Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc: Nhiều mô hình hiệu quả được nhân rộng

Thứ Tư, 19/02/2020 | 16:24

Lực lượng công an từ tỉnh đến cơ sở đã làm tốt vai trò tham mưu nòng cốt của mình trong tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) thông qua những mô hình phòng chống tội phạm hiệu quả. Đó cũng là cách làm cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng “Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.

Đại tá Nguyễn Văn Hận, Phó Giám đốc Công an tỉnh khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích trong phòng, chống tội phạm tại cơ sở. Ảnh: N.Q

HÀNG CHỤC MÔ HÌNH HIỆU QUẢ

Trong những năm qua, tình hình chính trị xã hội của tỉnh ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Song, trong từng thời điểm, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội có nơi còn diễn biến phức tạp, các loại tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm trộm cắp tài sản có xu hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao trong phạm pháp hình sự, một số băng nhóm chuyên nghiệp hoạt động liên huyện, liên tỉnh… chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Tình hình trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, tác động tiêu cực đến công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) địa bàn, cũng như đến chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng phong trào TDBVANTQ.

Thực hiện Chỉ thị 46 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm ANTT trong tình hình mới”, những năm qua, Ban chỉ đạo 138 các cấp trong tỉnh, nòng cốt là lực lượng công an đã tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện có hiệu quả các hoạt động phòng ngừa xã hội, tập trung nâng cao chất lượng công tác xây dựng phong trào TDBVANTQ từ tỉnh đến cơ sở. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng chống tội phạm, đảm bảo tình hình ANTT địa bàn.

Từ năm 2008 đến nay, lực lượng công an các cấp đã tham mưu cho đảng ủy, UBND cùng cấp ra quyết định xây dựng mới 29 loại mô hình gốc tự phòng, tự quản về ANTT, 67 mô hình nhân rộng với 1.326 tổ, gần 13.700 thành viên. Ngoài ra, các sở, ban, ngành phối hợp với lực lượng chức năng xây dựng 10 mô hình vừa phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, vừa giữ gìn ANTT ở địa phương. Các mô hình trong phong trào TDBVANTQ phong phú, đa dạng, với nhiều loại hình mang đặc thù riêng, gắn với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương.

Qua thực tiễn công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào TDBVANTQ cho thấy, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã phát huy sự đoàn kết, thống nhất trong tập thể, xác định tầm quan trọng của công tác này đối với nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống tội phạm ngay tại cơ sở, từ đó đã tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị tích cực tham gia, trong đó lực lượng công an giữ vai trò nòng cốt. Từ đó, lực lượng công an đã tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở ngay từ bước đầu lựa chọn, đánh giá tính chất bức thiết của tình hình để xây dựng, nhân rộng mô hình. Quan trọng hơn nữa là cán bộ, chiến sĩ công an đã sâu sát, định hướng hoạt động, huy động các nguồn lực duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình, điển hình tiên tiến. Nhiều đồng chí có cách làm hay, sáng tạo trong vận động, thu hút người có uy tín trong tôn giáo, dân tộc thiểu số trực tiếp tham gia mô hình, làm cho mô hình có sức lan tỏa, phát huy hiệu quả.

THU HÚT NGƯỜI DÂN THAM GIA

Huyện Hồng Dân có nhiều địa bàn giáp ranh, là vùng sông nước nên bọn tội phạm lợi dụng ẩn náu, cấu kết tổ chức hoạt động, nhất là trộm cắp đường sông, cướp giật, dùng hóa chất, xung điện và phương tiện đánh bắt thủy sản khác có tính hủy diệt, gây thiệt hại lớn cho người dân. Trước tình hình đó, năm 2015, Công an huyện đã chọn xã Ninh Thạnh Lợi - địa bàn có 26 tuyến kênh rạch nối tiếp nhau (tổng chiều dài 108km), gần 80% dân số xã sống ven các tuyến kênh để tham mưu với lãnh đạo huyện khảo sát, xây dựng quy chế hoạt động và ra mắt mô hình Tổ tự quản tuyến kênh an toàn về ANTT.

Anh Phạm Công Thuận, thành viên tổ tự quản tuyến kênh 13 ngàn, kể lại: “Tôi để ý thấy tầm 11 giờ khuya thường có tiếng vỏ máy với số lượng đông, hướng từ huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) chạy sang, đến sáng hôm sau thì phát hiện cá và các loài thủy sản khác chết bất thường. Tôi đã báo UBND và công an xã”. Từ thông tin của người dân, bằng nghiệp vụ chuyên ngành, lực lượng công an sau thời gian theo dõi đã bắt quả tang 6 đối tượng đang rải thuốc hóa học để bắt tôm dưới kênh. Còn anh Trần Quốc Tuấn, Tổ trưởng Tổ tự quản tuyến kênh Cả Sang phát hiện một nhóm thanh niên dùng xuồng máy chạy vào đây sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản. Anh Tuấn thông báo, huy động tổ viên và bà con ngăn chặn, bắt được 3 đối tượng, thu giữ 6 cái bình ắc-quy, 3 bộ kích điện và giao cho Công an xã xử lý.

Công an huyện Hồng Dân đánh giá mô hình Tổ tự quản tuyến kênh an toàn về ANTT đi vào hoạt động đã làm thay đổi căn bản tình hình ANTT ở cơ sở, nâng cao nhận thức của người dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm, tạo điều kiện cho cấp ủy đảng, chính quyền triển khai thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng phong trào TDBVANTQ, xây dựng thế trận lòng dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Qua hơn 4 năm hoạt động, đến nay mô hình này đã được nhân rộng trên địa bàn 3 xã, nâng tổng số lên 42 tổ, 1.339 thành viên.

Còn đối với Phước Long, Công an huyện thông qua mô hình Tiếng loa ANTT thông báo tình hình ANTT trên Đài truyền thanh huyện, hay trực tiếp phát loa lúc đi tuần tra. Vì vậy, thông tin nhận dạng về đối tượng, phương thức, thủ đoạn của tội phạm đến quần chúng nhân dân nhanh chóng. Mô hình Tiếng loa ANTT đi vào hoạt động từ giữa tháng 5/2015, thiết bị tuyên truyền gồm loa kéo, loa phóng thanh, thẻ nhớ, bình ắc-quy. Công an huyện viết tin, bài, nhờ Đài Truyền thanh huyện đọc, thu âm, lưu vào thẻ nhớ, cấp cho Tổ tuyên truyền các xã, thị trấn để phát lại.

Xét thấy mô hình tạo được hiệu ứng tốt, Công an huyện mở rộng hình thức tuyên truyền, đó là biên tập các video clip liên quan tình hình tội phạm trên kênh ANTV, mục Phút giây cảnh giác… để phát qua màn ảnh nhỏ đặt tại bộ phận “một cửa” của xã, thị trấn và bộ phận giải quyết thủ tục hành chính Công an huyện. Thượng tá Nguyễn Văn Quân, Phó trưởng Công an huyện Phước Long, cho biết thêm: “Đơn vị còn cùng nhà mạng Viettel cung cấp thông tin cho người dân qua tin nhắn SMS, hàng tháng tuyên truyền cho trên 10.000 thuê bao”.

Có thể nói, lực lượng công an từ tỉnh đến cơ sở đã làm tốt vai trò tham mưu nòng cốt của mình trong tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân tham gia phong trào TDBVANTQ thông qua những mô hình phòng chống tội phạm cụ thể. Các cơ quan, đơn vị trong lực lượng Công an tỉnh không ngừng đẩy mạnh và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phát động phong trào TDBVANTQ gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, để làm sao phát huy cao nhất vai trò của người dân trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, nâng cao ý thức cảnh giác, giúp bà con nhận biết được dấu hiệu hoạt động của tội phạm.

MẠNH QUÂN

Đại tá Nguyễn Văn Hận, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: “Thời gian tới, Đảng ủy - Ban Giám đốc Công an tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo công an các cấp làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng mới, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến theo “đơn đặt hàng” từ chính cuộc sống của người dân và yêu cầu nghiệp vụ của ngành Công an”.

 

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.