“Con nuôi Đồn biên phòng” - Mô hình đầy tính nhân văn

Thứ Sáu, 31/07/2020 | 16:20

“Con nuôi Đồn biên phòng (ĐBP)” là mô hình do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) phát động trong toàn quân từ giữa năm 2019. Đến nay đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng cao, vùng biên giới… chinh phục tri thức. Riêng tại Bạc Liêu, mô hình này hiện đã giúp con đường đến trường của nhiều học sinh nghèo, mồ côi bớt gập ghềnh.

Đồn biên phòng Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) và chính quyền địa phương tặng quà cho em Sơn Pít. Ảnh: T.H

Ươm những mầm xanh

Nhiều năm qua, lực lượng BĐBP đã triển khai thực hiện khá hiệu quả các chương trình an sinh xã hội nhằm giúp đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, nâng cao dân trí. Vào năm 2014, Bộ Tư lệnh BĐBP đã phát động chương trình “Nâng bước em đến trường”, đỡ đầu các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến khi tốt nghiệp THPT với mức hỗ trợ 500.000 đồng/em/tháng. Qua 6 năm triển khai, đến nay các đơn vị BĐBP đã nhận đỡ đầu khoảng 3.000 học sinh.

Tiếp nối mô hình này, trong điều kiện thực tế ở các địa bàn biên giới, ven biển, hải đảo còn nhiều học sinh mồ côi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối diện với nguy cơ bỏ học cao, BĐBP triển khai mô hình “Con nuôi ĐBP” để nhận các em nhỏ mồ côi, con em gia đình chính sách, gia đình đặc biệt khó khăn nơi biên giới về nuôi dưỡng tại các ĐBP. Sau hơn một năm triển khai, hàng trăm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên cả nước đã được nhận nuôi. Trong đó, các ĐBP trực thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bạc Liêu nhận nuôi 3 em: 2 em ở tại ĐBP và một em ở gia đình.

Đổi thay những phận đời

Trong số 3 học sinh được các ĐBP Gành Hào, Cái Cùng, Nhà Mát nhận nuôi, thương nhất là hoàn cảnh của em Sơn Pít, dân tộc Khmer, ở ấp Biển Tây A (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu).

Nếu như đến với mô hình “Con nuôi ĐBP”, mỗi em học sinh đều có những hoàn cảnh khó khăn riêng thì em Sơn Pít đã sớm chịu cảnh mồ côi khi còn bú mẹ. Sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mẹ của em đều rất siêng năng lao động. Một lần lao động dưới trời nắng, mẹ em không may đổ bệnh và qua đời. Thân “gà trống nuôi con”, cha Pít ngày cặm cụi lo kế sinh nhai, đêm về phải thức rất khuya để cơm nước, giặt giũ quần áo cho các con. Nhưng bất hạnh lại đến vào một đêm mưa gió, dây điện sau nhà bị đứt, khiến cha Pít vô ý bị điện giật qua đời. Kể từ đó, Sơn Pít do bà ngoại Thạch Thị Thiêm (67 tuổi) nuôi nấng. Hai bà cháu sống nhờ vào hàng nước giải khát đặt trước nhà, mỗi ngày bán dăm ba ly chủ yếu cho bà con trong xóm.

Cách nay khoảng nửa năm, khi ĐBP Nhà Mát nhận nuôi Sơn Pít, cuộc đời em như mở sang một trang mới. Do mới học lớp 4, lại quen sống với bà ngoại nên Pít ở nhà, các cha nuôi ở Đồn thỉnh thoảng đến thăm nom, chăm sóc em. Dù mới nửa năm, nhưng Sơn Pít đã dành nhiều tình cảm cho các cán bộ ở ĐBP Nhà Mát. Hàng tháng, cán bộ, chiến sĩ ở đồn góp lương hỗ trợ em 300.000 đồng để làm chi phí học tập, 15kg gạo cho hai bà cháu, ngoài ra còn tặng em xe đạp, nhiều dụng cụ học tập… Trong những câu chuyện với cậu bé, cán bộ đồn luôn ân cần thăm hỏi, động viên em cố gắng học tập, nuôi dưỡng ước mơ, ý chí phấn đấu. Nhờ đó, Sơn Pít luôn là cháu ngoan, trò giỏi của Trường tiểu học Ngô Quyền (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu).

Cụ bà Thạch Thị Thiêm xúc động chia sẻ: “Sơn Pít thật có phước, được các chú bộ đội nhận nuôi cho ăn học, bà cháu tôi vui mừng lắm. Có các cha nuôi yêu thương, những ngày tháng mồ côi của cháu đã được bù đắp”.

“Con nuôi ĐBP” là mô hình có ý nghĩa thiết thực, mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao dân trí, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ BÐBP với đồng bào các dân tộc địa bàn biên giới, từ đó góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc.

Thanh Hải

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.