Nâng cao cảnh giác, đấu tranh chống tội phạm tiêu thụ tiền Việt Nam giả

Thứ Hai, 14/01/2019 | 16:26

Qua số liệu thống kê của Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng trên toàn quốc cho thấy thời gian gần đây lượng tiền giả lưu thông, trôi nổi trên thị trường và tình hình tội phạm về tiền giả vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trong năm 2018, lực lượng công an toàn quốc đã triệt phá 28 vụ, bắt 44 đối tượng, thu giữ trên 3 tỷ đồng tiền Việt Nam giả và hơn 16.000 tiền đô la Mỹ giả. Riêng tỉnh Bạc Liêu, từ năm 2001 - 2018 đã phát hiện 8.861 trường hợp tiêu thụ tiền Việt Nam giả với tổng số 938 triệu đồng, bắt và xử lý 9 vụ, 17 đối tượng có liên quan.

Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Bạc Liêu ký kết quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống hoạt động phạm tội về tiền giả. Ảnh: P.T

ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA

Trước tình hình đó, Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh) đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này. Theo đó, đơn vị phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Bạc Liêu, một số tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, chính quyền địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến tội phạm tiền giả và hướng dẫn người dân nắm rõ các đặc điểm bảo an của tiền thật, kiểm tra đồng tiền khi giao dịch tiền mặt, cách phân biệt tiền giả… Từ năm 2012 đến nay, Phòng An ninh kinh tế đã dán trên 500 áp-phích, cấp phát gần 9.500 tờ rơi về cách nhận biết tiền Việt Nam giả và gần 1.060 cuốn tài liệu “Tiền Việt Nam và cách nhận biết” (do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành) đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa để mọi người hiểu nhằm chủ động phòng ngừa. Ngoài ra, Phòng An ninh kinh tế còn tổ chức triển khai cho cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên - thanh niên (ĐV-TN) tuyên truyền đến từng hộ dân thông qua tổ vay vốn về cách kiểm tra, nhận biết tiền thật, tiền giả và thực hiện niêm yết công khai tại các trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn, các nhà văn hóa ấp, khu đông dân cư, bến xe, các khu chợ…

PHƯƠNG THỨC, THỦ ĐOẠN CỦA TỘI PHẠM TIỀN GIẢ

Các đối tượng lạ mặt dùng tiền giả có mệnh giá lớn vào chợ nông thôn, tiệm tạp hóa, quán cà phê, nơi cúp điện, thiếu ánh sáng... để mua những loại hàng hóa gọn nhẹ như: thuốc lá, hàng tạp hóa... để được thối lại tiền thật, sau đó vội vã rút nhanh. Chúng lợi dụng thời gian vào lúc đầu và cuối buổi chợ hoặc lúc chủ hàng, chủ tiệm đông khách, thiếu tập trung để mua hàng. Lợi dụng thời điểm mùa vụ để chúng trộn tiền giả chung với tiền thật, hoặc kẹp tiền thật bên ngoài, bên trong tiền giả có cùng mệnh giá để mua lúa, tôm, heo... Đặc biệt thời gian gần đây, một số đối tượng thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber lập các tài khoản cá nhân để rao bán tiền giả, khi có sự thống nhất về tỷ giá, đối tượng mua sẽ gửi tiền thật cho đối tượng bán, sau đó đối tượng bán sẽ gửi tiền giả thông qua bưu điện (đóng gói thành bưu kiện ghi tên loại hàng hóa khác). Hoặc đối tượng dùng tài khoản mạng xã hội thỏa thuận tỷ giá mua bán tiền giả, sau đó đối tượng bán yêu cầu đối tượng mua chuyển tiền vào tài khoản, thẻ game, card điện thoại… do đối tượng bán cung cấp. Sau đó đối tượng bán chuyển tiền giả về đối tượng mua bằng hình thức gián tiếp hoặc không chuyển tiền giả về đối tượng mua theo thỏa thuận để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền thật của người mua.

CÁCH PHÂN BIỆT TIỀN VIỆT NAM THẬT, GIẢ

Để nhận biết và phát hiện tiền giả polyme bằng tay, bằng mắt thường, ta có thể sử dụng một số cách sau:

Dùng tay vuốt nhẹ hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụm số, dòng chữ ghi mệnh giá, dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Đối với tiền thật, ta cảm nhận được độ nổi, nhám của nét in; còn tiền giả thì trơn láng, không có độ nổi của nét in.

Kiểm tra hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng cách đưa tờ tiền lên trước nguồn sáng trắng: Ở tiền thật sẽ nhìn thấy trên cả hai mặt tờ tiền hình chân dung rất tinh xảo, sắc nét, khu vực có chân dung sáng hơn viền xung quanh. Ở tiền giả không có hình bóng chìm hoặc có nhưng rất mờ nhạt không rõ nét.

Kiểm tra dây bảo hiểm trước nguồn sáng trắng: Ở tiền thật nhìn thấy một dây bảo hiểm chạy dọc tờ bạc có các dòng chữ, số “NHNN” và số mệnh giá tờ tiền lặp đi lặp lại. Với tiền giả sẽ không có đặc điểm này, hoặc nếu có thì chỉ là một vệt màu đen mờ.

Mực đổi màu: Ở mặt trước của các tờ tiền thật có mệnh giá từ 100.000 đồng trở lên đều có yếu tố này, họa tiết hoa văn được in bằng mực đặc biệt, sẽ đổi từ màu vàng sang màu xanh (ở tiền thật) khi ta chao nghiêng tờ giấy bạc. Ở tiền giả sẽ không đổi màu hoặc không có yếu tố này. 

Hình cửa sổ lớn nằm phía bên phải tờ bạc có nền nhựa trong suốt hai mặt, ở giữa có cụm số ghi mệnh giá được dập nổi: Ở tiền thật khi ta vuốt nhẹ tay cảm nhận được độ nổi; ở tiền giả không có đặc điểm này hoặc nếu có thì rất mờ, khi ta vuốt nhẹ tay không cảm nhận được độ nổi.

Yếu tố hình ẩn (cửa sổ nhỏ bên trái tờ bạc) khi soi trước nguồn sáng đỏ như đèn dầu, nến, bóng đèn tròn hoặc đèn laze. Đối với tiền thật: có chữ VN ở tờ 50.000 đồng hoặc hình bông hoa cách điệu ở tờ 100.000 đồng, 200.000 đồng, 500.000 đồng; Ở tiền giả không có yếu tố này.

Hiện nay, có một số cơ sở kinh doanh trang bị máy soi tiền giả: Khi ta soi tờ tiền polyme dưới đèn cực tím: Đối với tiền thật dòng số sê-ri sẽ đổi màu phát quang và ở giữa tờ bạc, cụm số ghi mệnh giá của tờ tiền bằng mực không màu phát quang; Ở tiền giả, các đặc điểm trên không có, hoặc có nhưng rất mờ nhạt.

Ngoài ra, ta có thể kiểm tra bằng một số cách đơn giản như: Dùng tay bóp nhẹ tờ tiền: Đối với tờ tiền thật khi buông ra thì tờ tiền sẽ trở lại như cũ, không có vết nhăn. Ở tiền giả sẽ tạo ra những vết nhăn. Dùng tay xé nhẹ ở mép tờ tiền: Đối với tiền thật sẽ bị giãn; ở tiền giả sẽ bị rách. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng tiền giả được làm rất tinh vi, rất khó phát hiện bằng mắt thường nên những cách này cũng hạn chế được áp dụng.

Trước tình hình trên, để tiếp tục làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền Việt Nam giả trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Phòng An ninh kinh tế kêu gọi mọi người cần nâng cao cảnh giác, nhất là việc mua bán diễn ra lúc trời tối, lúc đông người trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.

HOÀNG PHƯƠNG THẢO (Công an tỉnh)

--------------------------------------------------

BAO LÌ XÌ IN HÌNH ẢNH TIỀN VIỆT NAM: VI PHẠM PHÁP LUẬT

Ngày 3/1/2019, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam ký văn bản gửi các Bộ: Công an, Công thương, Thông tin và Truyền thông đề nghị phối hợp trong công tác bảo vệ tiền Việt Nam trên phạm vi toàn quốc.

Hiện nay, trên một số báo điện tử có đăng tải thông tin trên thị trường xuất hiện việc rao bán bao lì xì có sử dụng hình ảnh đồng tiền Việt Nam các loại mệnh giá. Hành vi sao chụp, sử dụng hình ảnh đồng tiền Việt Nam để in bao lì xì nhưng không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của NHNN Việt Nam là vi phạm quy định tại khoản 3, Điều 3, Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam.

Để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc sao chụp, sử dụng hình ảnh đồng tiền Việt Nam và việc sản xuất, mua bán bao lì xì sử dụng hình ảnh đồng tiền Việt Nam khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, NHNN Việt Nam (Cục Phát hành và Kho quỹ) đề nghị các đơn vị phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.

T.Đ (lược trích)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.