Nhiều yếu kém trong quản lý trật tự xây dựng

Thứ Sáu, 23/10/2020 | 16:29

Khi 2 Đoàn giám sát HĐND tỉnh tiến hành giám sát ở nhiều nơi trong tỉnh mới phát hiện thêm sự yếu kém trong quản lý trật tự xây dựng (TTXD). Nổi cộm trong đó với 764 tổ chức, cá nhân vi phạm TTXD đã có đến 44,9% trường hợp không chấp hành quyết định xử phạt.

Một công trình trên đường tránh Quốc lộ 1A (TP. Bạc Liêu) xây sai quy hoạch sử dụng đất nằm trong kế hoạch cưỡng chế tháo dỡ.

ĐỦ KIỂU VI PHẠM TTXD

Tốc độ đô thị hóa diễn ra càng nhanh thì công tác quản lý TTXD ở đô thị đang trở thành vấn đề nổi cộm được Nhân dân và dư luận đặc biệt quan tâm. Thời gian qua trên địa bàn tỉnh, tình trạng vi phạm TTXD diễn ra phổ biến và phức tạp, nhất là tại TP. Bạc Liêu, TX. Giá Rai, hai huyện Hòa Bình và Vĩnh Lợi.

Qua kiểm tra của ngành chức năng đã phát hiện hàng ngàn trường hợp vi phạm về TTXD và hành lang an toàn đường bộ, xây dựng nhà ở dưới đường điện, đất bảo lưu ven sông… Tình trạng xây dựng không phép, sai phép, vi phạm về mật độ xây dựng, chiều cao, khoảng lùi công trình; xây dựng lấn chiếm đất công, tái chiếm đất đã thu hồi giao nhà đầu tư thực hiện dự án… ở khu vực đô thị đang có xu hướng gia tăng, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn. Ở khu vực ngoài đô thị, việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản… diễn ra rất phức tạp nhưng chưa được các địa phương phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, có lúc xảy ra điểm nóng về TTXD.

UBND tỉnh đánh giá, ở các dự án khu đô thị mới, khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh, tình hình quản lý TTXD theo quy hoạch được duyệt đã qua rất lỏng lẻo, không kiểm tra thường xuyên để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi sai phạm của nhà đầu tư thứ cấp hoặc thông báo, phối hợp với chính quyền địa phương xử lý kịp thời đối với chủ hộ xây dựng, cơi nới, mở rộng sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng. Tình trạng xây dựng hàng rào lấn chiếm vỉa hè, lối thoát hiểm tại các dự án chưa được chủ đầu tư quản lý, xử lý kịp thời, dẫn đến một số khu vực thuộc dự án quy hoạch bị phá vỡ (như Khu Bắc Trần Huỳnh, Khu dân cư Phường 5, Khu Địa ốc, Khu Hoàng Phát...).

TỶ LỆ CHẤP HÀNH XỬ PHẠT QUÁ THẤP DO ĐÂU?

Qua giám sát của HĐND tỉnh cho thấy, chính quyền địa phương đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 764 trường hợp trong thời gian chưa đầy 5 năm với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Đáng chú ý, có tới 343 tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt, tương ứng 44,9%. Trong đó: TP. Bạc Liêu có 59% số người vi phạm không chấp hành, TX. Giá Rai 70%, huyện Vĩnh Lợi 23,6%, Đông Hải 17,4%; đặc biệt là huyện Hòa Bình không có trường hợp nào chấp hành quyết định xử lý của cơ quan nhà nước; riêng huyện Hồng Dân thì không xử lý vi phạm đối với trường hợp nào.

Điều đáng nói ở đây, trong số 36 trường hợp vượt thẩm quyền do UBND các huyện, thị xã, thành phố chuyển về UBND tỉnh để ban hành quyết định xử phạt thì đến nay cũng chỉ có 3 trường hợp chấp hành nộp phạt với số tiền 115 triệu đồng. UBND huyện Đông Hải thừa nhận, công tác cải cách thủ tục hành chính trong cấp giấy phép xây dựng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... đã qua còn chậm, gây bức xúc cho người dân. Sự phối hợp xử lý giữa UBND các xã, thị trấn với các ngành có liên quan đã qua đôi lúc chưa chặt chẽ, chưa có chiều sâu, thiếu tính chủ động, có lúc chưa nhất quán quan điểm xử lý dẫn đến quá trình xử lý còn chậm, hiệu quả xử lý không cao. Một số hành vi vi phạm về san lấp mặt bằng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, vi phạm hành lang giao thông, đê điều, kênh rạch chưa được ngăn chặn, xử lý từ đầu... Tuy nhiên, vấn đề cơ bản vẫn là sự thiếu quan tâm, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo kiểm tra, xử lý các công trình vi phạm TTXD trên địa bàn của Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố. Từ đó, dẫn đến việc Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn buông lỏng trong khâu kiểm tra, xử lý. Đồng thời, công tác theo dõi, đôn đốc việc chấp hành các quyết định xử lý chưa được địa phương quan tâm dẫn đến tỷ lệ chưa chấp hành quyết định xử phạt còn tồn đọng nhiều. Nhiều trường hợp chưa được tham mưu ban hành các bước xử lý tiếp theo theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (kể cả việc cưỡng chế tháo dỡ). Đoàn giám sát HĐND tỉnh cho biết, ở huyện Đông Hải thậm chí có nhiều quyết định đã ký xong còn không triển khai đến đối tượng vi phạm.

Nhà siêu mỏng xây không phép trên đường Cao Văn Lầu (Phường 2, TP. Bạc Liêu). Ảnh: P.V

TRÁCH NHIỆM... KHÔNG THUỘC VỀ AI?

Nhiều câu hỏi từ các thành viên của Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã không nhận được câu trả lời thuyết phục là trách nhiệm thuộc về ai khi quyết định xử phạt về TTXD còn tồn đọng quá nhiều? Và trên thực tế, chưa có một cán bộ nào bị kỷ luật vì lý do thiếu trách nhiệm trong kiểm tra công tác xử lý vi phạm về TTXD. Từ đó, việc xử phạt vi phạm về TTXD chỉ như “bắt cóc bỏ dĩa”. Nghĩa là quyết định xử phạt mà không được thực hiện tới nơi tới chốn thì tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ có tâm lý ỷ lại, dây dưa, phớt lờ..., và từ đó pháp luật về xây dựng không còn đảm bảo tính nghiêm minh nữa.

Là địa bàn có tốc độ đô thị hóa diễn ra sôi động nhất tỉnh, UBND TP. Bạc Liêu cũng thừa nhận, trong công tác xử lý vi phạm chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính, chưa thực hiện được cưỡng chế hành chính, cụ thể như: Khấu trừ lương hoặc một phần thu nhập; khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản…

Còn Phòng Quản lý đô thị thành phố thì đề xuất xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu UBND các phường, xã, phòng ban chuyên môn để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý về TTXD; thực hiện không nghiêm quy chế phối hợp; không kịp thời áp dụng biện pháp ngăn chặn; thiếu theo dõi, đôn đốc việc thực hiện quyết định xử phạt đối với chủ đầu tư. Ông Lê Chí Nhân - Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố cho biết, đơn vị đang đặt ra kế hoạch cưỡng chế tháo dỡ công trình sai phạm ở mỗi phường, xã từ 1 - 2 công trình/năm, nhất là công trình có quy mô lớn, sai phạm nghiêm trọng, gây bức xúc trong Nhân dân.

Nhiều người còn cho rằng, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên tới đâu khi mà chính họ cũng không chấp hành hoặc dây dưa chấp hành quyết định xử phạt. Như vậy thì cần lấy ai làm gương trước dân trong vấn đề này? Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Vương Phương Nam đề nghị: Với những trường hợp cố tình vi phạm thì chính quyền các cấp và ngành chuyên môn phải cương quyết xử lý đến nơi đến chốn, tránh tình trạng chỉ xử phạt tiền mà không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là tháo dỡ công trình vi phạm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, các trường hợp tồn đọng quyết định xử phạt, tỉnh đã giao cho UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, lập kế hoạch xử lý và báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 31/12/2020.

P.V

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.