Thanh thiếu niên

Đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn:​ Cần tư duy mới

Thứ Tư, 20/05/2020 | 16:11

Công tác đào tạo nghề cho thanh niên (TN) nông thôn được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần đồng hành cùng TN trên con đường lập thân, lập nghiệp. Tuy nhiên, theo thời gian, hoạt động đào tạo nghề theo khuynh hướng truyền thống đã không còn hợp thời, hấp dẫn đối với TN nông thôn, mà thay vào đó các bạn trẻ đang trông chờ một tư duy mới, đường hướng mới từ những thủ lĩnh Đoàn trong việc khuấy động các phong trào khởi nghiệp sáng tạo.

Từ những mô hình tự phát hiệu quả

Đến tham quan mô hình nuôi rắn ri voi của anh Nguyễn Phú Quốc (ấp Mỹ Phú Tây, xã Hưng Phú, huyện Phước Long), chúng tôi thật sự bị hấp dẫn bởi những bể nuôi với đầy đủ kích cỡ rắn. Theo chia sẻ của anh, qua việc tự tìm hiểu, nghiên cứu trên các phương tiện truyền thông, tham quan các mô hình thực tế của địa phương, anh nhận thấy đây là loài dễ nuôi, khả năng kháng bệnh tốt, nhẹ công chăm sóc, đầu ra ổn định vì nhu cầu thị trường cao. Nếu được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, nguồn thức ăn đảm bảo thì chỉ sau một năm rắn sẽ đạt trọng lượng từ 1 - 1,5kg/con. Rắn con có giá khoảng 50.000 đồng/con; rắn thịt có giá từ 600.000 - 700.000 đồng/kg, vào mùa khô giá rắn thường tăng cao hơn. Riêng rắn bố mẹ sinh sản có giá từ 3 - 5 triệu đồng/cặp (rắn càng lớn thì giá thành cũng tăng theo). Tùy vào diện tích, số lượng bể nuôi, trừ các khoản chi phí, mỗi năm hộ nuôi có thể dễ dàng bỏ túi từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Hiện tại, có rất nhiều hộ dân, TN địa phương đến học hỏi kinh nghiệm nuôi rắn ri voi từ anh.

Dù bản thân chưa từng tham gia bất kỳ lớp học nào về đan đát, nhưng nhờ siêng năng, chịu khó học hỏi nên bạn trẻ Nguyễn Văn Linh (ấp Ninh Thạnh II, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) đã thành công với mô hình đan đát gia công tại gia đình. Theo đó, sau khi nhận khung tạo sẵn của công ty ở TP. Hồ Chí Minh, Linh đem phân phối cho lao động tại địa phương gia công. Ngoài nâng cao thu nhập cho gia đình, cơ sở của Linh còn giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động địa bàn xã Ninh Quới A và Ninh Hòa, với thu nhập bình quân khoảng 150.000 đồng/người/ngày. Hiện nay, Linh còn mở rộng thêm một xưởng chính ở xã Ninh Quới A để gia công. Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật, Linh cũng thường xuyên động viên, thăm hỏi các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tham gia mô hình của mình. Đặc biệt, Linh không hề “giấu nghề” và sẵn sàng sẻ chia kinh nghiệm với những ĐV-TN địa phương muốn học hỏi, nhân rộng mô hình.

Không chỉ anh Quốc, bạn Linh, hiện nay khắp nơi trong tỉnh có rất nhiều mô hình tự phát hiệu quả như thế trong lực lượng ĐV-TN nông thôn.

Cán bộ Đoàn xã Hưng Phú (huyện Phước Long) tham quan mô hình nuôi rắn ri voi của anh Nguyễn Phú Quốc. Ảnh: Xã đoàn Hưng Phú

Đến lúc phải thay đổi tư duy

Theo thống kê sơ bộ từ các cấp bộ Đoàn trong tỉnh, hàng năm mỗi địa phương tổ chức được khoảng 15 - 20 lớp tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo nghề cho TN nông thôn. Trong đó, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp như: trồng trọt; chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản; hoặc phi nông nghiệp như: đan đát, cắt may, sửa xe… Tuy nhiên, thực tế cho thấy đa phần học viên tham gia các lớp tập huấn chủ yếu để đạt chỉ tiêu, đảm bảo số lượng các lớp được mở. Khi tham gia, nhiều bạn trẻ thậm chí chẳng chú tâm vào nội dung bài giảng và thường “trả kiến thức” lại ngay cho người giảng sau khi kết thúc lớp học, tất nhiên hiệu quả đào tạo cũng không như mong đợi. Lý giải về sự “thờ ơ” này, rất nhiều ĐV-TN nông thôn đều cho rằng các lớp tập huấn đã không còn hợp thời, không xuất phát từ nhu cầu thực tế mà họ cần, thiếu sự cập nhật xu hướng nghề nghiệp mới…

Thế nên, đã đến lúc thủ lĩnh Đoàn các đơn vị cần thay đổi tư duy, không ngừng làm mới hoạt động đào tạo nghề để thu hút ĐV-TN tham gia khởi nghiệp sáng tạo. Thay vì cứ chạy theo thành tích, đào tạo những ngành nghề truyền thống, thì hãy lắng nghe TN, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của họ về nghề nghiệp, việc làm, những kiến thức cần trang bị trong khởi nghiệp để tìm được tiếng nói đồng điệu cùng họ. Không chỉ vậy, cán bộ Đoàn cần mạnh dạn thâm nhập thực tế, tìm kiếm những mô hình sinh kế hiệu quả để TN địa phương tham quan, mở rộng tầm nhìn, từ đó triển khai nhân rộng.

Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị hữu quan tổ chức các khóa đào tạo trực tiếp, trực tuyến về khởi nghiệp cho TN; hỗ trợ TN ứng dụng công nghệ mới, khoa học - kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất; đa dạng hóa các sân chơi khởi nghiệp sáng tạo theo chủ đề, lĩnh vực để kịp thời phát hiện những mô hình hay, tạo sinh kế ổn định… Và quan trọng hơn hết là tìm cách phá vỡ mọi rào cản, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các bạn trẻ tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ủy thác để nuôi khát vọng làm giàu chính đáng trên quê hương mình.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.