Thanh thiếu niên

Đừng mặc cho con “chiếc áo” quá rộng

Thứ Tư, 14/09/2022 | 15:50

Mỗi đứa trẻ được sinh ra đều mang theo những mong muốn, kỳ vọng của cha mẹ, gia đình về một tương lai xán lạn. Có người để con mình phát triển một cách tự nhiên, được tự do thoải mái làm những điều mình thích theo đúng sở trường, năng lực bản thân. Nhưng cũng không ít người chọn cách uốn nắn, rèn con từ lúc nhỏ trong khuôn khổ mà mình kỳ vọng, đôi khi sự áp đặt trở nên thái quá và khiến trẻ “hụt hơi” trong niềm mong ước của người lớn.

Mình muốn nhưng chắc gì con đã thích…

Khi bé nhà tôi học mầm non, tôi có quen với một chị phụ huynh (ở Phường 7, TP. Bạc Liêu). Mỗi lần có dịp trò chuyện lại nghe chị khoe con mình sớm bộc lộ tài năng thiên phú, có trí nhớ siêu đẳng, tính toán nhanh, học một biết mười và cực kỳ có năng khiếu với môn Tiếng Anh. Chị bảo đã vẽ sẵn tương lai cho con, lên lịch tất tần tật công việc phải làm, các lớp học văn hóa, năng khiếu phải tham gia để con sớm được rèn luyện về mọi mặt. Chị còn nhắm đến một số chương trình thực tế nhí đang tìm kiếm “ngôi sao” trên khắp mọi miền Tổ quốc để con tham gia, vì biết đâu con chị cũng là một tài năng sáng giá chưa được phát hiện. Theo chị, sau này lớn lên con chị phải là bác sĩ, kỹ sư, hoặc một cơ trưởng điều hành cả tổ bay…

Ngày ấy, nghe chị huyên thuyên về con mình, tôi nghĩ chị này mắc bệnh “nổ”, rồi bẵng đi một thời gian, chị ấy gửi cho tôi xem một số chương trình truyền hình thực tế nhí mà con chị có tham gia. Không chỉ vậy, chị còn thường xuyên tương tác trên các hội, nhóm Toán, tiếng Anh năng khiếu dành cho trẻ tiểu học… và tôi còn thường xuyên gặp chị miệt mài đưa đón con đi học thêm các lớp Toán, tiếng Anh nâng cao ở các trung tâm. Chẳng biết ước muốn con trở thành người nổi tiếng, người đặc biệt của chị có thành công hay không, nhưng trước mắt tôi là một thằng bé với chiếc kính cận dày cộm, mặt phờ phạc vì phải cùng mẹ chạy “sô” ở các lớp học thêm từ ngày này qua tháng nọ.

Nhìn con gái tự tin cùng bạn bè biểu diễn văn nghệ trên sân khấu trong lễ khai giảng năm học mới, hay mừng Trung thu…, chị Trần Thu Ngọc (thị trấn Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) lâng lâng niềm vui khôn tả vì con được tự do thể hiện năng khiếu mình yêu thích. Chị kể: “Hồi trước, tôi có đứa em cô cậu học lực chỉ tương đối nên nó dự định đi học nghề. Nhưng cậu tôi nhất quyết bắt nó phải học bác sĩ, hoặc chí ít cũng là kỹ sư với người ta. Không dám cãi lời cha, hơn 4 năm trời thằng nhỏ luyện thi đại học tốn không biết bao nhiêu tiền của, công sức, bạn bè cùng trang lứa đã ra trường đi làm, còn nó cứ mãi lẹt đẹt ở trung tâm luyện thi. Cuối cùng nó bỏ cuộc, về quê làm ruộng. Từ đó, tôi luôn dặn lòng mình sau này có con sẽ để con được tự do phát triển năng khiếu, con có thế mạnh gì tôi sẽ tạo điều kiện để con được phát huy, chứ không bao giờ cho con mặc “chiếc áo” quá rộng do mình áp đặt!”.

Hãy để con trẻ được bộc lộ năng khiếu một cách tự nhiên nhất. Ảnh: Vương Diễm

Hãy để con được hồn nhiên trưởng thành

Các chuyên gia tâm lý đặc biệt lưu ý các bậc làm cha mẹ, dù trẻ có tài năng đến đâu thì cũng phải phát triển thể chất, tính cách theo quy trình chung của con người. Trong đó, giai đoạn dậy thì và sau dậy thì là khá quan trọng, tâm lý trẻ ở lứa tuổi này cũng khá phức tạp nên nếu không khéo léo thì trẻ và người thân sẽ tạo ra những khoảng cách vô hình, hoặc trẻ sẽ tự “giam mình” trong thế giới riêng, không muốn mở lòng với xung quanh.

Là phụ huynh, khi con cháu đạt được kết quả nào đó thì tâm lý chung đều hãnh diện, tự hào; có người còn khoe thành tích của con cháu mình lên mạng xã hội vì nghĩ đó là một hình thức khuyến khích, khen tặng con. Nhưng có phụ huynh nào đã nghĩ đến khía cạnh chính cảm xúc lấn át lý trí, chính kỳ vọng nhiều hơn khả năng của con trẻ khiến chúng bị áp lực vào thành tích cần phải đạt cho những lần sau; phải cố gắng và cật lực cố gắng… để rồi “hụt hơi” trong “dòng sông” kỳ vọng của gia đình, dòng họ.

Mỗi người được sinh ra đều tiềm ẩn những nguồn năng lượng riêng, là một bản ngã riêng để không phải nhầm lẫn với một ai khác thì hà cớ gì lại phải phấn đấu để trở thành người này, người kia… mà không phải phấn đấu để được là chính mình?! Vì vậy, việc định hướng, uốn nắn con từ lúc nhỏ không phải là không tốt nhưng phải phù hợp và đúng cách để trẻ được phát huy đúng với năng lực, sở trường của bản thân; giúp trẻ nhận ra năng lực thật sự của chính mình, từ đó mới có niềm ham thích và tự nguyện phấn đấu.

Nhiều người thường ví von, gia đình chính là chiếc nôi cho mọi tài năng, nhân cách, là môi trường giáo dục đầu tiên và an toàn để mọi đứa trẻ được lớn lên, được thành nhân chi mỹ. Do vậy, mỗi phụ huynh hãy thật kiên nhẫn để đồng hành cùng con, hãy tôn trọng, lắng nghe và thấu hiểu bản sắc, cá tính riêng của từng trẻ và phải thật sự mềm mỏng để nắn lại những lỗi lầm của con trong cuộc sống…

Chọn cho con những “chiếc áo” vừa vặn chính là khởi đầu thành công, góp phần hình thành nên những nhân cách tốt, những công dân có ích cho xã hội mai này.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.