Thanh thiếu niên

Thanh niên thoát nghèo từ nguồn vốn vay

Thứ Tư, 12/06/2019 | 16:13

Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp, các đơn vị Đoàn cơ sở đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ. Trong đó có việc tạo điều kiện cho thanh niên nghèo được vay vốn sản xuất. Từ nguồn vốn vay đã giúp nhiều hộ thanh niên thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

Mô hình trồng rau sạch của thanh niên ấp Bửu I (xã Long Điền Đông A, huyện Đông Hải). Ảnh: Y.N

Sau mỗi chuyến ra khơi, các chủ ghe cào ở Gành Hào thường mang về những cây rong đá, dương lá, vỏ sò điệp… Sinh ra và lớn lên tại xóm biển, dù không trực tiếp đánh bắt cá nhưng anh Nguyễn Minh Đan (ấp I, thị trấn Gành Hào) không lạ lẫm gì với những loại cây này. Cách đây vài năm, trong một lần cầm trên tay cây dương lá, anh nảy ra ý tưởng lấy loại cây này chế tạo ra dây đeo. Xuất phát từ việc làm trang sức tặng người thân, nhưng không ngờ sự khéo tay của anh mà nhiều người trong xóm tìm đến đặt mua. Thấy vậy, Đoàn bộ thị trấn Gành Hào đã động viên và tạo điều kiện cho anh Đan vay vốn tư Ngân hàng Chính sách để thực hiện mô hình khởi nghiệp này với số vốn ban đầu là 4 triệu đồng. Những công đoạn để tạo ra thành phẩm cũng là câu chuyện khá thú vị về sự sáng tạo của chàng trai trẻ ấy. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện để mua những máy móc hiện đại, nên anh Đan tận dụng những chiếc mô tưa bơm nước mà mọi người không dùng nữa để chế tạo ra máy khoan, tiện, lau bóng… Giá mỗi ký dương lá anh mua lại của chủ ghe dao động từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng, làm ra khoảng 10 sản phẩm. Tùy theo mức độ gia công mà mỗi loại trang sức có giá từ vài trăm đến hơn 1 triệu đồng. Nhờ sự khéo tay và luôn chịu khó sáng tạo thay đổi mẫu mã phù hợp với thị hiếu khách hàng nên sản phẩm của anh Đan không chỉ được bà con vùng biển ưa chuộng, mà nhiều người ở địa phương khác cũng tìm đến mua hàng. Nói về mục tiêu sắp tới, anh Đan cho biết: “Nhờ nguồn vốn vay đã tạo điều kiện cho tôi có được công việc ổn định và hiện tại tôi đã hoàn trả vốn gần xong. Sắp tới, ngoài việc nâng cao tay nghề, không ngừng học hỏi để thay đổi mẫu mã sản phẩm, tôi cũng muốn tích cóp để đầu tư máy móc hiện đại hơn, mở rộng quy mô cũng như tiếp cận thêm nhiều đối tượng khách hàng trong và ngoài tỉnh”.

Cũng từ nguồn hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội mà nhiều hộ thanh niên trong ấp Bửu I (xã Long Điền Đông A, huyện Đông Hải) có điều kiện thí điểm các mô hình làm kinh tế, trong đó có anh Huỳnh Hoàng Dững, Bí thư Chi đoàn ấp Bửu I. Anh Dững dùng nguồn vốn vay bắt tay vào thực hiện mô hình trồng rau sạch với diện tích 400m2 đan xen nhiều loại rau khác nhau. Đến nay, mô hình rau sạch của anh đã cho thu hoạch và đều đặn bán ra thị trường mỗi ngày. Nhận thấy mô hình rau sạch đang là xu hướng được người tiêu dùng ưa chuộng, để tìm chỗ đứng trên thị trường và tạo thương hiệu cho sản phẩm, thời gian tới anh Dững cùng thanh niên trong ấp dự kiến thành lập tổ hợp tác cũng như mở rộng quy mô sản xuất.

Còn tại huyện Vĩnh Lợi thì Xã đoàn Châu Hưng A được đánh giá là đơn vị sử dụng khá hiệu quả nguồn Quỹ Quốc gia 120 của Trung ương Đoàn ủy quyền. Hiện tại, Xã đoàn quản lý 200 triệu đồng và triển khai cho vay đối với 7 hộ thanh niên có mô hình kinh tế hay. Trước đây, Anh Nguyễn Văn Đại là thợ sửa chữa điện lạnh làm công cho các cơ sở tại TP. Bạc Liêu. Nhưng từ khi tiếp cận nguồn vốn vay, anh có điều kiện mua thiết bị và mở cơ sở sửa chữa của riêng mình để phục vụ bà con địa phương. Đồng thời, anh còn sử dụng vốn vay để học thêm nghề xây dựng nhà tiền chế. Từ hai công việc này đã cho anh nguồn thu nhập ổn định, đời sống kinh tế ngày càng khấm khá. Theo đánh giá của Xã đoàn Châu Hưng A, hầu hết các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ đều phát huy hiệu quả và phát triển ổn định theo hướng bền vững, nhiều thanh niên đã hoàn trả lại vốn trước thời hạn. Nhờ đó nguồn vốn được xoay vòng, tiếp tục hỗ trợ cho các mô hình mới. 

Một trong những khó khăn của thanh niên trên bước đường lập thân, lập nghiệp là đồng vốn. Tuy nhiên, nguồn quỹ hỗ trợ thanh niên của Tỉnh đoàn còn quá hạn hẹp với số vốn chưa đến 900 triệu đồng. Riêng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội lại có những quy định mà thanh niên không phải là chủ hộ rất khó tiếp cận. Do đó, các tổ chức Đoàn cơ sở cần có sự linh động, sáng tạo xây dựng các nguồn quỹ hùn vốn xoay vòng, quỹ tiết kiệm, nuôi heo đất… để tạo điều kiện cho thanh niên nghèo phát triển kinh tế.

T.A

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.