Ký ức về chiến trường K

Thứ Hai, 31/12/2018 | 17:15

Sau ngày 30/4/1975, giữa lúc Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu cùng nhân dân cả nước ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới thì tập đoàn phản động Pôn Pốt ở Campuchia (chiến trường K) đưa quân xâm phạm toàn tuyến biên giới từ Hà Tiên đến Tây Ninh. Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và Tỉnh ủy, những người con của tỉnh lại súng quàng vai xông pha ra mặt trận chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Trung úy Tăng Ngư (bên phải) với những câu chuyện thời chiến tranh.

Thượng tá Huỳnh Oai bên cạnh những sản phẩm nhựa Miền Tây do chú làm đại lý. Ảnh: N.Q

Chú Tăng Ngư: Kiên cường đánh giặc

Ở tuổi 65, chú Tăng Ngư (phường 1, TX. Giá Rai) ngày ngày đưa đón 2 đứa cháu ngoại đi học. Ngoài thời gian đó, chú Ngư thường ngồi ở quán nước gần nhà cùng hai người bạn già. Đó là niềm vui của chú (thương binh 4/4) - người từng chiến đấu kiên cường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bảo vệ biên giới Tây Nam.

Năm 15 tuổi, chú Ngư tham gia lực lượng bộ đội địa phương đánh Mỹ, ngụy. Sau khi “Mỹ cút, ngụy nhào”, chú cất các tấm huân chương vào tủ, chuyển sang Ban CHQS TX. Giá Rai làm việc và bắt đầu tính chuyện cưới vợ, yên bề gia thất. Song, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Sary đã không cho chú Ngư thực hiện điều bình dị của một người thanh niên tuổi đôi mươi. Tháng 11/1977, Thiếu úy Tăng Ngư, Đại đội trưởng Đại đội địa phương quân nhận lệnh qua trực biên giới ở Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Ít lâu sau, đơn vị này cùng 2 đại đội khác nhập lại thành lập Tiểu đoàn 5 của TX. Giá Rai đóng tại Trà Phô, qua Núi Đỏ, Núi Dựng, Thạch Động.

Ở biên giới, không có ngày nào là không nổ súng. Đại đội do chú Ngư chỉ huy đánh chắc, gọn, nổ súng là chắc thắng. Có lần quân Pôn Pốt đi giăng hàng ngang, rơi vào trận địa phục kích của ta, chú Ngư ra lệnh bắn, tiêu diệt khoảng 80 tên địch, phía ta có chú Mười Phấn hy sinh. Không chỉ phòng ngự, đã mấy lần Tiểu đoàn 5 cùng quân chủ lực truy đuổi kẻ thù sang Campuchia, thu nhiều đạn dược của địch. Sau đó, Tiểu đoàn 5 rút về Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang).

Tháng 2/1979, chú bị thương, được đưa về nước, người chỉ còn nặng 44kg. Năm 1982, Trung úy Tăng Ngư được giải quyết chính sách phục viên, chuyển sang ngành lương thực, rồi giữ chức Chỉ huy trưởng Ban CHQS thị trấn Giá Rai (TX. Giá Rai) cho đến khi nghỉ hưu.

Chú Huỳnh Oai: Thời nào cũng là chiến sĩ  

Còn chú Huỳnh Oai (Ba Oai) xuất phát từ vai trò Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường 4 (nay là phường 1, TP. Bạc Liêu), sau đó về nhận nhiệm vụ tại Ban CHQS TP. Bạc Liêu với chức vụ Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng.

Theo lời kể của chú Ba Oai, đầu năm 1978, TP. Bạc Liêu kết nghĩa với thị trấn Hà Tiên, rồi đưa 1 trung đội lên trấn giữ Hà Tiên trong 3 tháng. Đơn vị tập kích địch một lần khi chúng lập chốt ở miễu Ông Tà (hướng Đông của Hà Tiên). Chú Ba Oai chỉ huy trung đội tiến sát bờ sông lớn (ranh giới tự nhiên giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia) và nổ súng tấn công địch làm nhiều tên bị thương. Sau đó, đơn vị quay về TP. Bạc Liêu lập Tiểu đoàn 10, chú Ba Oai được phong làm Đại đội trưởng Đại đội 2. Tiểu đoàn 10 được điều lên hướng Hà Tiên: Đại đội 1 đóng quân ở Mũi Tàu, Đại đội 2 trấn giữ khu vực Thị Vạn, còn Đại đội 3 bảo vệ địa bàn Thạch Động, Núi Dựng.

Nhiệm vụ của Tiểu đoàn 10 là giữ biên giới để Trung đoàn Sông Lam chuẩn bị rút khỏi Campuchia về nước vào ngày 1/1/1979. Đêm 2 và 3/1/1979, Pôn Pốt tấn công Tiểu đoàn 10 khiến chú bị thương chân phải và được đưa về Bệnh viện 121 (đóng tại TP. Cần Thơ) điều trị. Trong thời gian đó, Tiểu đoàn 10 cùng quân chủ lực phản công, giải phóng Campuchia. Đến giữa tháng 1/1979, Tiểu đoàn 10 hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.

Sau khi điều trị, năm 1979, chú Ba Oai làm trợ lý trinh sát, nhận quân hàm Thiếu úy. Năm 1986, chú được thăng quân hàm lên Đại úy và giữ chức Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS TP. Bạc Liêu cho đến khi về hưu (năm 2003).

Giã từ binh ngũ, chú về nuôi tôm tự nhiên trên phần đất 2ha do Nhà nước cấp. Mấy năm sau, một người bạn giúp chú chuyển sang làm đại lý cho hãng nhựa Miền Tây. Từ người lính trên chiến trường thời trước, chú Huỳnh Oai trở thành chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, chăm lo gia đình và góp phần xây dựng quê hương.

Nguyễn Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.