Câu chuyện cảnh giác

Gọi trực tiếp​ thấy mặt trên Zalo, vẫn bị lừa!

Thứ Tư, 11/01/2023 | 15:17

Chị Tú Nhi (Phường 1, TP. Bạc Liêu) vừa bị đối tượng lừa đảo giả danh bạn thân của chị trên Zalo gọi video trực tiếp mượn tiền. Sau khi chuyển tiền, chị Nhi cũng không mảy may nghi ngờ, cho đến khi kẻ lừa đảo tiếp tục mượn thêm với số tiền lớn. Lúc này chị Nhi sinh nghi, gọi điện thoại trực tiếp cho người bạn thì mới biết mình bị lừa.

Chị Nhi chia sẻ, bản thân chị luôn cảnh giác cao độ với những chiêu lừa kiểu mượn tiền do lấy cắp tài khoản cá nhân trên Zalo, Facebook… Đối tượng đã đánh cắp tài khoản trên Zalo của bạn chị Nhi, không nhắn tin mà gọi điện trực tiếp qua video thấy hình. Thời điểm gọi là vào ban đêm, khung cảnh kẻ lừa đảo chọn là ở ngoài đường (sóng Wifi lúc mạnh lúc yếu). Mặc dù vậy, chị Nhi vẫn thấy mặt người bạn đang nói chuyện với mình, hình ảnh thật, có cử động… nên đã không cảnh giác, nghi ngờ. Thêm vào đó, khi đối tượng cung cấp số tài khoản để chị Nhi chuyển khoản, thì tài khoản đó cũng trùng họ tên với người bạn của chị.

Ảnh minh họa: Internet

Theo cảnh báo từ cơ quan Công an, hiện đã xuất hiện những phần mềm có thể giả lập video của một người rất tinh vi. Có thể kể đến như ứng dụng Z chuyên giả lập video của Trung Quốc, khi ra đời đã nhanh chóng tạo ra cơn sốt. Nếu như trước đây đã có một số ứng dụng hoán đổi gương mặt, lấy ảnh gương mặt của bạn hoán đổi với gương mặt của người khác (ảnh tĩnh) thì ứng dụng Z đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), hoán đổi gương mặt người dùng với hình ảnh của diễn viên điện ảnh nổi tiếng trong một đoạn video (ảnh động). Z sẽ yêu cầu người sử dụng thực hiện một số động tác nhỏ như: nhép miệng, nhắm - mở mắt... và ghi hình lại. Điều này giúp Z xử lý các động tác cơ mặt của người sử dụng trong clip được chân thật hơn. Bọn tội phạm cũng dùng những phần mềm xử lý hình ảnh kiểu này để xử lý hình ảnh của người bị chúng lấy cắp tài khoản, sau đó dùng hình ảnh đã được xử lý qua phần mềm để gọi video thấy hình, nhằm tạo lòng tin cho những người khác (thấy mặt, thấy cử động, nghe tiếng…) trong điều kiện sóng yếu, chập chờn.

Ngoài ra, bọn tội phạm cũng đã tinh vi hơn khi tạo lập các số tài khoản ngân hàng có tên trùng với tên của người mượn tiền. Chiêu thức của các đối tượng lừa đảo là lập một tài khoản Zalo có tên và sử dụng hình ảnh của người bị giả mạo làm hình đại diện. Trong Zalo đó cũng sẽ có danh sách bạn bè giống như Zalo chính chủ. Sau đó, đối tượng này dùng Zalo giả mạo để nhắn tin mượn tiền từ bạn bè trong danh bạ, số tiền tùy vào hoàn cảnh, mối quan hệ với người được hỏi. Tên chủ thẻ ngân hàng nhận tiền cũng trùng khớp với tên người bị giả mạo, nên nhiều người đã không nghi ngờ mà chuyển khoản.

Rút kinh nghiệm từ bản thân, chị Nhi cho rằng, từ giờ trở đi, chỉ sử dụng sim số điện thoại chính chủ để thông tin, không sử dụng mạng xã hội. Đó cũng là lời khuyên của cơ quan Công an gửi đến mọi người, phải cảnh giác cao độ trên không gian mạng xã hội. Liên quan đến tiền bạc, tài sản, mọi người cần xác nhận bằng số điện thoại chính chủ, hoặc trực tiếp đến nơi đơn vị, công ty có trụ sở để làm việc trực tiếp. Tuyệt đối không thực hiện cuộc gọi qua các ứng dụng Messenger hay Zalo... 

Kim Kim

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.