Quốc tế

Thách thức cũ, thử thách mới ở châu Âu

Thứ Hai, 30/10/2017 | 16:30

Sau những thách thức về khủng bố, khủng hoảng nhập cư, nước Anh rời khỏi mái nhà chung... chủ nghĩa ly khai, đòi độc lập, tự trị vốn là những thách thức không mới, tồn tại âm ỉ trong lịch sử các quốc gia thành viên giờ đây lại đặt Liên minh châu Âu (EU) đối mặt với những thử thách mới.

Thượng viện Tây Ban Nha thông qua việc kích hoạt Điều 155 Hiến pháp, tước bỏ quy chế tự trị của Catalunya. Ảnh: K. Kadrinova

Ngày 27/10, cơ quan lập pháp vùng tự trị Catalunya của Tây Ban Nha (TBN) đã chính thức tuyên bố độc lập, chỉ ít phút sau khi Thủ tướng TBN - Mariano Rajoy kêu gọi Thượng viện TBN kích hoạt Điều 155 Hiến pháp TBN. Chính quyền Trung ương Madrid khẳng định Thủ hiến Puigdemont sẽ mất toàn bộ quyền lực. Chính quyền Trung ương sẽ áp đặt quyền lãnh đạo trực tiếp đối với khu vực này. Đây sẽ là lần đầu tiên trong 4 thập kỷ, Madrid sử dụng Hiến pháp để giải tán chính quyền khu vực và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm.

Trong khi ở TBN tình hình đang “nóng” lên từng ngày thì nước láng giềng Italy cũng đang phải đối mặt với những nguy cơ tương tự khi hai khu vực giàu có tại phía Bắc là Lombardy và Veneto tổ chức bỏ phiếu trưng cầu ý dân về việc đòi quyền tự trị. Động thái này được cho là có thể làm gia tăng căng thẳng hai miền Bắc - Nam Italy và đổ dầu vào ngọn lửa ly khai đang gia tăng tại châu Âu.

Còn ở Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland thì sao? Trong bối cảnh chính phủ của Thủ tướng Theresa May đang xúc tiến và tính toán tiến hành đàm phán Brexit làm sao có lợi nhất cho nước Anh thì Thủ hiến Scotland lại có một động thái khác. Những quan ngại về cuộc trưng cầu dân ý độc lập lần hai của Scotland đang gây thêm khó khăn cho Thủ tướng Anh - Theresa May trong các cuộc đàm phán với 27 lãnh đạo khác của EU liên quan đến vấn đề Brexit.

Theo các nhà phân tích, việc đòi quyền tự trị của hai vùng Lombardy và Veneto của Italy được cho là do ảnh hưởng từ việc Anh rời khỏi EU và cuộc khủng hoảng chính trị ở TBN hiện nay khi vùng tự trị Catalunya đòi độc lập. Tuy nhiên, tự trị hay ly khai sẽ là một vấn đề khá nhạy cảm và không được ủng hộ tại châu Âu với lo ngại về nguy cơ hiệu ứng dây chuyền có thể xảy ra. Đối với các nhà lãnh đạo EU, diễn biến tại Catalunya và miền Bắc Italy khiến họ phải đau đầu. Sau khi người Anh bỏ phiếu “Có” cho tiến trình Brexit, những thành viên còn lại của EU đang nỗ lực tăng cường sự đoàn kết nhằm bảo vệ “ngôi nhà chung” khỏi viễn cảnh tan rã. Song, những tác động từ TBN và Italy có thể thổi bùng ngọn lửa ly khai vốn đang âm ỉ trên khắp châu lục...

Trong thời gian trước mắt, dưới sức ép của chính quyền trung ương, các khu vực có ý tưởng tách ra độc lập chưa thể thực hiện được giấc mơ của mình. Song, không ai có thể lường hết được họ sẽ thực hiện những bước đi nào nếu các nhà lãnh đạo EU không đưa ra được những biện pháp cụ thể. Giống như nước Anh, 2 năm trước, không ai sẽ nghĩ ra viễn cảnh về "cuộc chia tay" tốn kém và ồn ào nhưng cuối cùng Brexit vẫn xảy ra. Rõ ràng, EU đang đứng trước thách thức cũ, nhưng lại là thử thách mới có thể đe dọa vận mệnh của một liên minh đã tồn tại hơn 6 thập kỷ.

C.Q.B (tổng hợp từ nguồn ĐCSVNO)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.