Phóng sự - Ký sự

Người mẹ tật nguyền giàu nghị lực

Thứ Sáu, 20/04/2018 | 16:42

Hôn nhân bất hạnh khi chồng bạc đãi, hắt hủi, sống nghèo khó nuôi con, rồi lại không may bị tai nạn dẫn đến tật nguyền, chị Trần Kim Mộng (38 tuổi, ấp Ninh Thạnh II, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) vẫn lạc quan vượt lên số phận. Trên chiếc xe lắc, hàng ngày chị rong ruổi khắp nơi bán vé số kiếm sống và nuôi hai con nhỏ ăn học. 

Cảnh đời éo le 
Hai chữ “éo le” có thể lột tả được phần nào cảnh đời của chị Trần Kim Mộng. Sinh ra trong một gia đình khó khăn, chị Mộng lớn lên với những tháng ngày bình dị nhất. Rồi cha mẹ gả chị theo chồng về Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi), sinh được 2 đứa con. Hôn nhân ngắn ngủi trong mấy năm nhưng đối với chị là quãng thời gian dài đằng đẵng, chua xót nhất cuộc đời. Chồng chị chẳng những không chí thú làm ăn, mà tính tình hung hãn, hành hạ người vợ chung chăn gối bằng những cú đấm, đá tàn bạo. Lần đau xót nhất, sau cú đá của chồng, chị Mộng phải nhập viện gấp để bỏ đi hình hài nhỏ bé trong bụng. Hôn nhân không hạnh phúc, chị vẫn cố lặng lẽ sống cạnh chồng vì cái nghĩa, và vì để các con mình lớn lên có đủ tình thương của cha mẹ. Trớ trêu thay, sợi dây ràng buộc ấy đã bị người chồng đang tâm cắt đứt, chị thui thủi ôm hai đứa trẻ, đứa mới bước đi lẫm chẫm, đứa còn đang ẵm ngửa về nương tựa bên ngoại.
Con nhỏ, chưa thể đi làm xa, hàng ngày, chị Mộng đi câu cá, hái rau để mẹ con có thêm cái ăn. Tai họa ập tới, trong một lần trèo lên lầu nhà người quen bắt nhện làm mồi câu cá, chị trượt chân té ngã. Từ trên lầu, chị văng xuống mái tôn, rồi rơi xuống đất bất tỉnh. Lúc mở mắt ra, cuộc đời người phụ nữ tên Mộng lại bước vào một bi kịch khác - kiếp sống tật nguyền. 
Chấn thương nặng cột sống, dị tật đôi chân, chị Mộng không thể tự đi lại sau vụ tai nạn. Không có tiền đi bệnh viện tháo đoạn inox gắn ở cột sống, nên hàng ngày rất đau đớn mỗi khi cố gắng di chuyển, sức khỏe suy kiệt nhanh chóng. Lo chuyện sinh hoạt cá nhân cho mình đã khó, chị Mộng lại phải chăm sóc hai đứa con nhỏ. Nước mắt chan cơm, chị vẫn cố gắng chống chọi bằng tất cả sức lực còn lại của mình. Có người thương xin cho chị chiếc xe lắc, từ đó, sáng chị dậy sớm lắc xe đi bán vé số rong ruổi trên đường, nuôi các con ăn học và mua vài viên thuốc uống cầm chừng. 
Người dân sống dọc theo tuyến lộ từ Ninh Hòa về Ngan Dừa (trung tâm huyện Hồng Dân) dường như đã quá quen với hình ảnh người phụ nữ gầy guộc, luôn gắng gượng từng vòng quay bánh xe để bán vé số. Chị cứ đi, khi nào kiệt sức thì dừng lại nghỉ, rồi lại đi tiếp. Mỗi khi gặp đoạn đường ổ gà, hay khi lên xuống dốc cầu, thì sức chị đành bó tay, phải nhờ người đẩy giúp. Vậy mà phía sau chiếc xe lắc ấy lúc nào cũng treo thêm một cái bao để đựng những vỏ chai nhựa lượm lặt được trên đường để bán phế liệu kiếm thêm ít đồng cho 3 mẹ con. 
Thương hoàn cảnh của chị, bà Nguyễn Hồng Hoa, quyền Bí thư Huyện ủy Hồng Dân đã vận động mạnh thường quân và bản thân, gia đình cất tặng căn nhà tình thương để 3 mẹ con chị Mộng có nơi ở ổn định. 

Chị Trần Kim Mộng lắc xe đi bán vé số. Ảnh: T.H

Sức mạnh của tình mẫu tử
Cơ thể chị Trần Kim Mộng nhỏ thó, chỉ tầm 30kg, nhưng tiếp xúc với chị, chúng tôi cảm nhận được nơi đó một sức sống mãnh liệt. Sức mạnh ấy được phát ra từ trái tim của người mẹ, tạo nên nghị lực phi thường để chị bước qua giông bão cuộc đời. 
Như hiểu được những cay đắng cuộc đời mẹ, 2 con của chị cũng đã lớn dần lên và ngoan ngoãn, học giỏi. Bé gái Tô Ngọc Hân đang học lớp 2, Trường tiểu học Lưu Hữu Phước; còn bé trai Tô Thanh Nhã thì học lớp Chồi, Trường mầm non Hoa Đào (xã Ninh Hòa). Bé Hân mới lớp 2 mà đã biết tự đi học, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập và rèn luyện ở trường. Về nhà, Hân phụ mẹ chăm em, làm những việc nhỏ và thỉnh thoảng đi nhận vé số hoặc mang vé số ế đi trả giúp khi mẹ bệnh. 
Hôm nào sức khỏe khá hơn, chị Mộng dậy thật sớm nấu mì để mẹ con cùng ăn sáng. Thương thay, chiếc xe lắc - nghịch cảnh cuộc đời chị lại trở thành phương tiện thân thiết giúp chị “chở” bé Nhã đến lớp. Cuộc mưu sinh đầy bão tố trước mắt, chị vẫn tự cho mình được vài phút thư thả mỗi ngày, đó là lúc ngồi trước cổng trường, dõi nhìn con vào tận lớp, chị mới rời đi.
Dù tật nguyền, phải tự mình lo cuộc sống cho 3 mẹ con, nhưng chị Mộng rất yêu thương, chăm chút con mình. Thân hình chị gầy guộc, nhưng 2 đứa trẻ thì được chăm sóc tử tế và hồng hào. Hôm chúng tôi đến, bé Nhã đang ở lớp, còn bé Hân luôn đứng cạnh và được mẹ ôm ấp. 
Kể về những chuyện éo le của cuộc đời mình, thỉnh thoảng, chị Mộng lại quay sang con gái, dang tay ôm con thật chặt và đặt lên má cô bé những nụ hôn yêu thương. “Cuộc đời tôi đã quá nhiều đau khổ, tôi chỉ còn lại duy nhất niềm hạnh phúc là được nhìn các con mình khỏe mạnh và học hành đàng hoàng như bao đứa trẻ khác. Cực khổ, đau đớn đến đâu tôi cũng chịu được”, chị Mộng bộc bạch. Giữa chừng câu chuyện, đôi lần chị vội quay đi lau nhanh giọt nước mắt vừa trào ra, chị sợ… nỗi lo sợ lớn nhất của người mẹ yếu ớt, bệnh tật chính là không biết sức khỏe mình gắng gượng được thêm bao lâu nữa, lỡ chị ra đi sớm, các con chị cút côi…
Thấu hiểu hoàn cảnh của chị Trần Kim Mộng, UBND xã, Hội LHPN xã Ninh Hòa cũng thường xuyên lui tới và tạo điều kiện giúp đỡ mẹ con chị. Bà Lê Thị Huỳnh Như, Chủ tịch Hội LHPN xã Ninh Hòa, xúc động chia sẻ: “Khó khăn là vậy, mà chị Mộng vẫn luôn cố gắng vượt qua để nuôi con. Cùng phận phụ nữ, nhiều người đã rơi nước mắt khi chứng kiến tận mắt những khó nhọc và tình yêu thương mà chị dành cho các con. Nhưng, vì không đủ tiền chữa trị, sức khỏe chị Mộng ngày càng suy kiệt, không biết tương lai chị và các bé sẽ về đâu…”. 
Có lẽ, mọi người khi biết hoàn cảnh chị Mộng đều mang cùng tâm tư ấy! Chỉ mong chị cố gắng gượng được, chỉ mong có tấm lòng hảo tâm giúp chị có điều kiện trị bệnh hay đỡ đầu 2 đứa trẻ đi học. Được như thế, cuộc sống mưu sinh của chị Mộng sẽ vơi bớt nặng nề và tương lai của 3 mẹ con có tia sáng mới!
Thanh Hải 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.