Thanh thiếu niên

Tạo hệ sinh thái khởi nghiệp cho thanh niên

Thứ Sáu, 25/05/2018 | 16:47

Bài 1: Giậm chân tại chỗ

Bài 2: Nội lực chưa được phát huy

Bài cuối: Ươm mầm từ giáo dục

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững đòi hỏi cả một quá trình lâu dài mà đích đến không gì khác hơn là tạo ra một nguồn nhân lực vừa có năng lực sáng tạo, vừa có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ. Suy cho cùng, con người là chủ thể chính để xây dựng nền kinh tế sáng tạo, rộng hơn là giáo dục.

Học sinh Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu thi tay nghề giỏi. Ảnh: C.K

Truyền lửa khởi nghiệp

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, trong tương lai, tất cả các ngành sản xuất đều phải sử dụng công nghệ. Những sản phẩm gắn với yếu tố công nghệ càng cao thì sẽ tạo ra giá trị gia tăng và thu được lợi nhuận càng lớn. Là một tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, các bạn trẻ có thể xây dựng những ý tưởng dựa trên việc áp dụng công nghệ vào nông nghiệp, thủy hải sản, xây dựng nền nông sản sạch... Đơn cử như mô hình đất sạch hữu cơ của hai bạn trẻ Hữu Hào và Hồng Mức (quê ở tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu) đang theo học tại Trường cao đẳng Công nghệ kỹ thuật Cần Thơ. Từ việc tận dụng chất thải của các nhà máy thủy sản, hai bạn trẻ đã chế tạo ra đất hữu cơ ứng dụng hiệu quả trên hoa màu và cây trồng, hiện tại mô hình của hai bạn trẻ cho lãi khoảng 70 triệu đồng/tháng.

Theo anh Nguyễn Quốc Khánh, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH-ĐT thì khởi nghiệp sáng tạo là những mô hình, cách làm mới có tính ứng dụng vào đời sống, mang lại lợi ích kinh tế nhưng không nhất thiết phải là những ý tưởng quá lớn lao, tùy theo trình độ và năng lực của từng bạn trẻ… Khi tham quan những mô hình ở vườn ươm TP. Cần Thơ, chúng tôi thấy những đề tài, ý tưởng của các bạn trẻ rất hay và cụ thể là kết quả từ sự trải nghiệm, quan sát đời sống thực tế, phát huy thế mạnh tại địa phương của mình”.

Tư tưởng “làm chủ”, sự chủ động thay vì trông chờ là một trong những động lực giúp thanh niên có tinh thần khởi nghiệp quật cường. Một địa phương sẽ chẳng thể nào phát triển nếu như quá nhiều người có tư tưởng đi làm thuê. Thực tế ở Bạc Liêu, nhiều học sinh, sinh viên tại các cơ sở đào tạo vẫn “nuôi” tư tưởng tìm việc ở cơ quan nhà nước, hoặc làm thuê cho các công ty tư nhân. Với tâm lý sợ rủi ro, nhiều bạn trẻ chưa mạnh dạn bước ra khỏi “vùng an toàn” để chấp nhận dấn thân vào những thử thách. Truyền lửa khởi nghiệp, khơi gợi, thúc đẩy sự sáng tạo trong học tập, lao động, sản xuất… là điều mà các cơ sở giáo dục, tổ chức Đoàn cần chú trọng hơn nữa.

Tất nhiên kèm theo đó phải có những hoạt động trợ giúp cụ thể. Tại ĐBSCL,Thành đoàn Cần Thơ là đơn vị đi đầu trong hoạt động hỗ trợ, kết nối với các doanh nghiệp giúp đỡ những dự án khởi nghiệp có tính khả thi. Riêng Trường đại học Cần Thơ, có vườn ươm cho các ngành, nhóm, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để phát triển từ ý tưởng đến dự án khởi nghiệp, phát triển nâng tầm dự án… và có cả nguồn quỹ hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên.

Hiện nay, Bạc Liêu chưa có thị trường cạnh tranh lành mạnh để thanh niên khởi nghiệp. Do đó, thời gian tới các đơn vị hữu quan cần có sự liên kết để đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cụ thể như: đào tạo, tập huấn, kết nối giữa người có ý tưởng đổi mới, sáng tạo với nhà đầu tư; phát triển các “vườn ươm” theo ngành, nhóm tại các trường chuyên nghiệp… Và cuối cùng, hành trang không thể thiếu của mỗi bạn trẻ trong quá trình khởi nghiệp - đó chính là đạo đức nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh. Nói cách khác, mỗi ý tưởng, sáng tạo đều phải hướng tới lợi ích của cộng đồng.

Ươm mầm cho thế hệ tương lai

Khởi nghiệp sáng tạo là một phong trào còn mới mẻ ở Bạc Liêu. Để đạt mục tiêu, ngoài những giải pháp thiết thực ngay từ bây giờ, đòi hỏi phải có những hoạch định chiến lược lâu dài mà vấn đề cốt lõi là giáo dục. Thế nhưng, thực tế công tác đào tạo ở các trường trong tỉnh đang tồn tại rất nhiều bất cập. Tiến sĩ Trần Công Chánh, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu, nhận định: “Hiện nay, một số cơ sở đào tạo theo hình thức lý thuyết hàn lâm và chưa quan tâm đến việc tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên cọ xát thực tế, đề cao ý tưởng sáng tạo trong học tập, cũng như khơi gợi giúp các em có sự chủ động khởi nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường”. Với chương trình giảng dạy còn nặng về lý thuyết, cũng như cách thức dạy học còn chậm đổi mới ở một số trường như hiện nay, rất khó để phát triển phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong học sinh, sinh viên.

Để tạo ra một thế hệ thanh niên trong tương lai năng động, có tri thức, giàu sáng tạo, đổi mới, có tinh thần khởi nghiệp quật cường thì bắt buộc chúng ta phải ươm mầm ngay từ bây giờ. Và yêu cầu bức thiết là phải thay đổi từ trong giáo dục, đổi mới trong hoạt động dạy và học. Tỉnh Bến Tre, TP. Cần Thơ là hai địa phương tiên phong trong khu vực ĐBSCL có sự đổi mới mạnh mẽ từ giáo dục để khởi nghiệp. Theo đó, Bến Tre đưa chương trình giáo dục khởi nghiệp vào trường học để giảng dạy. Đồng thời sắp tới Sở GĐ-ĐT tỉnh này còn chỉ đạo các trường hình thành các nhóm sản xuất, nhóm nghiên cứu khoa học, đặc biệt là xây dựng quỹ khởi nghiệp trong các trường để hỗ trợ các ý tưởng khả thi. Các trường THPT, THCS ở TP. Cần Thơ có chương trình dạy học trải nghiệm sáng tạo, xây dựng các công viên sáng tạo trong trường học. Đây là môi trường để học sinh áp dụng lý thuyết vào thực tiễn, thúc đẩy tinh thần sáng tạo cho các em...

Ông Dương Hồng Tân, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bạc Liêu, cho biết: “Hiện tại, Sở chỉ triển khai những chương trình, nội dung giáo dục theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT, chưa có những học phần liên quan đến các nội dung về khởi nghiệp”. Tuy nhiên, hằng năm Sở có tổ chức cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh khối THCS và THPT. Trong năm học 2017 - 2018, ở khối THCS có 78 học sinh đoạt giải, khối THPT có 60 học sinh đoạt giải. Có thể dựa vào hoạt động sáng tạo trong học đường để nâng tầm những ý tưởng, dự án nhằm phát triển khởi nghiệp, nhưng vấn đề là cần có sự trợ giúp ươm mầm. Thông qua những ý tưởng của các em, các trường, cơ sở giáo dục cần khuyến khích phát huy khả năng sáng tạo trong mỗi học sinh, từ đó có sự phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho các em ngay từ bậc THCS thông qua những gì các em thể hiện từ trải nghiệm thực tế… Đáng tiếc là cuộc thi này cũng giống như 2 cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh và sáng tạo kỹ thuật tỉnh, chỉ dừng lại ở mức độ trao giải thưởng, và hiện tại ngành Giáo dục cũng không có những khoản kinh phí để hỗ trợ phát triển, nâng tầm các ý tưởng và đưa vào thực tiễn.

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp bên cạnh các cơ chế, chính sách làm bệ đỡ, nguồn nhân lực là yêu cầu tiên quyết dẫn đến thành công. Điều này đòi hỏi những chiến lược lâu dài trong việc ươm mầm giáo dục thế hệ tương lai.

T.A

---------------------------------------------------

Anh Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Cần Thơ, chia sẻ: “Hiện nay chúng ta đang sống trong “thế giới phẳng”. Bất kể bạn ở đâu, làm gì, học lực ra sao không quan trọng, quan trọng là những ý tưởng của bạn có giá trị thì các quỹ đầu tư của nước ngoài sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu, vài trăm triệu đồng, thậm chí là vài triệu đô-la để đầu tư nếu ý tưởng đó xứng đáng. Ý tưởng là điều kiện tiên quyết để thanh niên bước vào khởi nghiệp”. 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.