Mất an toàn trong sử dụng điện nuôi tôm công nghiệp

Thứ Hai, 12/03/2018 | 16:30

Năm nào trên địa bàn tỉnh cũng có người chết, bị thương khi sử dụng điện trong nuôi tôm công nghiệp. Đây là vấn đề đòi hỏi ngành chuyên môn và chính quyền địa phương cần lưu tâm khi diện tích nuôi tôm công nghiệp ngày càng tăng.

Mô hình sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong nuôi tôm của Công ty Điện lực Bạc Liêu được trưng bày tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu năm 2018. Ảnh:N.Q

Kéo dây dẫn điện ra ao tôm không đảm bảo an toàn. Ảnh: T.Đ

“NGÀNH ĐIỆN ÍT ĐƯỢC THÔNG TIN”

Tại TP. Bạc Liêu, mấy ngày tết có 2 người chết vì tai nạn điện trong nuôi tôm công nghiệp. UBND thành phố xác định “đây là vấn đề cần quan tâm tuyên truyền hơn nữa trong nhân dân”. Theo trình báo của ông Võ Văn Sinh, con trai ông là Võ Văn S. (43 tuổi) bị điện giật chết khi sửa điện tại vuông tôm cặp nhà ở khóm Chòm Xoài, phường Nhà Mát ngày 17/2/2018. Ngày hôm sau, ông Khương Văn T. (48 tuổi) ở ấp Giồng Nhãn A, xã Hiệp Thành cũng tử vong trong tình trạng tương tự.

Thời gian gần đây, diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh (tôm sú và tôm thẻ chân trắng) của tỉnh không ngừng tăng lên. Đi liền với đó là nhu cầu về điện phục vụ nuôi trồng thủy sản tăng theo, dẫn đến tình trạng tai nạn điện cũng tăng. Theo số liệu của Công ty Điện lực Bạc Liêu, năm 2014 và 2015 không xảy ra tai nạn điện trong dân. Sang năm 2016 có 2 vụ xảy ra tại huyện Đông Hải và huyện Hòa Bình làm 3 người chết, 1 người bị thương. Năm 2017 và đầu năm 2018, có 2 vụ tại TP. Bạc Liêu và huyện Hòa Bình. Thống kê này không phản ánh hết các vụ tai nạn điện xảy ra trên thực tế, bởi “ngành Điện ít được thông tin, chỉ khi liên quan đến người làm thuê, chính quyền địa phương, công an điều tra mới thông báo cho Điện lực”, ông Trác Thanh Điền, Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty Điện lực Bạc Liêu cho hay.

Vùng nuôi tôm công nghiệp của tỉnh chủ yếu nằm phía Nam Quốc lộ 1A, bao gồm xã ven biển thuộc huyện Đông Hải, Hòa Bình và TP. Bạc Liêu. Điển hình như xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải) có hơn 1.000ha đất nuôi tôm, tương đương khoảng 1.000 hộ dân, đây là hoạt động kinh tế chủ yếu của xã. Con tôm là nguồn sinh kế đem lại ấm no cho người dân, làm thay đổi bộ mặt địa phương. Thế nhưng, theo ông Lê Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã Long Điền Đông, năm nào nơi đây cũng xảy ra tai nạn điện, riêng năm 2017 có 4 - 5 người chết vì tai nạn điện trong nuôi tôm. Nạn nhân thường là trụ cột gia đình nên để lại hậu quả xã hội đối với hộ gia đình lâu dài, khó lường trước hết được.

CHỦ QUAN VÀ THIẾU KIẾN THỨC

Người dân chuyển từ làm lúa hay các nghề khác sang nuôi tôm công nghiệp, nhưng hiểu biết về điện sản xuất rất ít. Người nuôi tôm (người chủ ao và người làm công) chỉ kéo 1 sợi dây “nóng” dẫn điện đi từ nhà ra ao dài có khi cả trăm thước, còn cọng dây “nguội” thì được cắm thẳng xuống đất vuông tôm. Làm cọc tiếp đất kiểu này không khéo dẫn đến nguy hiểm chết người và gây tổn thất về điện năng. Có nơi còn tận dụng dây điện thoại làm dây dẫn điện. Cột điện thì đa dạng, từ cây tràm cho đến tầm vông, vừa thấp lại dễ bị mục chân, gãy ngã. Đã xảy ra nhiều trường hợp người dân lấy đoạn cây chống, không cho cầu dao đóng ngắt tự động sau bình điện hạ thế tự ngắt điện khi quá tải. Tháng 5 và 6 là cao điểm các dàn quạt ôxy chạy suốt cũng là lúc hành vi này diễn ra phổ biến. Các biểu hiện này cho thấy người sử dụng điện chủ quan, thiếu kiến thức về an toàn điện, hoặc cố tình sử dụng hệ thống điện không đảm bảo kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu tư sau công tơ. Hiện toàn tỉnh còn 1.988 hộ sử dụng điện “câu đuôi” (chia hơi) trong nuôi tôm công nghiệp, không đảm bảo an toàn.

Vấn đề này còn nằm ở khâu tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Sở Công thương, ngành Điện lực, chính quyền địa phương, cơ sở mặc dù đã có nhiều hoạt động nhằm nâng cao kiến thức về an toàn điện, song đa phần hướng đến hộ sử dụng điện sinh hoạt, còn người nuôi tôm công nghiệp thì chưa được tiếp cận nhiều. Chỉ mới có tầm 800 người nuôi tôm được hướng dẫn tại các hội nghị do Sở Công thương và Công ty Điện lực Bạc Liêu tổ chức - một con số quá nhỏ so với lực lượng lao động trong lĩnh vực này. Nông dân đa phần tự mày mò cách đi đường dây dẫn điện, lắp đặt mô-tơ quay quạt ôxy… Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đề xuất cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người nuôi tôm, riêng ngành Điện lực cần kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo đấu nối dây dẫn điện đúng quy trình, kỹ thuật, và thường xuyên kiểm tra việc bảo trì đấu nối, cột kéo dây điện, mô-tơ chạy dàn quạt ôxy, mô-tơ bơm nước.

NGUYỄN QUỐC

 

Sử dụng điện an toàn trong vùng nuôi tôm, cần tuân thủ một số điều sau:

Thứ nhất, đường dây sau công tơ phải dùng dây bọc cách điện. Tiết diện dây phải từ 3mm2 trở lên. Trường hợp đường dây dài trên 50m, tiết diện dây không được nhỏ hơn 4mm2 đối với dây nhiều sợi, không nhỏ hơn 7mm2 đối với dây một sợi. Phải kéo đủ 2 dây nóng và nguội có cùng tiết diện. Không kéo dây tải điện chạy ngầm trong ao hoặc rải trên bờ bao.

Thứ hai, khi nối dây dẫn phải dùng ống nối, đúng kỹ thuật đối với từng loại dây. Không được nối dây dẫn ở chỗ võng nhất của khoảng cột vì sẽ tích tụ nước tại mối nối. Khi nối dây dẫn điện phải nối so le và quấn một lớp nylon chống nước trước, sau đó băng kín bằng băng keo điện. Phương pháp quấn chồng mí theo hướng từ thấp lên cao, tránh động nước trên mối nối.

Thứ ba, cột đỡ dây điện có thể làm bằng thép, bê-tông cốt thép, gỗ. Trên cột phải lắp sứ đỡ dây điện, độ võng thấp nhất của dây dẫn cách mặt đất từ 2,5m trở lên nhằm tránh người đi dưới đường dây có thể chạm vào. Lắp đặt đường dây, thiết bị cần dẫn nguồn điện từ cột về nhà, lán trại qua 1 cầu dao tổng. Sau đó, tùy theo yêu cầu của từng ao mà phân ra các cầu dao nhánh.

Thứ tư, các thiết bị điện sau khi lắp đều phải để nơi khô ráo, trong nhà, chòi hoặc trong hộp nhựa (nếu để ngoài trời), tránh mưa gió làm ẩm nước. Các thiết bị đóng cắt điện phải bố trí hợp lý để thuận tiện cho thao tác, cô lập. Không nên kéo điện, dùng điện bằng cách lấy điện một pha, còn dây nguội đấu xuống bờ ao nuôi.

Thạc sĩ Nguyễn Việt Triều

(Khoa Điện - Trường cao đẳng Nghề Bạc Liêu)

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.