Phóng sự - Ký sự

Ai qua Giồng Bốm hôm nay...

Thứ Sáu, 09/12/2016 | 15:30

“Sao người ta kêu ở đây là Giồng Bốm vậy má?”, hồi nhỏ, mỗi lần về quê ngoại, tôi lại thắc mắc hỏi mẹ. Mẹ bảo: “Vì hồi xưa nơi này có nhiều cây bốm lắm”. Trong Giồng Bốm có thánh thất lớn lắm! Bà lại kể tôi nghe về trận Giồng Bốm năm nào. Đã hơn nửa thế kỷ qua đi, nhưng người dân quê ngoại tôi vẫn nhớ những ngày bi tráng ấy…
 
... Từ Rạch Dừa lên Giồng Bốm chưa đầy chục cây số, việc đi lại còn cách trở bởi sông nước, đò giang nên trước đây tôi nghe cứ nghĩ xa xôi. Ngày ấy, mỗi lần lên thánh thất, cha mẹ tôi phải đi qua những kênh rạch vòng vèo. Bây giờ thì từ lộ cái, rẽ vào con đường đất rộng rãi, đi một đỗi, tôi đã thấy thánh thất hiện ra trước mắt. 
Nằm bên dòng kênh êm đềm, thánh thất Ngọc Minh (còn gọi là thất Giồng Bốm) là một quần thể kiến trúc mang vẻ ngoài giản dị, nhưng rất đặc trưng của Cao Đài Minh Chơn đạo. Bước qua chiếc cầu nhỏ, trước mắt tôi là hình ảnh mắt của Đức Chí Tôn sáng rực nhìn xuống nhân gian. Không gian thật yên ả, thanh bình. Xa xa một mái nhà ẩn mình dưới những tàng cây. Thánh thất đứng nhân từ, hiền hòa sau rặng cây già nghiêng mình soi bóng. Đây là một trong những thánh thất được xây dựng sớm nhất và từng là thánh địa của bổn đạo. Bốn bề sông nước, đồng đất mênh mông, gợi lòng người nhiều suy tưởng.

Di tích lịch sử trận Giồng Bốm. Ảnh: B.T

Theo lời kể, tòa thánh thất Ngọc Minh năm xưa rộng lớn do hàng chục ngàn tín đồ góp công xây dựng hơn 3 năm ròng rã (1932 - 1935). Thánh thất có nhà Đông Thiên Phong, nhà Tây Thiên Phong và nhà Chánh Thiên Phong là nơi làm việc, sinh hoạt của chức sắc Hội thánh. Tả hữu, tiền hậu đều có đào mương để ghe thuyền về đậu trong những ngày lễ lớn. Nếu đi từ xa chừng cây số cũng có thể trông thấy lầu chuông gác trống nơi Hiệp Thiên đài nổi bật giữa nền xanh. Sự bề thế, đồ sộ ấy, giờ chỉ còn trong ký ức. Tuy nhiên, thánh thất ngày nay cũng đã có đủ Tam đài thờ thánh thể của Đức Chí Tôn. Vào những ngày đại lễ, cả một không gian tách biệt hẳn khỏi sự ồn ã, xô bồ bỗng nhộn nhịp, tấp nập xuồng ghe, tín hữu gần xa nô nức về hành lễ, tiếng kinh, tiếng nhạc trầm hùng hòa quyện cùng lòng người.
Bên cạnh thánh thất là đền Trung liệt thánh. Trong đền có thờ cụ Cao Triều Phát. Đây là lần đầu tiên tôi được đến thăm nơi từng lưu dấu người con ưu tú của quê hương. Cụ Cao Triều Phát (1889 - 1956) là một điền chủ trí thức đầu thế kỷ 20, nhưng hơn cả, nói như nhà văn Phan Trung Nghĩa thì ông là “kẻ sĩ đất phương Nam”. Cụ đã tham gia vào những hoạt động yêu nước từ những năm đầu của thế kỷ trước. Đặc biệt sau đó, cụ theo đạo Cao đài hệ phái Minh Chơn. Với cụ, theo đạo cũng là để cứu giúp quần chúng cần lao. Cụ đã hướng tôn giáo của mình đồng hành cùng lịch sử dân tộc. Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp tái chiếm Nam kỳ lục tỉnh. Đồng hành cùng cuộc đấu tranh chống giặc của nhân dân Nam bộ, cụ Cao Triều Phát quyết định lập căn cứ kháng chiến của những tín đồ Cao Đài Minh Chơn đạo tại vùng đất Giồng Bốm. Hàng ngày, những nghĩa quân “áo trắng” vừa hành lễ, vừa nung nấu ý chí chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Căn cứ Giồng Bốm trở thành một mục tiêu càn quét quan trọng của thực dân Pháp ở Bạc Liêu.
Trận Giồng Bốm năm 1946 là một trong những trận đánh lớn vào thời điểm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp ở miền Tây Nam bộ. Đó là cuộc chiến đấu không cân sức giữa một bên là vũ khí thô sơ của những tín đồ nông dân yêu nước với một bên là vũ khí tối tân của bè lũ cướp nước. Cay cú vì những thất bại liên tiếp, sáng 15/4/1946 (ngày 14/3 năm Bính Tuất), giặc Pháp cho máy bay ném bom, bắn pháo vào căn cứ để dọn đường đưa quân viễn chinh từ Đầu Sấu, Bồn Bồn… tấn công vào tòa thánh Ngọc Minh. Tòa thánh Ngọc Minh chìm trong khói đạn. Đến quá trưa, nhiều nghĩa quân đã hy sinh, vũ khí cạn kiệt. Quân Pháp tràn vào trận địa Giồng Bốm, nghĩa quân quyết mạng đổi mạng với quân thù. Nhưng thế trận đã không chiều lòng những người yêu nước. Giặc Pháp thừa thắng điên cuồng đốt phá, chỉ trong phút chốc cả tòa thánh Ngọc Minh trở thành một đống đổ nát. Đất Giồng Bướm vốn thanh bình, yên ả, bỗng điêu tàn, hoang phế... “Ai qua Giồng Bốm hôm nay/ Nhớ ngày khởi nghĩa chống Tây hôm nào”, mặt trận Giồng Bốm, căn cứ Giồng Bốm, sự hy sinh của những tín đồ Cao Đài Minh Chơn đạo, người con của quê hương Bạc Liêu - Cao Triều Phát… trở thành biểu tượng cho một tinh thần “đạo pháp đồng hành cùng dân tộc”. 
Những hạt phù sa xa xôi theo dòng Cửu Long theo tháng ngày ngưng đọng thành những bãi sình lầy. Ở đó, những loài cây như mắm, bần, dừa nước... đã bén rễ sinh sôi, chọn làm quê hương. Có những loài cây đã được con người tìm thấy giá trị sử dụng. Có những loài cây tồn tại chỉ là một thực thể song song trong đời sống con người. Chia tay Giồng Bốm, tôi không quên tìm đến loài cây đã thành tên đất: cây bốm. Cây có rất nhiều gai nhọn, lá xanh bóng mượt, khi lớn sẽ có hoa trắng muốt nhưng không bao giờ cho trái. Trên những giồng đất của vùng quê hẻo lánh này xưa kia, không biết từ bao giờ mọc rất nhiều cây bốm...
Có thể cây bốm sẽ chẳng có công năng gì, song với tôi, đó không chỉ là loài cây làm nên địa danh, mà còn tượng trưng cho con người của mảnh đất này: dễ sống, dễ hòa hợp nhưng kiên cường, bất khuất. Di tích lịch sử trận Giồng Bốm là nơi lưu dấu đặc biệt cho một tinh thần hy sinh vì sự sống còn của dân tộc trước mối họa xâm lăng. Tôi muốn mượn bài viết này như một nén tâm hương muộn màng của mình gửi đến những con người đã góp phần máu xương vào trang sử vàng của quê hương, đất nước.
Trần Phong

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.