Phóng sự - Ký sự

Tìm lại câu hò Bạc Liêu

Thứ Sáu, 15/07/2016 | 15:19

Tìm lại nghĩa là thời hiện tại đã không còn, hoặc đang dần bị lãng quên. Tìm lại để thấy rằng vốn văn hóa - văn nghệ của Bạc Liêu từ xa xưa vốn đã rất phong phú và cần được gìn giữ. Cái sự phong phú ấy khiến cho Bạc Liêu đa tình, dễ thương, dễ mến; có khi chỉ cần bất chợt nghe đâu đó ngân lên một câu hò. Vâng! Chúng tôi muốn ngược dòng thời gian tìm lại câu hò Bạc Liêu thuở ấy…

Hò chèo ghe Bạc Liêu là một loại hình nghệ thuật độc đáo cần được gìn giữ và phát huy giá trị (Trong ảnh: Một tiết mục biểu diễn tại liên hoan Hát ru, hát dân ca và cổ truyền khu vực phía Nam). Ảnh: H.T

Khi thực hiện đề tài cần cấp thiết bảo tồn giai điệu nói thơ Bạc Liêu, thì điều bất ngờ lý thú là tôi được biết ngoài câu vọng cổ, điệu nói thơ Bạc Liêu, lại còn có thể loại hò Bạc Liêu - thường được gọi là hò chèo ghe Bạc Liêu. Thạc sĩ Lâm Thành Đắc, hiện là Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT tỉnh cũng là người có thâm niên trong ngành Văn hóa, chính là “ông mai” để tôi đến với điệu nói thơ, rồi sau đó là hò chèo ghe. Tôi khâm phục thái độ tâm huyết của anh đối với trách nhiệm gìn giữ những gì thuộc về văn hóa bản địa! Sau những tư liệu quý về điệu nói thơ Bạc Liêu, tôi và anh đã dành nhiều thời gian tiếp tục chuyến hành trình ngược dòng để tìm lại câu hò Bạc Liêu… 
Khi tham khảo nhiều tư liệu về hò thì chúng tôi được biết rằng, hò Bạc Liêu xuất hiện gần như cùng lúc với hò Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, hò sông Hậu… Lịch sử chứng minh rằng, trong công cuộc Nam tiến, nhiều dòng người đã đến vùng đất mới này sinh cơ lập nghiệp; trên bước đường tha phương, từ những chiếc ghe bầu, tam bản, xuồng ba lá… ngoài việc chuyên chở tài sản bất ly thân, nhiều người còn mang theo cả những câu hò, điệu lý… làm hành trang. Thử hỏi, giữa lênh đênh sông nước, phong cảnh hữu tình thì lòng ai không… sinh tình, thế mới có những câu hò đại loại như: “Nước sông sao cứ chảy hoài/ Thương người xa xứ lạc loài đến đây”, hay “Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi/ Qua khúc sông này bờ bụi tối tăm”…
Trên bước đường bôn ba, mượn câu ca tiếng hò làm hành trang tinh thần, các tiền nhân đã vừa sáng tác, phổ biến, vừa cách tân cho phù hợp với hoàn cảnh của mình. Vùng đất Bạc Liêu lúc ấy lưu hành nhiều loại hò của ĐBSCL như hò sông Hậu, hò Bến Tre, hò Trà Vinh… Nghiên cứu về hò Bạc Liêu, thạc sĩ Lâm Thành Đắc xác định rằng: “Hò Bạc Liêu được gọi là hò chèo ghe, vì người ta ưa hò trên ghe xuồng. Những câu hò mang tính tự sự, gửi gắm tâm trạng xa xôi với thiên nhiên. Giọng hò mênh mang, chậm rãi trải dài trên sông nước rồi lan tỏa, tan biến trong không gian vô tận…”. Những câu hò “đặc sệt” Bạc Liêu cất lên rằng: “Hò ơ ớ ơ… Bạc Liêu là xứ quê mùa/ Dưới sông cá chốt, trên bờ… Triều Châu”, hoặc: “Hò ơ ớ ơ… Bạc Liêu nắng bụi, mưa sình/ Muối mặn, nhãn ngọt, đậm tình... quê hương”; đôi khi gửi gắm tâm trạng buồn tím ruột bầm gan: “Hò ơ ớ ơ… Chữ lương duyên như túc đế/ Câu giai ngẫu tợ thiên thành/ Em thề một mái tóc xanh/ Kết duyên chẳng đặng/ Hò ơ ớ ơ… em cũng đành… đi tu”…
Sau cách mạng tháng 8/1945, cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, vùng đất Bạc Liêu vẫn là căn cứ cách mạng vững chắc, giọng hò chèo ghe Bạc Liêu vẫn tiếp tục thịnh hành và phát triển. Hò lúc này không còn mang tính tự sự mà còn mang tính tập thể như hò đối đáp, huê tình và được nâng lên thành hình thức sinh hoạt văn hóa - văn nghệ của cộng đồng. Hò đối đáp lúc này rất thịnh hành, đại loại thế này: “Hò ơ ớ ơ… Gió năm non thổi lòn hang chuột/ Tui thấy cô Ba chèo xuồng đứt ruột… đứt gan”, - “Hò ơ ớ ơ… Gió năm non thổi lòn hang chuột/ Tui thấy anh chèo xuồng, tui cũng đứt ruột… bầm gan”. Câu hò Bạc Liêu có khi là câu đố rất dễ thương của trai gái với nhau: - “Hò ơ ớ ơ… Thấy anh hay chữ, em hỏi thử đôi lời/ Sao trên trời mấy cái, nhái ngoài ruộng mấy con/ Đất Ba Xuyên một mẫu mấy sào/ Hò ơ ơ… Anh mà đối đặng…, gái má đào thương anh”, - “Hò ơ ớ ơ… Thấy em đố tức, anh nói phức cho rồi/ Sao trên trời sao vua chín cái/ nhái ngoài ruộng bắt cặp hai con/ Đất Ba Xuyên một mẫu mười sào/ Hò ơ ớ ơ…  Anh đà đối đặng… gái má đào tính sao?”.
Khi khoa học - kỹ thuật phát triển, xuồng chèo được thay thế thì hò chèo ghe Bạc Liêu cũng thưa dần. Để “thích nghi” hoàn cảnh mới, hò chèo ghe Bạc Liêu nói riêng và hò Nam bộ được các nghệ nhân, nghệ sĩ đưa vào nhiều lĩnh vực như: tân nhạc, sân khấu cải lương, phim ảnh… Ở tân nhạc, hò thường tham gia phần mở đầu bài hát, điển hình như “Gái nhà nghèo” của Mộng Thi: “Hò ơ ớ ơ… Trắng da vì bởi phấn dồi/ Đen da vì bởi em ngồi chợ trưa/ Phận nghèo dãi nắng dầm mưa/ Chỉ lo cha mẹ/ Hò ơ ớ ơ… vẫn chưa... vừa lòng”. Nhiều soạn giả cũng mượn làn điệu hò vào vở cải lương của mình. Vở “Tiếng hò sông Hậu” của soạn giả Điêu Huyền có đoạn: “Hò ớ ớ ơ… Trai nào bảnh bằng trai Nhơn Ái/ Đầu thì hớt chải tóc tém bảy ba/ Mặc Pijama khăn rằn quấn cổ/ Thấy cô em gái Ba Xuyên ngồ ngộ/ Muốn cùng em thố lộ đôi lời/ Cấy cày cực lắm em ơi/ Theo anh về vườn ăn trái/ Hò ớ ớ ơ… Theo anh về vườn ăn trái, một đời… ấm no”. Có khá nhiều bộ phim khi thể hiện cảnh xuồng ghe lênh đênh trên sông nước thường có những câu hò thể hiện không khí sinh hoạt trên sông nước của thời kỳ xa xưa. Đó là các bộ phim "Cánh đồng hoang", "Đồng Nọc Nạng", "Lời thề Đất Mũi"… Không đơn thuần là một loại hình giải trí, điệu hò mượt mà với những từ ngữ mộc mạc, chân phương chính là tố chất con người Nam bộ nói chung, Bạc Liêu nói riêng gửi gắm trong mỗi câu hò…
Trong sự phát triển của xã hội hiện đại, hò chèo ghe hầu như không còn được nhiều người biết đến mà chỉ còn tồn tại trong ký ức của những người lớn tuổi. Nếu ta không nghĩ đến và thực thi những giải pháp cụ thể để bảo tồn thì hò chèo ghe sẽ mai một và thất truyền! Nhịp sống xã hội ngày càng nhộn nhịp, đời sống âm nhạc của người dân ngày càng phong phú, nhưng nếu có cơ chế phù hợp để gìn giữ những làn điệu dân ca trữ tình mộc mạc, gần gũi như điệu hò thì đó là chúng ta đang gìn giữ và phát huy giá trị thêm một di sản quý trong kho tàng âm nhạc dân tộc.
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.