. Đó chỉ là chủ trương của cấp ủy, của chính quyền nếu người đứng đầu làm hết vai trò, trách nhiệm của mình mà thôi. Đây cũng là một trong những hạn chế, thiết nghĩ cần phải được sửa đổi, quy định thành luật và có chế tài xử lý nghiêm trong một số bộ luật, luật cũng như trong công tác cán bộ. Trong khi, tâm lý của người dân luôn tin tưởng hơn nếu được đối thoại với người đứng đầu, bởi người đứng đầu có thể quyết định, còn cấp phó chỉ nghe và xin ý kiến.

Khi đối thoại, hãy đặt mình vào vị trí của dân. Cách lắng nghe đôi khi quyết định thành bại cho cuộc đối thoại, quan trọng không thua gì việc xác định đúng sai, nhất là trong các trường hợp, đúng sai 50/50. Và quan trọng nhất, chính quyền nên hướng đến một xu hướng để đối thoại trở thành cách để người dân thấy họ được tôn trọng, từ việc cho ý kiến đến cách giải quyết các yêu cầu, bức xúc. Bên cạnh đó, theo nhiều ý kiến đến từ những cơ quan được giao trách nhiệm phụ trách giải quyết KN-TC thì, trong đối thoại, nếu chính quyền làm chưa đúng, cũng phải mạnh dạn nhận lỗi với dân. Sau đó phải là hành động nghiêm túc sửa sai, làm hết trách nhiệm của mình.

KIM PHƯỢNG

Thực tế cho thấy, nhiều cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với dân phát huy tác dụng tốt, giải quyết nhiều vụ việc “hạ nhiệt”, người dân dừng khiếu nại, tụ tập đông người. Đối thoại với dân không mất quá nhiều thời gian, không quá tốn kém, nhưng hiệu quả mang lại rất thiết thực, nhất là vấn đề yên dân.

 

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.