Tiểu đoàn Hải ngoại Cửu Long II: Đơn vị quân đội người Việt ở hải ngoại về Tây Nam bộ đánh Pháp

Thứ Sáu, 01/02/2019 | 15:56

Sơn sửa Bia kỷ niệm Tiểu đoàn Hải ngoại Cửu Long II là một phần việc trong chương trình Tết quân dân 2019 do UBND tỉnh tổ chức tại xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi). Bia được lập để ghi nhớ chiến thắng Vĩnh Hưng ngày 23/9/1948 của quân và dân ta bẻ gãy hoàn toàn cuộc hành quân của thực dân Pháp vào khủng bố vùng giải phóng.

Bia kỷ niệm Tiểu đoàn Hải ngoại Cửu Long II trong khuôn viên Trường tiểu học Cửu Long II (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: N.Q

Xếp bút nghiên theo Đảng kháng chiến

Những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào ta đang sống ở nước ngoài vận động tiền mua sắm vũ khí, súng đạn và đưa con em về nước tham gia kháng chiến, giành tự do, độc lập cho Tổ quốc. Tiểu đoàn Hải ngoại Cửu Long II (gọi tắt là Tiểu đoàn) ra đời trong bối cảnh đó vào ngày 16/5/1947 tại chiến khu 1 Prak Poong, tỉnh Pranchin Bouri (Thái Lan), sau đó chuyển về chiến khu Mai Ruột, tỉnh Trat (biên giới Thái Lan - Campuchia), cách đó 100km.

Ban chỉ huy Tiểu đoàn gồm: Dương Văn Phúc (tức Dương Quang Đông), Tiểu đoàn trưởng; Trương Văn Kỉnh, Chính trị viên; Bông Văn Dĩa, Tiểu đoàn phó. Dương Quang Đông chính là người chỉ huy tuyến đường xuyên Tây huyền thoại (tiền thân của đường Hồ Chí Minh trên biển) đưa vũ khí mua từ Thái Lan về chi viện cho chiến trường miền Nam. Quân số Tiểu đoàn gần 300 cán bộ, chiến sĩ, đa số là con em Việt kiều và những chiến sĩ, du kích quân đến từ các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản; trong đó có ông Sơn Ngọc Minh, sau này là lãnh tụ kháng chiến của nhân dân Campuchia. Họ là những học sinh, sinh viên, xếp bút nghiên lên đường cầm súng theo lời hiệu triệu của Đặc ủy Việt kiều tại Thái Lan.

Tiểu đoàn được tổ chức thống nhất, huấn luyện bài bản và trang bị như quân chính quy nhờ Chính phủ Thái Lan tặng một số vũ khí, khí tài hiện đại. Tiểu đoàn Hải ngoại Cửu Long II là đơn vị quân đội hải ngoại sau cùng về Việt Nam chiến đấu trên chiến trường miền Tây Nam bộ, trước đó đã có bộ đội Độc lập 1, bộ đội Quang Trung và chi đội Trần Phú.

Đánh 23 trận, làm thương vong 586 tên địch

Sáng 7/11/1947, Tiểu đoàn làm lễ xuất quân về nước. Đoàn quân trẻ dưới cờ đỏ sao vàng, có mang dòng chữ “Tiểu đoàn Hải ngoại Cửu Long II” hành quân suốt 25 ngày đêm, về đến địa phận tỉnh Hà Tiên và đóng tại căn cứ Tà Teng. Một tháng sau, đơn vị hành quân về Huyện Sử, xã Thới Bình, tỉnh Bạc Liêu (nay là xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau). Đến đây, Tiểu đoàn trở thành đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Khu 9, về tác chiến trực thuộc sự chỉ huy của Tiểu đoàn 125 Bạc Liêu và tiếp tục được bổ sung khoảng 60 - 70 chiến sĩ, đa số là người Cà Mau, Bạc Liêu.

Bia kỷ niệm về đơn vị dựng tại sân Trường tiểu học Cửu Long II (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) ghi: “Tiểu đoàn đã cùng quân, dân Cà Mau, Bạc Liêu chiến đấu 23 trận, tiêu diệt và làm bị thương 586 tên địch, bắt sống tù binh Pháp, bắn hỏng một máy bay và thu hàng trăm súng các loại”. Tại Vĩnh Hưng, ngày 23/9/1948, Tiểu đoàn cùng quân và dân địa phương tiêu diệt và làm bị thương gần 180 tên giặc Pháp, bắt sống tù binh Pháp, thu nhiều vũ khí. Chiến thắng của quân và dân ta đã bẻ gãy hoàn toàn cuộc hành quân của địch vào khủng bố vùng giải phóng Vĩnh Hưng. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn hy sinh.

Đầu năm 1949, đơn vị cùng bộ đội 251 tổ chức thành Trung đoàn 131 quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Tháng 10/1954, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, đơn vị chuyển quân về Cà Mau và tập kết ra Bắc, phân chia lực lượng cho các đơn vị.

Sự thành lập và trở về nước tham gia chiến đấu chống thực dân Pháp của các đơn vị vũ trang Việt kiều, trong đó có Tiểu đoàn Hải ngoại Cửu Long II đã biểu thị tình đoàn kết, tinh thần dân tộc mạnh mẽ trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị vũ trang Việt kiều đã hòa mình vào cuộc kháng chiến trường kỳ của đất nước. Nhiều cán bộ, chiến sĩ trong các đơn vị này về sau trở thành những tướng lĩnh, cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và quân đội ta và được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, như hai đồng chí Dương Quang Đông và Bông Văn Dĩa.

Nguyễn Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.