Quyền thăm nuôi con

Thứ Năm, 22/06/2017 | 10:02

Hỏi: Tôi vừa ly hôn với chồng vài tháng, Tòa án tuyên chồng tôi được quyền nuôi con. Vì không muốn xáo trộn cuộc sống của con (do trước giờ cháu sống chung với bà nội) nên tôi chấp nhận để con ở với ba và gia đình bên nội. Tòa cũng tuyên tôi có quyền thăm nuôi con.

Tuy nhiên, mỗi lần tôi đến thăm con đều bị chồng cũ và gia đình chồng ngăn cản, thậm chí không cho tôi đưa con đi chơi, mẹ con gặp nhau luôn có người dò xét, canh chừng. Họ còn dọa, nếu tôi đến thăm nhiều lần họ sẽ truất quyền thăm nuôi của tôi.

Xin hỏi, tôi phải làm gì khi bị ngăn cản quyền thăm nuôi con mình. Phía bên chồng cũ tôi có quyền truất quyền thăm nuôi con của tôi hay không? Tôi có thể xin thay đổi quyền nuôi con được không?

N.T.T (TP. Bạc Liêu)

Trả lời: Khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định: “Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở”. Bên cạnh đó, tại Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 cũng quy định: “Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan”.

Đây là quyền lợi cũng là nghĩa vụ về nhân thân, mang tính bắt buộc của bậc làm cha mẹ. Theo đó, người trực tiếp nuôi con nếu gây khó, cản trở người kia đến thăm con; hoặc người không trực tiếp nuôi con nếu lạm dụng việc thăm con để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến con đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Như vậy, trong trường hợp mà bạn hỏi, khi bị một bên cản trở quyền thăm nom con sau khi ly hôn, bạn có thể thực hiện các việc như sau:

- Nhờ trưởng (khóm) ấp chứng kiến và xác nhận vào đơn về việc có đến thăm nom nhưng bị bên kia gây khó khăn, cản trở.

- Làm đơn yêu cầu cơ quan Thi hành án giải quyết cho thi hành vấn đề thăm nom, chăm sóc con chung theo bản án của Tòa. Lúc này, cơ quan Thi hành án mời các bên đến làm việc, người trực tiếp chăm sóc sẽ cam kết về việc tạo mọi điều kiện cho người kia được thăm nom con, không gây khó nữa. Nội dung này được ghi vào biên bản, có ký tên đóng dấu của cơ quan Thi hành án.

Nhưng nếu người trực tiếp chăm sóc con không thực hiện đúng những gì đã thỏa thuận thì bên không trực tiếp chăm sóc được quyền gửi đơn đến Tòa án xin thay đổi người trực tiếp nuôi con. Với những chứng cứ và quy trình đã làm, Tòa án có thể sẽ mở phiên tòa để xét xử về việc thay đổi quyền nuôi con.

Thân ái!

Luật gia KIM PHƯỢNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.