Phóng sự - Ký sự

Phong phú đời sống văn hóa ở Trường Sa

Thứ Sáu, 01/07/2016 | 16:49

Trường Sa có nắng gió, sóng biển và những người lính áo xanh với đời sống văn hóa phong phú nào khác đất liền.

Sáng hôm ấy, chúng tôi lên thăm đảo Phan Vinh, thuộc quần đảo Trường Sa. Đàn cá heo khoảng chục con từ sáng sớm đã lượn, nô đùa trước mũi tàu quân y 561 như muốn cùng lên theo. 
Đầy ắp sách, báo
Bước vào hội trường của đảo, chúng tôi bất ngờ trước những tủ kính chật nêm sách, báo, tạp chí. Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân bảo đảm sách, báo cho toàn đảo. Hàng trăm đầu sách về Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, văn học, pháp luật, truyền thống quân đội... Nơi đây sách là tài sản chung của tập thể, mọi quân nhân đều có quyền mượn để đọc và nghiên cứu. 
Theo quy định của đơn vị, mọi quân nhân mượn sách đều phải chấp hành đúng thời gian quy định và đăng ký vào sổ. Chính trị viên đảo - Thượng tá Phạm Văn Thường cho biết, khi đọc sách, nghiên cứu tài liệu, cán bộ, chiến sĩ không để ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ. Thời gian mượn, trả sách, buổi sáng từ 8 - 9 giờ rưỡi, buổi chiều từ 2 - 3 giờ rưỡi các ngày nghỉ trong tuần và ngày nghỉ lễ.

Một trong các kệ sách trên đảo Cô Lin. Ảnh: N.Q

Binh nhất Nguyễn Thanh Long, Phân đội 1, Cụm chiến đấu 1 đảo Phan Vinh là người mê đọc sách văn học, nhất là các tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh, như “Tại tôi”, “Con nhà nghèo”, “Một đời tài sắc”, “Thầy Chung trúng số”, “Ngọn cỏ gió đùa”... Chiến sĩ trẻ chia sẻ, nhà mình ở quận Tân Bình (TP. HCM), khi đọc các tác phẩm của nhà văn này có nhiều bối cảnh truyện của Gia Định xưa nên thấy gần gũi. Cốt truyện phản ánh đời sống xã hội, thân phận con người trong thời gian đầu thế kỷ XX, song những bài học mà người đọc hôm nay rút ra cho mình vẫn như nguyên giá trị. Niềm đam mê đọc sách chỉ bắt đầu cách nay gần 1 năm khi đồng chí Long ra đảo nhận nhiệm vụ vào tháng 7/2015. Những tác phẩm văn học đã làm giàu thêm vốn từ vựng, vốn sống và cả tâm hồn yêu đời nơi người lính trẻ này.
Khi đang ngồi trò chuyện với đồng chí Long, chúng tôi nghe tiếng sáo vọng lên từ nhà ở tập thể của đơn vị. Đó là tiếng sáo của Trung sĩ Huỳnh Trần Vũ, Khẩu đội trưởng pháo 37mm. Đồng chí Vũ tập thổi sáo từ mấy tháng trước và người thầy không ai khác chính là những đồng chí trong đơn vị. Cây sáo qua tay nhiều “truyền nhân”, giờ sáng bóng, dòng chữ “Quy Nhơn kỷ niệm” khắc bằng bút lửa đã mờ nhạt. Chàng trai mang nhạc cụ dân tộc ra đảo năm nào, nay đã trở thành sĩ quan chỉ huy, ngày chia tay đồng đội về đất liền nhận nhiệm vụ mới, anh gửi nó lại để tiếng sáo vẫn thánh thót nơi đây. Từ cây sáo ấy, giai điệu bài hát “Lòng mẹ” ngân lên giữa vùng trời nước mênh mông khiến chúng tôi cảm nhận sâu hơn sự vĩ đại của tình mẹ. Tiếng sáo không thể vượt trùng khơi về đất liền, nhưng tin rằng, chốn quê nhà, mẹ có thể cảm nhận được tình cảm của người con nơi đảo tiền tiêu đang hướng về.
Tiếng chuông thanh bình
Đảo mang tên người anh hùng đoàn tàu không số không chỉ có các công trình được đầu tư, xây dựng khang trang xen những hàng cây bàng trái vuông, cây phong ba, cây bão táp mà còn nổi bật với ngôi chùa Vinh Phúc. Bốn mái cong cong của chùa in trên nền trời, biển Trường Sa vừa uy nghiêm vừa thanh bình cho mỗi chúng ta cảm giác thân thương của con người Việt, tinh hoa văn hóa Việt Nam, cảm giác gần gũi với đất liền hơn. Ai đó đã nói “Mái chùa, đình làng là nơi hội tụ hồn thiêng sông núi của dân tộc, nơi đó phẩm chất văn hóa, đạo đức ngàn đời con cháu phải noi theo”.
Sự hiện diện từ lâu của các ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa nói chung và chùa Vinh Phúc nói riêng là một phần của hồn thiêng non nước, là nơi tôn kính, linh thiêng nhưng cũng rất đỗi gần gũi, yên bình để quân và dân trên đảo hướng về tổ tiên, quê hương, đất nước xây đắp tình đoàn kết và quyết tâm của mình, và hơn nữa đó là minh chứng thiết thực góp phần khẳng định chủ quyền Tổ quốc Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. 
Trụ trì chùa Vinh Phúc là Đại đức Thích Giác Tánh - một người con của tỉnh Khánh Hòa. Bên chén trà, vị tu sĩ trạc tứ tuần tâm sự, được bổ nhiệm làm trụ trì chùa, âu cũng là nhân duyên, khích lệ lớn cho hàng tu sĩ Phật giáo trên con đường truyền bá độ sinh, ươm mầm Phật pháp với phương châm của Giáo hội “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Tiếng chuông chùa vọng lên trong không gian trầm mặc của làn khói hương khiến chúng tôi vô cùng xúc động trước anh linh của các bậc tiền bối, thế hệ cha anh đã nằm xuống để Tổ quốc vẹn toàn, vững bền như hôm nay. 
Yêu đảo hóa thơ
“Tạm biệt nhé! Hải đảo Phan Vinh”, đoàn tàu 561 lại rẽ sóng hướng về đảo Trường Sa Đông. Bãi đá ngầm ôm lấy Trường Sa Đông rộng đến vài trăm mét, phía Bắc có thêm một dải cát trắng mới ngoi lên khỏi mặt biển. Để đi vào đảo, tàu 561 đậu tít ngoài xa, xuồng CQ (chủ quyền) đưa khách chạy vòng tránh, cập cầu cảng. “Đón” khách đất liền là một bia đá nền đỏ chữ vàng “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”. 
Theo chân Đại tá U Nhiêu, một người con ưu tú của đồng bào Ba Na, từng bắn rơi máy bay địch trong kháng chiến chống Mỹ, hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Kon Tum, chúng tôi ra rìa đảo ở hướng Bắc để thắp nén nhang cho một chiến sĩ đang an nghỉ nơi đây. Năm 2014, khi đang làm nhiệm vụ ở đảo chìm Đá Tây, Thiếu úy chuyên nghiệp Ngô Quyết Thắng (quê tỉnh Hải Dương) đột tử. Mộ phần được xây cất khang trang, trồng hoa, nhang khói hàng ngày. Về sự hy sinh của đồng chí Ngô Quyết Thắng, Trung tá Trần Văn Thuân, Chính trị viên đảo Trường Sa Đông chia sẻ, đảo lấy đó làm tấm gương giáo dục chính trị cho cán bộ, chiến sĩ. Trước tình cảm của đồng chí, đồng đội, tin rằng dưới cửu tuyền, người quá cố sẽ mỉm cười, còn người thân của anh cũng yên tâm phần nào. Tình người, tình đồng đội ấm nồng là một phần văn hóa ở đảo xa.
Người lính đảo có trái tim nhân văn như vậy thì đời sống tâm hồn ắt phong phú, thích “làm thơ ca tụng trăng vàng”. Dịp báo tường chào xuân mới, mừng đại hội Đảng, những tâm hồn thơ sẽ dạt dào cảm xúc sáng tạo. Vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đồn trú khiến đồng chí Thanh Hậu tự hào: “Từng đàn cá lội nhấp nhô/ Tôm cua ốc mực tha hồ mà ăn/ Nhất là những buổi trời trăng/ Đồi mồi, rùa biển lên thăm bạn đời…”. Thời điểm chúng tôi đi thăm Trường Sa, không phải là mùa hoa của cây bàng trái vuông. Thế mà nơi đây còn sót lại một bông của loài cây biểu trưng cho sức sống mãnh liệt của nơi đầu sóng ngọn gió này. Nó đã đi vào thơ ca của người lính đảo: “Quả bàng vuông chia đều che chắn gió (…)/ Dẫu cuồng giông, dẫu lắm phong ba/ Đảo vẫn vẹn nguyên quả bàng xanh bốn cạnh”. Lời thơ dung dị, mộc mạc ngợi ca sự giàu đẹp về sản vật, phong cảnh của quần đảo Trường Sa, ngầm ý rằng: “Anh! Người lính áo xanh ru biển ngủ/ Đôi mắt sáng giữa trùng khơi bão tố/ Nguyện giữ đều nhịp thở đảo yêu thương”.
Nguyễn Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.