Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn: Vấn đề nan giải?

Thứ Hai, 06/07/2020 | 16:06

Dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đã được Thanh tra Chính phủ soạn thảo, quy định việc kiểm soát tài sản, thu nhập để cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền biết rõ tình trạng và sự biến động về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai nhằm phòng ngừa tham nhũng, phục vụ công tác quản lý cán bộ, kịp thời phát hiện tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản. Đây là một trong những vấn đề được dư luận hết sức quan tâm, bởi từ trước đến nay, việc kiểm soát thu nhập của những đối tượng trên luôn là vấn đề hết sức nan giải.

Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn luôn là một giải pháp quan trọng trong tổng thể các biện pháp phòng, chống tham nhũng. Giải pháp này, dù đã được thực hiện nhiều năm nay nhưng luôn bị đánh giá là “vẫn mang nặng tính hình thức”. Điều này đồng nghĩa với việc, hiệu quả của nó trong việc góp phần vào ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng còn khá thấp.

Một lãnh đạo ở cơ quan cấp huyện, sau khi được rút về tỉnh đã tậu ngay chiếc xe ô tô cáu cạnh với giá hơn 1,5 tỷ đồng. Trong khi thời điểm trước đó, vị này kê khai tài sản không có gì ngoài căn nhà mà mình đang ở. Nhà thì vẫn còn đó chứ không phải bán đi để mua xe, nhưng tài sản tăng thêm với chiếc xe trị giá hơn 1,5 tỷ đồng. Ở lần kê khai tiếp theo, vị này kê thêm tài sản là một chiếc xe ô tô, nhưng cũng không giải thích tiền từ đâu có để mua xe. Hoặc nếu bị yêu cầu giải thích, thì cũng sẽ dễ dàng lách theo kiểu được thừa kế hay người nhà kinh doanh phát đạt…

Từ lâu, chúng ta chỉ quan tâm đến việc kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức mà chưa thật sự quan tâm đến việc kiểm soát tài sản của đối tượng này. Hiện tại, pháp luật mới chỉ quan tâm nhiều đến hàng năm phải kê khai tài sản chứ chưa có giải pháp để bảo đảm việc kê khai đó giúp cho Nhà nước và xã hội kiểm soát được tài sản cũng như sự biến động về tài sản của cán bộ, công chức. Trong khi việc này mới quan trọng và góp phần phát hiện những dấu hiệu bất minh, qua đó phát hiện các dấu hiệu tham nhũng. Có những khối tài sản mà theo cách nhìn thông thường nhất cũng dễ dàng thấy, với đồng lương công chức không thể có được, nhưng lại được giải thích một cách qua loa và vẫn được chấp nhận.

Thêm một lỗ hổng rất lớn trong quy định hiện hành về kê khai tài sản là đối tượng phải kê khai chỉ trong phạm vi vợ chồng và con cái. Tình trạng tuồn tài sản bất chính cho người khác, như con đã thành niên, hay họ hàng cũng chưa có giải pháp kiểm soát.

Tại nước ta, thu nhập thực tế và tiền lương có khoảng cách quá xa. Cán bộ chỉ cần giải thích kiểu ở nhà có kinh doanh, nuôi trồng… để bù vào những tài sản kếch xù không biết từ đâu mà có là xong. Trong khi các biện pháp về quản lý kinh doanh, lợi nhuận, sự dịch chuyển tài sản, tiền bạc thông qua các công cụ quản lý (thuế, đăng ký tài sản, chuyển tiền qua hệ thống tài khoản) vẫn còn rất hạn chế.

Hiện tại, Nhà nước ta cũng đang nỗ lực quản lý nguồn thu nhập của cán bộ, công chức thông qua tài khoản ngân hàng, đây cũng là một trong những cách thức hữu hiệu để kiểm soát thu nhập. Tuy nhiên, lỗ hổng lại nằm ở những khoản thu nhập từ việc kinh doanh, góp vốn, mua đi bán lại bất động sản, cổ phiếu… từ những cơ quan quản lý khác vẫn hết sức lỏng lẻo. Thêm nữa, xác minh tài sản của một cá nhân là vấn đề không đơn giản, đòi hỏi người xác minh phải có nghiệp vụ, thậm chí là các biện pháp nghiệp vụ điều tra, thu thập thông tin bí mật và phải do một cơ quan chuyên trách thực hiện.

KIM KIM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.